Chăm lo cho người khuyết tật

09:09, 23/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chăm lo cho người khuyết tật (NKT) là một trong những chính sách an sinh xã hội được tỉnh tăng cường triển khai thực hiện. Qua đó, góp phần hỗ trợ NKT vượt qua khó khăn, vươn lên hòa nhập trong cuộc sống.
[links()]
 
Dạy nghề, tạo việc làm
 
Việc đào tạo, giới thiệu việc làm cho NKT được xem là hành động thiết thực, giúp NKT sớm ổn định cuộc sống. Anh Võ Chí Thông (25 tuổi), ở xã Bình Tân (Bình Sơn), sinh ra đã bị chậm phát triển trí tuệ, nên trước đây, Thông chỉ quanh quẩn ở nhà và làm những việc phụ giúp gia đình. Sau khi biết Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (Nghĩa Hành) đào tạo nghề cho NKT, gia đình đăng ký cho Thông học nghề may công nghiệp. Nhờ sự nỗ lực, sau khi học xong nghề, anh Thông nhận hàng về gia công tại nhà, nên cuộc sống đã ổn định hơn trước.
 
Thăm khám trẻ em sứt môi, hở hàm ếch.
Thăm khám trẻ em sứt môi, hở hàm ếch.
Trong giai đoạn 2012 - 2020, có khoảng 500 NKT trong tỉnh được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm thông qua chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các chương trình khác. Các hình thức đào tạo nghề đa dạng theo hình thức kèm cặp và tập nghề, với những nghề phù hợp với năng lực người học và thị trường lao động như may công nghiệp, trồng rau an toàn, kỹ thuật photoshop, tin học văn phòng, kỹ thuật chế biến món ăn... Kết quả, đã có 147 NKT tốt nghiệp và có việc làm. Ngoài ra, Hội Người mù tỉnh đã mở 17 lớp dạy chữ, dạy nghề, học định hướng di chuyển cho 170 người. Sau khi đào tạo nghề, hội đã tổ chức 5 cơ sở sản xuất tập trung để làm chổi, rèm trúc và mở 4 cơ sở xoa bóp cổ truyền, tạo việc làm cho 50 lao động.
 
Các cơ sở đào tạo nghề cũng đã chủ động kết nối doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho NKT sau học nghề, đặc biệt là đối với nghề may công nghiệp đã được Công ty May Vinatex Tư Nghĩa tiếp nhận vào làm việc, với mức lương ổn định và tạo môi trường làm việc khá tốt cho các em là NKT. Các em học nghề kỹ thuật chế biến món ăn được các cơ sở đào tạo nghề giới thiệu vào làm việc tại các tổ dịch vụ nấu ăn.
 
“Qua việc hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm đã giúp NKT tìm kiếm được công việc phù hợp, dần dần làm chủ cuộc sống, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tỷ lệ NKT sau học nghề có việc làm, thêm việc làm đạt khoảng 52%”, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) Nguyễn Hoàng Chi cho biết.
 
Hỗ trợ tiếp cận các chương trình, dự án 
 
Hiện toàn tỉnh có gần 80 nghìn NKT, trong đó có 32.410 NKT được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội. Nhờ sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, sự đồng thuận, hỗ trợ của nhân dân, công tác đảm bảo an sinh xã hội nói chung, công tác chăm lo cho NKT nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, 100% NKT được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 80% NKT được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông... 
 
Ngoài ra, 10 năm qua, Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện nhiều chương trình can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp NKT. Từ năm 2015 - 2019 đã có 530 trẻ em được hỗ trợ phẫu thuật tim bẩm sinh; phẫu thuật miễn phí cho 707 trẻ khuyết tật sứt môi, hở hàm ếch, sẹo bỏng, co rút, u vùng mặt, 366 trẻ bị khuyết tật vận động... Để tạo điều kiện cho NKT đi lại thuận lợi, tỉnh đã vận động các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ, tặng xe lăn. Tính trong 5 năm trở lại đây, đã có hơn 4.600 chiếc xe lăn, xe lắc được cấp cho NKT trên địa bàn tỉnh...
 
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Hữu Dũng cho biết, giai đoạn 2010 - 2020, tổng kinh phí thực hiện các đề án, chương trình, dự án trợ giúp NKT trong tỉnh là hơn 100 tỷ đồng, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.
 
Bài, ảnh: VŨ YẾN
 
 
 

.