Tạo nguồn nước ngọt ở Lý Sơn: Cần có giải pháp bền vững

10:04, 26/04/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cứ đến mùa khô, người dân Lý Sơn lại ồ ạt đóng giếng khoan, hay vận chuyển nước ngọt từ đất liền ra để phục vụ sinh hoạt, gieo trồng. Song, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài cần có giải pháp cung cấp nguồn nước ngọt bền vững cho huyện Lý Sơn.
[links()]
 
Nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn đều khai thác trực tiếp từ nguồn nước ngầm.
Nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn đều khai thác trực tiếp từ nguồn nước ngầm.
Thời điểm này, nông dân huyện Lý Sơn vào vụ trồng hành mới. Mấy ngày qua, ông Nguyễn Cường, ở thôn Tây An Vĩnh phải túc trực ngoài đồng lấy nước tưới cho 1,5 sào hành vừa mới xuống giống. Ông Cường cho hay, trồng hành, tỏi rất cần nguồn nước tưới, nhưng nơi đây chưa có công trình thủy lợi, hay hồ chứa nước mưa quy mô. Phần lớn đều phụ thuộc vào nguồn nước ngầm.
 
Năm 2018, huyện Lý Sơn được ngân sách đầu tư 80 tỷ đồng để thực hiện dự án Bể chứa nước sinh hoạt kết hợp tưới tiêu, giai đoạn 2018 - 2020. Quy mô dự án có sức chứa hơn 70 nghìn mét khối, cung cấp nguồn nước tưới quanh năm cho 20 - 30ha. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay đã 4 năm, công trình mới triển khai ở giai đoạn 1.

Theo các lão nông ở thôn Tây An Vĩnh, dự báo năm nay thời tiết sẽ rất nắng nóng, nên ngay từ đầu vụ, ai cũng chuẩn bị phương tiện để khai thác nguồn nước tưới cho cây trồng... Trước đây, người dân dùng giếng khơi để tưới theo cách truyền thống, nên tốn nhiều nước. Từ khi điện lưới quốc gia kéo ra đảo, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tự động, vừa tăng năng suất cây trồng, vừa giải được bài toán tiết kiệm nước ngọt. 

 
Theo tính toán của nhiều nông dân, so với tưới thủ công, hình thức tưới phun mưa giúp tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước ngọt. Ngoài ra, tưới bằng đường ống dễ làm thân cây tỏi, hành bị dập, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và năng suất của cây trồng. Còn sử dụng hệ thống tưới phun mưa không gây ảnh hướng đến thân, lá của cây... Tuy nhiên, dù tưới theo đường ống, hay theo hệ thống phun sương cũng đều khai thác nước ngầm. Trong khi toàn huyện Lý Sơn có 325ha đất sản xuất nông nghiệp, nếu đồng loạt khai thác nguồn nước ngầm để tưới cho cây thì sẽ không đảm bảo.
 
Nhiều năm qua, cứ đến mùa nắng hạn, nhiều vùng trên địa bàn huyện bị nước mặn xâm thực, người dân phải chở nước ngọt từ đất liền ra sử dụng; đồng thời, đầu tư giếng khoan để khai thác nước ngầm. Tuy nhiên, theo khảo sát và quan trắc của ngành TN&MT, mực nước ngầm trên đảo Lý Sơn hiện tụt sâu so với trước kia gần cả chục mét. 
 
Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lý Sơn Võ Chí Thời cho biết, việc thiếu nước uống, sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn huyện luôn trở thành đề tài “nóng” trong các cuộc họp bàn về việc phát triển kinh tế bền vững cho huyện đảo. Toàn huyện có hơn 22 nghìn dân và hơn 325ha đất sản xuất nông nghiệp; trong khi đó, huyện chỉ có hồ chứa nước Thới Lới, có khả năng tưới cho khoảng 80ha đất sản xuất, nhưng thực tế chỉ tưới được khoảng 40ha. Diện tích canh tác còn lại, nông dân tự khai thác nước ngầm để tưới cây trồng. Vì thế, nhiều năm qua, cứ vào tháng 4 là người dân thiếu nước uống, sinh hoạt và sản xuất. Huyện đã có chủ trương cấm khai thác nước ngầm, nhưng trong quá trình giám sát gặp rất nhiều khó khăn.
 
Để giải một phần bài toán nước ngọt, những năm gần đây, huyện đã khuyến cáo nông dân chuyển đổi cây trồng từ cây hành sang trồng cây đậu phụng, đậu xanh, dưa hấu, nhằm hạn chế khai thác nguồn nước ngầm. Vụ trồng hành mới này, nông dân chỉ trồng khoảng 30% diện tích sản xuất nông nghiệp, nhưng nguy cơ thiếu nước tưới vẫn rất lớn.
 
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 

.