Nữ cán bộ Mặt trận tiêu biểu

03:01, 05/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- "Bằng khen mà cá nhân tôi nhận được là thành tích, là công sức chung của anh chị em làm công tác Mặt trận, phụ nữ ở thôn...". Đó là tâm sự của Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận (Bình Sơn) Phan Thị Loan. 
 
Chị Loan là người vừa được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trước đó, vào năm 2017, chị Loan cũng được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen.
 
Phụ nữ ở thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận (Bình Sơn) tổ chức thu gom phế liệu, bán lấy tiền giúp đỡ các cụ già neo đơn, hộ khó khăn.
Phụ nữ ở thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận (Bình Sơn) tổ chức thu gom phế liệu, bán lấy tiền giúp đỡ các cụ già neo đơn, hộ khó khăn.
Năm 2015, nhận thấy trên địa bàn thôn có nhiều người già neo đơn, chị Loan cùng nhiều chị em trong Chi hội Phụ nữ thôn Tuyết Diêm 3 lên ý tưởng thực hiện mô hình thu gom phế liệu, bán lấy tiền để giúp đỡ họ. Vào sáng thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, các chị rong ruổi khắp các gia đình, hàng quán để xin phế liệu gom về bán. Thấy việc làm ý nghĩa này, người dân thay vì dùng phế liệu để bán thì mang tặng các chị em. Trong những năm qua, từ số tiền bán phế liệu gần 40 triệu đồng, chị Loan cùng các chị em tổ chức trao 240 suất quà và hỗ trợ 120 nghìn đồng/tháng cho một người già neo đơn ở thôn. Số tiền hỗ trợ tuy không quá lớn, nhưng qua đó thể hiện tinh thần sẻ chia của những cán bộ Mặt trận, phụ nữ tận tụy ở thôn Tuyết Diêm 3.
 
Ông Nguyễn Duy Tân, chủ quán cà phê Bonsai, ở thôn Tuyết Diêm 3 chia sẻ, tôi bán cà phê nên lượng rác thải như vỏ lon, chai... trữ lại hằng tháng cũng tương đối nhiều. Thấy vào ngày cuối tuần, nắng cũng như mưa, chị Loan và phụ nữ trong thôn đến xin để bán lấy tiền giúp đỡ các cụ già neo đơn, nên gia đình tôi tặng hết. Mỗi người đóng góp một ít là các cụ già khó khăn sẽ có cuộc sống tốt hơn.
 
Ngoài mô hình gây quỹ từ thu gom phế liệu, từ tháng 3/2021, chị Loan cùng các chị em tổ chức mô hình "Bữa sáng yêu thương", nấu cháo 2 lần/tháng để cấp 150 suất cho các cụ già và người có hoàn cảnh khó khăn trong thôn. Chị Loan chia sẻ, mô hình thu gom phế liệu vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa có kinh phí để lo cho người nghèo. Điều vui nhất là người dân trong thôn hiểu được ý nghĩa của mô hình nên nhiệt tình hưởng ứng. Ngoài mô hình thu gom phế liệu, hằng tháng, mỗi đảng viên trong thôn Tuyết Diêm 3 còn đóng góp mỗi người khoảng 10 nghìn đồng để giúp đỡ các em học sinh nghèo.
 
Trong phong trào đóng góp xây dựng nông thôn mới ở thôn Tuyết Diêm 3, hầu hết người dân đều nhiệt tình hưởng ứng. Để có được sự đồng thuận cao, cán bộ Mặt trận, phụ nữ... của thôn phải thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân và vận động. Nhờ đó, người dân tình nguyện hiến đất mở đường, đóng góp kinh phí, ngày công để xây dựng nông thôn mới. Riêng trong năm 2017, người dân thôn Tuyết Diêm 3 đã đóng góp trên 540 triệu đồng để thi công các tuyến đường trong thôn.
 
Gắn bó với công tác Mặt trận thôn từ năm 2013, chị Loan hiểu được những khó khăn trong quá trình hoạt động, nhất là thực hiện công tác an sinh xã hội, bởi nguồn kinh phí hạn hẹp. Nếu không có những sáng kiến hay, tập hợp được mọi người, thì sẽ khó tổ chức các hoạt động, phong trào. “Phong trào được duy trì, hoạt động tốt đến thời điểm này là công sức của tất cả thành viên trong hội, đoàn thể ở thôn. Nhiều chị em dành thời gian đi thu gom phế liệu, nấu cháo... đều là tự nguyện, xuất phát từ tấm lòng muốn giúp đỡ người nghèo. Bởi vậy, khi được trao Bằng khen, tôi xem đây là sự ghi nhận công sức của tất cả mọi người, chứ không phải của riêng cho bản thân mình", chị Loan tâm sự.
 
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 
 
 

.