Khẩn trương khắc phục hậu quả bão, lũ

04:10, 13/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Do ảnh hưởng của bão kết hợp mưa lớn, nhiều địa phương trong tỉnh bị thiệt hại nặng. Ngay sau khi nước lũ rút, các địa phương đã khẩn trương dọn dẹp, khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống người dân.
Tập trung ổn định đời sống người dân
 
Trở lại xóm Soi, thôn An Điềm 1, xã Bình Chương (Bình Sơn), vùng rốn lũ nằm sát sông Trà Bồng vào sáng 12.10, dù nước lũ đã rút, nhưng trên khắp các con đường, ngõ xóm còn chìm ngập trong bùn non, toàn bộ hoa màu bị bùn đất phủ dày. Nhiều diện tích chuối đang trổ buồng ngã rạp trong nước. 
Cầu treo Nước Mù (xã Sơn Bua, Sơn Tây) bị nước lũ làm hư hỏng, gây cô lập hoàn toàn 20 hộ dân.    Ảnh: L.Đức
Cầu treo Nước Mù (xã Sơn Bua, Sơn Tây) bị nước lũ làm hư hỏng, gây cô lập hoàn toàn 20 hộ dân. Ảnh: L.Đức
Bí thư Chi bộ thôn An Điềm 1 Lê Trung cho hay: Ngay trong sáng sớm nay, sau khi lũ rút, bên cạnh việc dọn dẹp nhà cửa, chúng tôi đã huy động người dân cùng dọn dẹp bùn non, rác ở các tuyến đường trong xóm để đảm bảo việc đi lại. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có thể dọn bùn ở một số khu vực trước nhà dân. Còn nhiều tuyến đường trong xóm không thể dọn được vì lượng bùn non quá lớn, phải đợi mưa xuống mới rửa trôi được.
 
Tại xã Bình Mỹ, do nước sông Trà Bồng dâng cao làm nhiều khu dân cư và chợ Thạch An ngập trong nước. Chính quyền địa phương đã huy động toàn bộ lực lượng cùng người dân, hỗ trợ tiểu thương thu dọn hàng hóa đưa lên cao. Thực hiện phương châm “nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó”, đến sáng 12.10, tiểu thương đã buôn bán trở lại bình thường, đảm bảo cung cấp thực phẩm cho người dân trong xã. 
 
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ Trần Quang Hà cho biết: Hiện toàn bộ 43 hộ/215 khẩu thuộc diện di dời, sơ tán đã trở về nhà sau khi lũ rút. Đối với các hộ già yếu, neo đơn, địa phương đã hỗ trợ quét dọn, gia cố lại nhà cửa. Hiện công tác khắc phục sau lũ đã cơ bản xong, các tuyến đường đã được thông, cuộc sống người dân ổn định trở lại.
 
Trong đợt lũ vừa qua, huyện Bình Sơn là địa phương phải di dời 227 hộ dân đến các địa điểm cao ráo tránh trú. Hiện các hộ di dời đã trở về nhà an toàn, còn một số hộ thuộc diện già yếu đang ở nhà người thân.
 
Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân sau lũ, UBND huyện Bình Sơn đã chỉ đạo chính quyền các địa phương thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng đối với các giếng bị ngập, đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh cho dân. “Bên cạnh việc khắc phục bão lũ số 6 gây ra, địa phương cũng đang chuẩn bị các phương án để sẵn sàng ứng phó với hai cơn bão được dự báo sắp đến”, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Đỗ Thiết Khiêm thông tin.
 
Trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, sau bão, lũ, rác bị cuốn trôi từ thượng nguồn về và các cây xanh bị đổ ngã phải chặt bỏ cành khiến cho lượng rác thải ở TP.Quảng Ngãi tăng đột biến. Vì thế, công tác thu gom, vận chuyển của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi được tăng cường tối đa, đảm bảo không để tồn đọng rác thải, gây ô nhiễm môi trường.
 
Một số vùng của TX.Đức Phổ, nhất là phường Phổ Thạnh, sau bão số 6, lượng rác thải tăng đột biến, nhưng chưa được xử lý kịp thời, có nguy cơ gây ô nhiễm trên diện rộng.
 
Khẩn trương khắc phục sạt lở ở miền núi
 
Ngay sau khi bão số 6 vừa tan, chính quyền các huyện miền núi đã huy động người dân cùng tham gia khắc phục sạt lở trên các tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn.
 
Tại huyện Sơn Tây, do mưa lớn, tuyến đường Sơn Liên - Tà Meo (đoạn qua thôn Đăk Doa) đang thi công dở dang đã bị sạt lở rất lớn (khoảng 500m), gây chia cắt giao thông. Xã Sơn Liên và đơn vị thi công đã phối hợp khắc phục thông xe tạm thời vào trưa ngày 12.10. Tuy nhiên, do vết sạt lở vẫn còn nguy cơ cao, nên việc vận chuyển các vật tư vào khu dân cư Tu Mít, thôn Đăk Doa để khắc phục hệ thống điện bị sự cố vẫn chưa thực hiện được. 
 
Riêng đối với tuyến đường Trường Sơn Đông, do sạt lở quá lớn (khoảng 12.500m3), nên hiện tại chưa xử lý được. Đối với cầu Nước Mù (xã Sơn Bua) bị lũ cuốn trôi, hiện tại nước suối vẫn còn lớn, nên hơn 20 hộ dân ở thôn Nước Mù bị cô lập hoàn toàn. Theo lãnh đạo huyện Sơn Tây, khả năng khôi phục lại cây cầu này rất khó khăn vì thời tiết được dự báo trong 10 ngày tới diễn biến rất phức tạp, tạm thời người dân sử dụng lương thực, thực phẩm dự trữ chờ thời tiết ổn định mới làm lại cầu. 
Khắc phục sạt lở trên tuyến đường Sơn Liên - Tà Meo (Sơn Tây) trong sáng 12.10. Ảnh: T.Nhị
Khắc phục sạt lở trên tuyến đường Sơn Liên - Tà Meo (Sơn Tây) trong sáng 12.10. Ảnh: T.Nhị
Tại huyện Sơn Hà, tình trạng sạt lở trên tuyến ĐH 75 đoạn Tà Ma - Mô Níc, với khối lượng sạt lở lên đến 5.000m3 trên tổng chiều dài khoảng 2.000m, sức dân chỉ khắc phục được một số đoạn bị sạt lở nhẹ. Hiện nay, huyện Sơn Hà đang huy động phương tiện của các doanh nghiệp thi công công trình trên địa bàn hỗ trợ xúc đất đá, đảm bảo giao thông đi lại tạm thời.
 
Ngay trong chiều 11.10, huyện Ba Tơ cũng chỉ đạo địa phương ra quân khắc phục sạt lở tại 4 điểm thuộc xã Ba Điền, Ba Vinh, Ba Trang và Ba Giang. Hiện tại giao thông đã thông suốt. Riêng đối với tắc nghẽn giao thông cục bộ tại công trình xây dựng Khu trung tâm hành chính mới xã Ba Giang, hiện nay huyện đang chỉ đạo nhà thầu tăng cường gia cố kè bằng rọ đá, nâng cao khả năng ứng phó sạt lở khi có mưa lũ lớn dự báo sắp xảy ra.
 
Đến chiều 12.10, một số tuyến giao thông ở miền núi vẫn chưa thể thông tuyến. Trong đó, tuyến đường về xã Trà Xinh (Trà Bồng) tại điểm giữa cầu sông Tang và dốc Núi một lượng lớn đất đá từ núi cao đổ xuống lấp toàn bộ mặt đường, với khối lượng ước tính khoảng 5.000m3. Còn tuyến tỉnh lộ 626 (Di Lăng- Trà Lãnh) xảy ra 3 điểm sạt lở núi lớn gây ách tắc đường. 
 
Trong đó, tại Km21, taluy dương bị sạt khiến khoảng 100m3 đất đá tràn, phủ kín mặt đường, gây ách tắc hoàn toàn. Nặng nhất là đoạn từ Km23+320-Km23+400 toàn bộ taluy dương bị sạt bịt kín nền đường cao gần 1m. Trên tuyến Tỉnh lộ 628, qua địa bàn huyện Minh Long xảy ra 4 điểm sạt lở lớn, với khối lượng đất đá khoảng 3.000m3... Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT Lê Nhân cho biết: Trước tình trạng ách tắc cục bộ trên nhiều tuyến đường, ngành đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung khắc phục, đảm bảo giao thông tạm thời cho người dân lưu thông.
 
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, trong những ngày tới, các địa phương phải bám sát phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ. Tập trung ổn định đời sống người dân, khắc phục sạt lở, xử lý môi trường, khôi phục sản xuất. Chủ động ứng phó hiệu quả với diễn biến phức tạp của thời tiết trong những ngày tới.
 
H.HOA - T.NHỊ - LÊ.ĐỨC
 
Lý Sơn: Tuyến đường thủy hoạt động trở lại
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Đặng Tấn Thành cho biết: Sau khi bão số 6 tan, trong sáng 12.10, các lực lượng chức năng đã tập trung thu dọn cây ngã đổ và rác thải trên các tuyến đường. Người dân tiến hành sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại và tranh thủ ra đồng thu hoạch số diện tích hành đã cho củ... 
 
Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề về nông nghiệp ở Lý Sơn, ước tính lên đến 95 tỷ đồng. Hệ thống kênh mương nội đồng ở huyện Lý Sơn cũng bị bồi lấp khá lớn.
 
Sáng 12.10, tuyến đường thuỷ Sa Kỳ - Lý Sơn đã có tàu xuất bến đưa người và hàng hoá ra cung cấp cho Lý Sơn sau nhiều ngày bị cô lập. Tuyến đường thủy đảo Lớn - đảo Bé cũng hoạt động trở lại.  
                                                                                           X.T

 

 

.