Tự hào là người con Quảng Ngãi

10:02, 05/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trực tiếp tham gia vào dự án nghiên cứu tìm ra thuốc đặc trị Covid-19 tại Viện Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, Giáo sư (GS) Đinh Ngọc Duy cùng với các nhà khoa học trên khắp thế giới đang chạy đua với thời gian để nghiên cứu thuốc đặc trị ngừa Covid-19. Vị GS còn rất trẻ này quê ở thôn 2, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa).
 
Giáo sư Đinh Ngọc Duy tham gia nghiên cứu thuốc đặc trị Covid-19.  Ảnh: NVCC
Giáo sư Đinh Ngọc Duy tham gia nghiên cứu thuốc đặc trị Covid-19. Ảnh: NVCC
Là nhà khoa học chuyên nghiên cứu về công nghệ chip vi chất lỏng ứng dụng trong sinh học và y học tại Trường Đại học Cambridge, từ khi Covid-19 bùng phát, GS Duy bắt đầu tìm hiểu, ứng dụng kỹ thuật nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19.
 
Giáo sư Đinh Ngọc Duy lấy bằng tiến sĩ kỹ thuật y sinh tại Đại học Quốc gia Singapore. Giáo sư sinh năm 1983 này đã trải qua quá trình học tập, làm việc ở nhiều nước như Anh, Đức... Trong đó, có nhiều năm nghiên cứu về công nghệ chip vi chất lỏng ứng dụng trong sinh học và y học. Hiện GS Duy đang nghiên cứu và giảng dạy tại Khoa Kỹ thuật y sinh thuộc Đại học Kỹ thuật Trung Văn Hong Kong; là thành viên chính thức của Hội Hóa học hoàng gia Anh và Hội Kỹ thuật y sinh Mỹ.
Giáo sư Đinh Ngọc Duy thông tin, công nghệ chip vi chất lỏng giúp rút ngắn quá trình tìm ra thuốc mới cho thử nghiệm lâm sàng từ 5 - 10 năm xuống chỉ còn khoảng 3 - 4 tháng. Thuốc này được phát triển từ kháng thể của bệnh nhân hồi phục sau Covid-19.
 
Để tạo kháng thể mới, nhóm nghiên cứu của GS Duy ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) có chức năng hỗ trợ xác định nguồn gốc các dòng kháng thể, phân tích đặc điểm và khả năng kháng vi rút của kháng thể. Sau khi chọn lọc những kháng thể có tiềm năng, AI tạo ra các kháng thể mới có chức năng tương tự. Độ đặc hiệu chuẩn kháng thể mới được kiểm tra nhanh qua chip vi chất lỏng.
 
Theo GS Duy, việc phát triển thuốc từ nghiên cứu, qua thử nghiệm lâm sàng rồi đưa vào sản xuất là quá trình lâu dài và chỉ 5% số thuốc thành công. Hiện nay, GS và cộng sự đang hoàn thiện kỹ thuật và kết quả nghiên cứu cũng được thử nghiệm trên một nhóm người bệnh để kiểm tra tính an toàn khi đưa thuốc sử dụng ra thị trường. “Cuộc chạy đua tìm thuốc đặc trị Covid-19 là một quá trình đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu và thử nghiệm.
 
Giáo sư Đinh Ngọc Duy cùng các cộng sự nghiên cứu thuốc đặc trị bệnh Covid-19. ẢNH: NVCC
Giáo sư Đinh Ngọc Duy cùng các cộng sự nghiên cứu thuốc đặc trị bệnh Covid-19. ẢNH: NVCC
Hiện tại chỉ có thuốc Remdesivir được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp nhận cấp giấy sử dụng cho điều trị Covid-19. Đối với công nghệ chip vi chất lỏng ra đời thập niên 90, nhưng gần đây mới được ứng dụng mạnh mẽ trong y sinh và nghiên cứu thuốc mới. Rất nhiều công ty lớn trên thế giới phối hợp với Viện Đại học Cambridge ứng dụng công nghệ này trong việc nghiên cứu và phát triển thuốc”, GS Duy chia sẻ.  
 
Sau khi thử nghiệm độ an toàn của thuốc, GS Duy mong muốn sớm đưa loại thuốc điều trị Covid-19 về Việt Nam, phối hợp với các nhà khoa học trong nước để phát triển những công nghệ mới; đồng thời đưa công nghệ chip vi chất lỏng về nước để ứng dụng trong điều trị ung thư và các bệnh khác. Giáo sư Duy hy vọng sẽ đưa những công nghệ mới trong nghiên cứu của mình về phát triển ở Việt Nam trong tương lai. “Con đường nghiên cứu khoa học còn rất dài và mỗi nấc thang bạn phải nỗ lực để trở thành người xuất sắc thì mới có thể đi lên nấc cao hơn”, GS Duy bày tỏ.
 
KIM NGÂN
 
 

.