Tháng Ba về Sơn Mỹ

10:03, 16/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây 53 năm, vào sáng 16.3.1968, một đội quân Mỹ đã tràn vào làng Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê sát hại 504 thường dân mà trong đó hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Vượt lên đau thương, kể từ sau ngày giải phóng, vùng đất này đã đổi thay từng ngày.
[links()]
Khát vọng vươn lên
 
Tháng Ba, trên khắp các cánh đồng của thôn Tư Cung, Cổ Lũy trải mượt một màu xanh của lúa, bắp. Những ngôi nhà mái ngói khang trang ẩn dưới bóng dừa yên bình. 
Diện mạo thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê hôm nay.
Diện mạo thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê hôm nay.
Ngồi trong ngôi nhà bề thế ở  giữa thôn Tư Cung, ông Nguyễn Bạo (60 tuổi) đăm chiêu nhìn ra cánh đồng lớn xanh rì, nhớ lại: “Gia đình tôi có 3 người bị giết trong vụ thảm sát. Vượt qua nỗi đau mất mát, tôi đã nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói nghèo để làm giàu ngay trên quê hương”. Hiện nay, mô hình kinh tế vườn- ao - chuồng của ông Bạo khá hiệu quả, đặc biệt là phát triển chăn nuôi bò, heo. Ông Bạo là một trong những tấm gương giàu nghị lực, sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.
 
Ngoài ông Bạo, còn có gia đình anh Trương Mười, Trần Nam, Bùi Sanh, Hoàng Tụ, Nguyễn Thị Phượng, Trương Thị Lê, Trương Dưỡng... là nạn nhân trong vụ thảm sát, xuất phát điểm kinh tế rất khó khăn, nhưng họ đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư sản xuất, nên kinh tế gia đình phát triển khá.
 
Trong hướng làm ăn mới, người dân ở đây đang tập trung đầu tư phát triển nghề thủ công truyền thống, nuôi trồng thủy sản, đóng mới tàu thuyền, khai thác và chế biến thủy sản.
 
Xuất thân nghèo khó, từ năm 16 tuổi, anh Nguyễn Tấn Toàn, ở thôn Cổ Lũy đã gác lại chuyện học hành để đi bạn trên tàu cá kiếm tiền nuôi cha mẹ già. Sau những tháng năm vượt sóng đầy gian khổ, anh Toàn tích cóp và nỗ lực tự đóng cho mình một chiếc tàu cá để khai thác hải sản ở vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa. Cho đến nay, anh đã có hai chiếc tàu cá công suất 500CV, thuộc loại lớn nhất ở địa phương. Anh Toàn trở thành một trong những "ngư dân tỷ phú" ở làng chài Cổ Lũy, mỗi năm thu về hàng tỷ đồng. Vươn lên làm giàu chính đáng, anh Toàn còn giúp hàng chục thanh niên ở địa phương có việc làm và thường xuyên đóng góp xây dựng quê hương Tịnh Khê. 
 
Cụ Phạm Thị Thuận, ở thôn Tư Cung, một trong những nhân chứng sống sót trong vụ thảm sát Sơn Mỹ, năm nay đã hơn 80 tuổi cho biết, mẹ con bà sống sót là nhờ những người chết trước che đỡ. Nhớ chuyện xưa, bà Thuận bộc bạch: “Vết thương nào rồi cũng sẽ lành. Giờ thấy cuộc sống yên bình, tôi mừng lắm! Thôi thì gác lại quá khứ để hướng tới tương lai”. Hiện con gái bà Thuận, nạn nhân sống sót khi ấy mới 5 tuổi giờ là nhân viên hướng dẫn, thuyết minh tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ.
 
Phấn đấu trở thành phường 
 
Vượt lên đau thương mất mát, nhân dân Sơn Mỹ đã lập nên nhiều kỳ tích trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và tái thiết quê hương. Xã Tịnh Khê hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Và giờ đây người dân đang nỗ lực giảm nghèo vươn lên làm giàu, dựng xây quê hương giàu đẹp.
 
Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Võ Minh Chính tự hào cho hay: "Hiện nay, hộ nghèo của xã giảm còn 1,3%. Gia đình đạt chuẩn văn hóa gần 95%. Về kinh tế, tổng giá trị sản xuất trong 5 năm trở lại đây đạt trên 908 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đạt 44 triệu đồng/người/năm. Hiện xã Tịnh Khê đang phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí để lên phường. Trong 5 năm qua, người dân đã đồng thuận, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng xã lên phường. Toàn dân đã hiến hơn 4.352m2 đất, hàng nghìn ngày công và đóng góp nhiều tỷ đồng để làm đường giao thông, xây dựng trường học...". Điển hình như gia đình cụ bà Nguyễn Thị Bường, thôn Tư Cung dù không mấy khá giả, nhưng hưởng ứng chủ trương của địa phương đã sẵn sàng hiến 150m2 đất để làm đường nông thôn. Nhờ đó, những con đường đất đỏ trong thôn Tư Cung nay đã được mở rộng, bê tông khang trang hơn.
 
Xã Tịnh Khê đang tận dụng lợi thế để phát triển dịch vụ du lịch. Vùng đất này không chỉ là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, mà còn được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp nổi tiếng như Cổ Lũy cô thôn, bãi biển Mỹ Khê, dòng sông Kinh hiền hòa, rừng dừa nước xanh mượt... Nhờ những thế mạnh này mà Tịnh Khê đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Nhờ đó, người dân có điều kiện mở các dịch vụ buôn bán nhỏ, góp phần tăng thu nhập. 
 
Trong cơ cấu kinh tế của Tịnh Khê, hiện nay dịch vụ chiếm tỷ trọng 48%. “Xã Tịnh Khê còn có khu du lịch tâm linh Thiên Mã và nhiều điểm di tích lịch sử. Cầu Cổ Lũy hoàn thành cùng với tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa... không chỉ tạo điều kiện cho vùng đất này phát triển du lịch, mà còn giúp xã nhanh chóng đạt các tiêu chí của đô thị loại V và lên phường”, ông Chính bày tỏ.
 
Bài, ảnh: KIM NGÂN
 
 
 

.