Người lo việc của xóm làng

09:10, 05/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nói đến tổ trưởng tổ dân phố Uy Năng, thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) Đinh Thị Thu, người dân ở địa phương đều gọi bằng cái tên thân thương: "Bà thôn". Gần 20 năm gắn bó với công tác ở địa phương, bà Thu luôn được người dân yêu mến bởi sự gương mẫu, mẫn cán với công việc của xóm làng. 
Tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hoá
 
Cũng như nhiều người dân Hrê ở địa phương, cuộc sống của bà Đinh Thị Thu không tách rời khỏi phong tục, tập quán của dân tộc mình. Dù vậy, bà Thu biết  phân biệt đâu là nét đẹp văn hoá, đâu là tập tục lạc hậu cần phải xoá bỏ. 
Bà Đinh Thị Thu (bên phải) thường xuyên thăm hỏi người dân trong tổ dân phố.
Bà Đinh Thị Thu (bên phải) thường xuyên thăm hỏi người dân trong tổ dân phố.
Đối với đồng bào Hrê, khi người thân trong gia đình mất thì đó cũng là lúc tang gia “chia của” tựa như cho người mất đi ở riêng. Từ đồ ăn thức uống cho đến vật dụng, tài sản trong nhà, trang phục, công cụ lao động, trâu, bò... đều được treo quanh mộ. Trước đây, chuyện giết thịt tới chục con trâu, bò trong một đám tang từng là điều hết sức bình thường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.  Những tập tục nói trên không chỉ lãng phí về kinh tế, mà còn gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vận động người dân xóa bỏ tập tục lạc hậu không phải là vấn đề ngày một ngày hai, mà phải làm theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” và có phương pháp thích hợp.
 
Bà Thu đã tiên phong trong việc không treo đồ nưa sống (thịt trâu, thịt bò còn sống - PV)  khi người thân trong gia đình mất. “Sau khi gia đình tôi thực hiện, cùng với thời gian dài kiên trì vận động, việc tổ chức ma chay trong tổ dân phố đã được tổ chức văn minh hơn. Đến nay, hủ tục treo đồ nưa sống đã được xóa bỏ”, bà Thu chia sẻ.
 
Ngoài ra, bà Thu cũng đã góp công lớn trong việc đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và tập tục lạc hậu trong canh tác ở địa phương. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Những vùng đất rẫy cạn sản xuất kém hiệu quả được cải tạo để trồng đậu phụng; những đàn trâu, bò được nuôi nhốt theo hướng hàng hóa thay vì chăn thả ngoài đồng... Qua đó, góp phần vào sự khởi sắc chung trong đời sống đồng bào dân tộc nơi đây.
 
Nhiệt huyết với công việc
 
Gần 20 năm lo công việc của xóm làng, từ tổ trưởng tổ dân phố, chi hội trưởng  chi hội phụ nữ, chi hội trưởng chi hội khuyến học, bà Thu luôn gần gũi với người dân, hiểu được hoàn cảnh của từng gia đình để động viên người dân làm tròn nghĩa vụ công dân. Khi có những hoàn cảnh quá ngặt nghèo, bà kịp thời vận động mạnh thường quân hoặc đề xuất các hội, đoàn thể của thị trấn tìm cách giúp đỡ.
 
Chị Phạm Thị Loan, ở tổ dân phố Uy Năng cho hay: "Tổ dân phố này ai cũng quý mến bà Thu. Gia đình nào có con em đến tuổi đi học, bà Thu thường xuyên hỏi thăm. Bà vận động mọi người quyên góp đồ dùng học tập, sách vở để tặng cho các em khó khăn, tạo điều kiện cho các con được đến trường".
 
Bà Thu không biết đi xe máy, nên suốt mấy mươi năm qua, chồng bà là tài xế, đưa bà đi khắp trong vùng để hoàn thành tốt nhiệm vụ với cộng đồng. Hình ảnh người tổ trưởng đi đến từng nhà nhắc nhở các hộ gia đình giữ gìn trật tự, treo cờ Tổ quốc nhân các ngày kỷ niệm lớn của đất nước; vận động  người dân đóng góp vào Quỹ "Vì người nghèo", Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", Quỹ khuyến học; tuyên truyền vận động các hộ giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh... đã trở thành hình ảnh quen thuộc ở tổ dân phố nơi vùng cao này.
 
“Có sâu sát các hộ dân mới thấu hiểu hết cả khó khăn và thuận lợi, mới vận động, thuyết phục được người dân đồng lòng ủng hộ", bà Thu bộc bạch. Luôn nắm bắt kịp thời các vụ việc, hiểu rõ gia cảnh từng hộ, bà Thu linh hoạt hòa giải nhiều vụ va chạm, mâu thuẫn một cách thấu tình, đạt lý. Nhờ vậy, tổ dân phố Uy Năng không có đơn, thư khiếu kiện vượt cấp, không có tình trạng tranh chấp đất đai, không xảy ra bạo lực gia đình...
 
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ba Tơ Nguyễn Thị Mỹ Lệ cho biết: Bà Đinh Thị Thu là người uy tín trong dân làng. Chính sự nhiệt huyết, biết động viên, chia sẻ của bà Thu đã tạo nên khối đoàn kết trong tổ dân phố và là cầu nối giữa chính quyền địa phương với người dân tổ dân phố Uy Năng.
 
Bài, ảnh: TRUNG ÂN
 
 
 

.