Cùng nhau xẻ đá, đào kênh...

08:09, 09/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua Ái quốc “Diệt giặc đói...” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (11/6/1948), nhân dân Quảng Ngãi đã hăng hái đắp đê, làm thủy lợi, tăng gia sản xuất để đảm bảo lương thực cho đời sống và kháng chiến trường kỳ. Những công trình thủy lợi được đào đắp bằng tay trong những năm tháng “mưa bom, bão đạn” luôn là niềm tự hào, là dấu ấn của một thời gian khó chẳng thể nào quên.
 
Thi đua làm thủy lợi
 
Đã 71 năm trôi qua kể từ ngày kênh Bàu Súng - một con kênh được nhân dân xã Đức Chánh (Mộ Đức) đào xuyên qua núi đá ong hoàn thành và đưa vào sử dụng, những câu chuyện về những năm tháng người người, nhà nhà cùng chung lưng đấu cật đào kênh giữa cảnh đạn bom khói lửa vẫn được các thế hệ người dân ở thôn 2, thôn 4, xã Đức Chánh truyền lại đến hôm nay.
 
Đoạn kênh Bàu Súng đào xuyên qua núi đá ong tại xã Đức Chánh (Mộ Đức) tuy không còn dẫn nước tưới ruộng đồng, nhưng vẫn được người làng gìn giữ đến hôm nay.
Đoạn kênh Bàu Súng đào xuyên qua núi đá ong tại xã Đức Chánh (Mộ Đức) tuy không còn dẫn nước tưới ruộng đồng, nhưng vẫn được người làng gìn giữ đến hôm nay.
Kể về những năm tháng ông, cha mình đào kênh bằng rìu, bà Lê Thị Nguyệt (1953), ở thôn 2, xã Đức Chánh bồi hồi bảo, lúc tôi sinh ra, kênh Bàu Súng đã có rồi. Để có con kênh ấy, cha tôi rồi bác tôi, những người của thế hệ trước cùng dân trong làng đã đổ vào đó rất nhiều công sức. Thậm chí, anh họ của tôi, trên đường mang cơm ra cho bác bị vướng mìn nên đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Do vậy, câu chuyện về những năm tháng vất vả làm kênh, vừa là niềm tự hào, vừa là nỗi đau mà thế hệ chúng tôi được thế hệ trước kể lại. Kênh dài đến 1.000m, được đào xuyên qua núi đá ong, nên mọi người không chỉ đào bằng cuốc, xẻng mà còn đào bằng rìu. Mọi người đã phải dùng rìu chẻ từng tảng đá ong, cho tới khi độ sâu của kênh đạt 20m. Nhưng bù lại, sau khi tuyến kênh hoàn thành đã vừa giúp tiêu úng cho cánh đồng ở thôn 2, lại vừa cung cấp nước tưới cho cánh đồng thiếu nước quanh năm ở thôn 4. Hoạt động sản xuất của người làng từ chỗ nhờ nước trời đã đỡ cơ cực hơn khi chủ động được nước tưới.
 
Bằng dụng cụ thô sơ, nhưng với quyết tâm của người dân, từ năm 1947 - 1950, tuyến kênh Bàu Súng dài trên 4km, với 1km đào xuyên qua núi đá ong đã hoàn thành, đủ sức tưới tiêu cho hơn 150 mẫu ruộng của người dân, giúp nông dân xã Đức Chánh chủ động nước tưới trong sản xuất, xóa bỏ tình trạng ngập úng, hạn xảy ra triền miên suốt nhiều năm.
 
Cũng trong khoảng thời gian này, trong hai năm 1948 - 1949, nhân dân huyện Sơn Tịnh đã tích cực đóng góp hàng chục nghìn ngày công để đào đắp tuyến kênh Sơn Tịnh, còn gọi là kênh Ông Cát dài 16km, đảm bảo nước tưới cho 300ha ruộng ở Bình Sơn và Sơn Tịnh, giúp người dân thoát khỏi cảnh thiếu lương thực triền miên. Cùng với đó, tại huyện Bình Sơn, năm 1947, nhân dân trong huyện cũng đã hăng hái đóng góp mỗi người 5 ang lúa để đắp đập ngăn mặn Cà Ninh. Tại huyện Tư Nghĩa, trong 2 năm 1951 - 1952, nhân dân trong huyện cùng chính quyền địa phương đào xong kênh Tư Nghĩa dài 15km, dẫn nước tưới cho hàng trăm héc ta ruộng lúa vùng trung tâm và phía đông huyện...
 
Kỳ tích trong gian khó
 
Sau khi giành được độc lập, để kiến thiết kinh tế, mối quan tâm hàng đầu của nước ta ngày đó là phải bảo vệ và phát triển sản xuất nông nghiệp, mà công việc ưu tiên trước hết là thủy lợi. Tuy nhiên, nguồn lực dành cho đê điều của Chính phủ lúc bây giờ còn hạn chế, vì vậy, chủ trương của Đảng và Chính phủ là huy động sức dân, phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết toàn dân. Năm 1949, trong thư gửi đồng bào các tỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi, động viên quân dân cả nước: "Đồng bào hãy xung phong thi đua góp công, góp của, đắp đê, giữ đê. Tôi hứa dành một giải thưởng đặc biệt cho tỉnh nào giỏi nhất”.
 
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với cả nước, công tác thủy lợi đã được Đảng bộ và chính quyền Quảng Ngãi quan tâm đặc biệt. Dù chỉ dùng công cụ thô sơ và phải đào, đắp công trình thủy lợi trong bối cảnh máy bay địch thường xuyên ném bom đánh phá, nhưng với ý chí bền bỉ, sắt đá, quân và dân ta đã làm nên hàng loạt công trình thủy lợi lớn, nhỏ.
 
Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, toàn tỉnh chỉ có chưa đến 10 công trình thủy lợi vừa là: Đập Cù Và (Sơn Tịnh), đập Ba La (Tư Nghĩa), kênh An Chỉ (Hành Phước), đập Ngự Hàm Châu Me Đông, đập Ngự Hàm Tư Cung Nam, đập Ngự Hàm Giao Thủy (Bình Sơn), mương và đập sông Thoa (Mộ Đức), đập An Thọ (Đức Phổ). Từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến năm 1954, tỉnh ta đã xây dựng được các công trình thủy lợi lớn gồm: Mương Bình Minh, đập Cà Ninh (Bình Sơn), kênh Sơn Tịnh (Sơn Tịnh), kênh Tư Nghĩa (Tư Nghĩa), 141 bờ xe lấy nước... Cùng với đó, quân và dân trong tỉnh đã cùng chung tay đắp nên các công trình thủy lợi nhỏ, gồm 204 đập bổi, 102 mương, 7379 ao...
 
Theo tài liệu về Thủy lợi Liên khu 5, nếu như trước Cách mạng Tháng Tám 1945, toàn tỉnh chỉ có 6.890 mẫu ruộng có nước tưới thì đến năm 1954 con số này lên đến hơn 26 nghìn mẫu. Qua đó, giúp nhân dân tỉnh nhà chiến thắng “giặc đói”, tự túc được lương thực, thực phẩm cho cuộc sống và cho kháng chiến trường kỳ.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 
 

.