Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Linh động, thiết thực

02:10, 23/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956) được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao tay nghề, thu nhập cho một bộ phận người lao động (LĐ). Đây cũng là giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu LĐ trên địa bàn tỉnh.
Có nghề, tăng thu nhập
 
Hằng ngày, chị Nguyễn Thị Thúy (35 tuổi) đến cơ sở may của chị Nguyễn Thị Hoanh, ở thôn Long Bàn, xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) để làm việc. Chị Thúy kể: Trước kia, tôi chỉ làm công việc đồng áng, thu nhập bấp bênh. Sau đó, tôi được Hội LHPN xã hỗ trợ học nghề may công nghiệp vào cuối năm 2017. Chỉ sau 3 tháng học nghề, tôi đã có việc làm ổn định, với mức thu nhập trung bình 5 - 6 triệu đồng/tháng. 
 
Nhiều lao động nông thôn sau khi được học nghề may công nghiệp đã tìm được việc làm tại các doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh.
Nhiều lao động nông thôn sau khi được học nghề may công nghiệp đã tìm được việc làm tại các doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh.
Cùng học nghề với chị Thúy còn có hàng chục LĐ khác ở xã Tịnh An. Thấu hiểu nhu cầu, nguyện vọng được làm việc tại quê nhà của người LĐ, chủ cơ sở may của chị Nguyễn Thị Hoanh luôn nỗ lực tìm kiếm đối tác, khai thác thị trường để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiện cơ sở may của chị Hoanh đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động. Xã Tịnh An có gần 10 cơ sở may gia công, giải quyết việc làm cho gần 100 LĐ, chủ yếu là LĐ hoàn thành các khóa học nghề kỹ thuật may công nghiệp dành cho LĐNT.
 
Đến những địa phương có nhiều LĐNT học nghề may như các xã Tịnh An, Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), Đức Nhuận, Đức Lợi (Mộ Đức)... có thể gặp được nhiều nhóm thợ miệt mài làm việc. Không chỉ vậy, nhiều LĐ sau khi học nghề cũng tìm được việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP.Quảng Ngãi Phạm Phới cho biết: Nghề may công nghiệp, chế biến món ăn là hai trong số các nghề phát huy hiệu quả tích cực nhất trong danh mục các nghề phi nông nghiệp đã và đang triển khai đào tạo cho LĐNT trên địa bàn thành phố, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn LĐ.
 
Cùng với đó, việc hỗ trợ đào tạo các nghề nông nghiệp cho LĐNT ở các vùng chuyên canh như nghề trồng rau an toàn, trồng lúa năng suất cao, trồng nấm... đến nay đã mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Nhiều sản phẩm không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh, mà còn vươn ra ngoài tỉnh. Hay nghề thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 4 đã đào tạo cho 3.154 ngư dân vùng biển trong tỉnh, giúp số LĐ này được nâng cao tay nghề, thu nhập bình quân từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng, một số LĐ có thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/người/tháng.
Sau 10 năm thực hiện Đề án 1956, toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 41.000 LĐNT, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp cho 14.441 người và nghề phi nông nghiệp cho 26.842 người. Sau học nghề, đã có 37.000 LĐ có việc làm, thu nhập cao hơn. Kết quả này cũng góp phần tăng tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề từ 28,4% năm 2010, lên 55% vào cuối năm 2020; đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề
 
Thời gian qua, tỉnh đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề, nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập. Hiện toàn tỉnh có 28 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các trung tâm cũng có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT như: Chủ động phối hợp với các địa phương, trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp, các hợp tác xã để giới thiệu việc làm cho học viên sau khi học nghề.
 
Nhiều năm tham gia công tác đào tạo nghề cho LĐNT, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Giáo dục nghề nghiệp nông dân- phụ nữ tỉnh Lê Trung Việt cho biết: Phần lớn công tác đào tạo nghề cho LĐNT dựa trên nhu cầu của người học, đào tạo những nghề mà người LĐ có thể dễ dàng tìm được việc làm, nâng cao thu nhập; đồng thời, việc đào tạo nghề cũng thực hiện ngay tại địa phương, với thời gian linh hoạt, hỗ trợ tối đa cho LĐNT có thể tiếp thu bài một cách nhanh nhất.
 
Bên cạnh đó, các loại hình đào tạo nghề cũng đa dạng, phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người LĐ, cung ứng LĐ cho khu công nghiệp, các làng nghề và đào tạo nghề tham gia xuất khẩu LĐ, góp phần chuyển dịch cơ cấu LĐNT, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Các địa phương còn khuyến khích người dân tham gia các hình thức đào tạo khác như: Truyền nghề, đào tạo lại... qua đó giúp người LĐ có việc làm ổn định tại địa phương và thích ứng với công việc, yêu cầu, điều kiện, môi trường làm việc mới.
 
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lương Kim Sơn nhận định: Một trong những kết quả nổi bật qua việc triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề LĐNT chính là nhận thức của người LĐ có chuyển biến rõ rệt, nhiều mô hình sản xuất hoạt động hiệu quả hơn khi bản thân người LĐ được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về nghề nghiệp. Người nông dân có tay nghề trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp ngày càng nhiều, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, LĐ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững, thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
 
Bài, ảnh: VŨ YẾN
 
 
 
 

.