Người dân vùng sạt lở: Nơi lo lắng, chỗ bất chấp nguy hiểm

10:09, 17/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cứ đến mùa mưa bão, người dân sống trong vùng sạt lở, hoặc có nguy cơ sạt lở luôn nơm nớp lo sợ. Một số địa phương đã đầu tư xây dựng khu tái định cư và cấp đất cho người dân để làm nhà ở, song cuộc sống tại nơi ở mới vẫn chưa đảm bảo. Cá biệt một số nơi chính quyền đã cấp đất tái định cư nhưng người dân vẫn không chịu di dời, hoặc quay về nơi ở cũ.
Nơi ở mới vẫn canh cánh nỗi lo
 
Chúng tôi về khu tái định cư (TĐC) Đồng Tranh, thôn Mai Lãnh Hữu, xã Long Mai (Minh Long) vào trung tuần tháng 9. Bao ngổn ngang xuống cấp, hư hỏng của khu TĐC này vẫn còn đó, dù cho người dân đã nhiều lần kiến nghị đến huyện, lên tỉnh. 
Dù được cấp đất ở khu tái định cư, nhưng bà Huỳnh Thị Đây vẫn nấn ná ở lại nơi cũ, để chờ đền bù.                                          Ảnh: ĐÌNH DIỆU
Dù được cấp đất ở khu tái định cư, nhưng bà Huỳnh Thị Đây vẫn nấn ná ở lại nơi cũ, để chờ đền bù. Ảnh: ĐÌNH DIỆU
Điều rõ nét nhất là những vết nứt toác chạy dài hàng chục mét, kéo theo đất đá xô đổ bờ taluy phía tây từ những mùa mưa trước vẫn còn nguyên. Những chiếc giếng xây kiên cố, chưa bàn giao đưa vào sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng; những hàng trụ điện dựng lên, kéo dây ngang dọc đã khá lâu, mà chưa một lần đóng điện... Vậy mà 11 hộ dân vẫn được chính quyền vận động di dời về ở. Họ đã nhận đất, xây nhà mới, chuyển về sinh sống. Cuộc sống hiện tại của 11 hộ dân này không điện, không nước và đối diện với sạt lở đe dọa bất cứ lúc nào.
 
Anh Đinh Văn Chương, khu TĐC Đồng Tranh bảo rằng: "Cái nhà này làm lẽ ra làm 1 tháng, nhưng không có điện không cưa cắt được cây, không có nước để trộn hồ, nên 3 tháng rồi mà làm chưa xong cái nhà. Lo mưa đến không có chỗ ở an toàn".
 
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Ban Dân tộc tỉnh (chủ đầu tư) cho biết, hệ thống hạ tầng điện khu TĐC Đồng Tranh đã làm xong, nhưng có một vài vướng mắc, vì vậy ngành điện chưa đóng điện cho dân được. Còn giếng nước thì có một số bị hư hỏng, còn một số có nước, nhưng hạn nặng nên nước rất ít. Những bức xúc này đã được cử tri phản ánh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổng hợp trình HĐND tỉnh xem xét.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết cho hay: "Điều lo lắng nhất của chính quyền hiện nay, chính là tình trạng sạt lở ở khu TĐC Đồng Tranh chưa được khắc phục. Lẽ ra phải chờ khắc phục xong mới di dân về ở, nhưng do dân mong chờ lâu rồi và hiện cũng không có chỗ ở an toàn, nên chính quyền mới đưa dân về đây. Tuy nhiên, toàn bộ phần lô nền bị ảnh hưởng trực tiếp sạt lở thì để lại, chờ tỉnh chỉ đạo giải quyết chứ không cấp cho dân. Đối với vấn đề điện, nước tại khu TĐC Đồng Tranh chưa đảm bảo, huyện sẽ tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư có trách nhiệm giải quyết sớm để người dân giảm bớt khó khăn khi về nơi ở mới". 
Khu TĐC cho vùng sạt lở Đồng Tranh, xã Long Mai ( Minh Long) tiếp tục có nguy cơ bị sạt lở.  ẢNH: THANH NHỊ
Khu TĐC cho vùng sạt lở Đồng Tranh, xã Long Mai ( Minh Long) tiếp tục có nguy cơ bị sạt lở. ẢNH: THANH NHỊ
Dự án điểm định canh định cư Đồng Tranh, thuộc thôn Mai Lãnh Hữu, xã Long Mai có diện tích 3,9ha, với tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng, do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư. Tháng 10.2018, chủ đầu tư đã nghiệm thu kỹ thuật. Trong thời gian chờ cơ quan chức năng thống nhất nghiệm thu và bàn giao thì xảy ra tình trạng sạt lở. Ban Dân tộc tỉnh đã đề xuất tỉnh tiếp tục đầu tư 11 tỷ đồng để khắc phục sạt lở tại đây. Tuy nhiên, cho đến nay, UBND tỉnh chưa có ý kiến về việc này. Đầu năm 2020, do người dân bức xúc về chỗ ở, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với chính quyền tạm thời cấp đất cho 11 hộ dân xây dựng nhà ở. Việc di dời dân vùng sạt lở vào ở tại khu TĐC sạt lở là điều khiến cả chính quyền và các hộ dân này bất an.
“Khu TĐC Đồng Tranh là vùng được xác định có nguy cơ sạt lở cao khi mưa bão về. Vì vậy, huyện đã chỉ đạo xã và từng hộ dân phải chủ động trong công tác ứng phó. Mong muốn của huyện là tỉnh sớm có phương án khắc phục triệt để tình trạng sạt lở tại khu TĐC này, để người dân an tâm sinh sống".
 
 Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long ĐINH VĂN ĐIẾT 
Người dân về lại nơi sạt lở
 
Năm 2019, do ảnh hưởng của triều cường, sóng lớn đánh sập nhà của một số hộ dân ở xóm Khê Tân, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), nên địa phương đã chỉ đạo người dân ở đây di dời và bố trí nơi ở mới an toàn hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân nấn ná, bất chấp nguy hiểm ở gần khu vực sạt lở.
 
Bà Đỗ Thị Bé, ở xóm Khê Tân, xã Tịnh Khê cho hay: “Chính quyền chỉ cấp đất vào khu mới, chứ không đền bù, hỗ trợ gì, nên tôi ở lại đây để chờ đền bù. Đất trong khu TĐC tôi vẫn chưa xây nhà, vì chưa có đủ tiền, vả lại con đông cũng không thể giải quyết hết được”. 
Khu TĐC Đồng Tranh, xã Long Mai ( Minh Long)  không có điện và giếng nước hư hỏng gần như toàn bộ.
Khu TĐC Đồng Tranh, xã Long Mai ( Minh Long) không có điện và giếng nước hư hỏng gần như toàn bộ.
Tương tự như bà Bé, dù được cấp đất trong khu TĐC theo diện sạt lở, nhưng bà Huỳnh Thị Đây vẫn ở lại nơi cũ để chờ được giải quyết. Theo cán bộ thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, sau khi kè sạt lở được xây dựng thì 15 hộ dân được bố trí ở khu TĐC theo diện sạt lở quay trở lại nơi ở cũ, bất chấp nguy hiểm. “Chính quyền thôn cũng đã vận động, nhắc nhở, nhưng họ vẫn cố chấp ở lại, chờ đền bù. Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên cấp trên để sớm giải quyết tình hình này. Vì đây là nơi sạt lở trước kia, kè chưa được xây dựng xong, nên không thể đảm bảo an toàn cho người dân", Trưởng thôn Cổ Lũy Trần Đình Trọng cho hay.
 
Năm 2019, do ảnh hưởng của triều cường, sóng lớn đánh sập nhà của một số hộ dân ở xóm Khê Tân. Ngay sau đó, từ nguồn vốn hỗ trợ của trung ương và tỉnh, TP.Quảng Ngãi đã phân bổ 86 tỷ đồng để xây dựng kè chống sạt lở, với tổng chiều dài 1.200m. Bên cạnh đó, UBND TP.Quảng Ngãi yêu cầu chính quyền xã Tịnh Khê nhanh chóng hỗ trợ cho các gia đình vừa bị thiệt hại, để họ nhanh chóng ổn định cuộc sống và cương quyết không cho người dân về nơi ở cũ để sinh sống. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số hộ trở lại nơi ở cũ, với mục đích chờ được hỗ trợ đền bù.
 
Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Khê Trần Quang Minh cho biết: “Đến nay, dự án kè chống sạt lở ở xóm Khê Tân đã hoàn thành khoảng 65% và người dân rất phấn khởi. Trước đó, địa phương đã bố trí chỗ ở cho những hộ bị ảnh hưởng về khu TĐC theo quy định. Riêng những hộ không chấp hành mà về lại nơi cũ để sinh sống, địa phương sẽ báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý”.
Người dân Ba Giang bớt bất an
 
Đầu năm 2020, dự án di dời khẩn cấp Trung tâm Hành chính xã Ba Giang (Ba Tơ) được phê duyệt. Sau 5 tháng khởi công, đến nay nhiều hạng mục quan trọng của dự án đã cơ bản hoàn thành. Khu TĐC cho các hộ dân phải di dời nhường đất xây dựng dự án đã hoàn tất và tiến hành giao đất để người dân xây dựng nhà ở.
 
Đặc biệt, dự án có công trình trường học 2 tầng vững chãi được huyện Ba Tơ chỉ đạo phải gấp rút hoàn thành trước 30.9, vì đây được xác định là "công trình trú bão" của người dân xã Ba Giang trong mùa mưa bão 2020. "Cả xã Ba Giang nơi nào cũng có nguy cơ sạt lở. Những mùa mưa bão vừa qua, xã không thể tìm được một nơi tránh trú bão an toàn. Năm nay, xã đã bớt lo vì đã có công trình trường học tại trung tâm hành chính mới hiện đã xây xong phần thô, làm nơi di dời dân khi có mưa bão lớn xảy ra", Chủ tịch UBND xã Ba Giang Trần Thị Thanh Thúy cho biết. 
Công trình cầu  nối trung tâm hành chính mới với đường trục chính xã Ba Giang (Ba Tơ) đã cơ bản hoàn thành.                                                        ẢNH: TH.NHỊ
Công trình cầu nối trung tâm hành chính mới với đường trục chính xã Ba Giang (Ba Tơ) đã cơ bản hoàn thành. ẢNH: TH.NHỊ
 
THANH NHỊ - ĐÌNH DIỆU
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

.