KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27. 2. 1955 - 27. 2. 2020)
Những cống hiến của "chiến sĩ áo trắng"

10:02, 27/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2) năm nay có lẽ là dịp khá đặc biệt của những người làm nghề y, khi tất cả phải đang căng mình phòng, chống dịch Covid-19. Gác lại những niềm vui riêng, các thầy thuốc đang nỗ lực hết mình để kiểm soát dịch bệnh, cũng như điều trị cứu sống người bệnh.
Câu chuyện về các bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) và Phạm Xuân Duy (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) đã tô thêm nét đẹp của công việc, sự đóng góp, hy sinh vì cộng đồng của hàng nghìn thầy thuốc trên địa bàn tỉnh.
 
Làm việc không kể ngày, đêm
 
Gần hai tháng qua, từ khi xuất hiện dịch Covid-19 ở Việt Nam, những người làm công tác dự phòng kiểm dịch như Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng chưa bao giờ hết bận rộn. Nửa đêm hay tờ mờ sáng, cứ có tàu nước ngoài, nhất là đến từ vùng dịch cập cảng Dung Quất là bác sĩ Hoàng kịp thời có mặt để kiểm dịch. 
Bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) kiểm tra thân nhiệt thủy thủ tàu nước ngoài cập cảng Dung Quất.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) kiểm tra thân nhiệt thủy thủ tàu nước ngoài cập cảng Dung Quất.
Sau khi thực hiện các giám sát y tế như đo thân nhiệt, huyết áp, nắm tình hình di chuyển của hành khách từ trước Tết đến thời điểm hiện tại, hoàn tất các thủ tục liên quan nếu các thuyền viên, thủy thủ có sức khỏe ổn định, không phát sinh dấu hiệu bất thường, thì bác sĩ Hoàng mới tạm yên tâm. Hơn một tháng qua, các y, bác sĩ kiểm dịch y tế quốc tế như bác sĩ Hoàng đã làm việc không kể ngày, đêm.
 
Trong giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi, bác sĩ Hoàng nhớ lại công việc cách đây một tuần, có tàu từ Trung Quốc đến, lúc đó buổi tối, sóng lớn khiến con tàu chao đảo giữa biển. Chiếc thang dây lên tàu cứ chòng chành, khá vất vả bác sĩ Hoàng và đồng nghiệp mới lên được tàu. Ngoài ổn định tâm lý cho thuyền viên, thì các y, bác sĩ cũng giúp họ hiểu rõ quy định để hợp tác kiểm tra sức khỏe, cách ly khi cần thiết.
 
Với công việc hiện tại, ngoài những nguy cơ mà dịch bệnh có thể đem lại, bác sĩ Hoàng còn phải đối diện với nhiều nỗi nhọc nhằn như tai nạn khi leo lên những con tàu cao hàng chục mét giữa sóng to, gió lớn. “Nếu không yêu nghề, đảm bảo sức khỏe, gan dạ, trách nhiệm cao thì khó mà theo đuổi công việc này mấy chục năm nay”, bác sĩ Hoàng chia sẻ.
 
Bác sĩ Hoàng đã tham gia phòng, chống các đại dịch như: SARS, Ebola và nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác. Với bác sĩ Hoàng, niềm hạnh phúc lớn nhất là kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe và cuộc sống an toàn, bình yên của người dân.
 
Hơn 30 năm cống hiến với y tế dự phòng, bác sĩ Hoàng không nhớ và đếm xuể bước chân của mình đã từng đi đến các vùng dịch bệnh nguy hiểm nào. Nhiều tháng trời nằm vùng tại các trận dịch hạch ở Đức Phổ, dịch tả ở Lý Sơn, các huyện miền núi... đã tôi luyện, giúp người bác sĩ tận tụy này ngày càng vững vàng hơn với nghề, dẫu phải trải qua nhiều gian truân.
 
Năm 2003, khi có cảng Dung Quất, bác sĩ Hoàng được đơn vị phân công làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh tại đây cho đến nay. Những cán bộ y tế thuộc hệ thống kiểm dịch y tế quốc tế như bác sĩ Hoàng được ví như "những người lính bảo vệ an ninh y tế cho đất nước". Họ là những người “gác cổng” thầm lặng và gióng chuông cảnh báo, ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh, phối hợp bảo vệ sự an toàn của cộng đồng. Với những đóng góp của mình cho sự nghiệp y tế tỉnh, bác sĩ Hoàng vinh dự hai lần được Bộ Y tế tặng Bằng khen.
 
Hết lòng vì người bệnh
 
Hiền lành, dễ mến - đó là ấn tượng đầu tiên của những người được tiếp xúc với bác sĩ Phạm Xuân Duy - Phó khoa Ngoại sản nhi (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh). Đến nay, bác sĩ Duy (38 tuổi) đã có 12 năm gắn bó với nghề y. 
Bác sĩ Phạm Xuân Duy (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) kiểm tra sức khỏe bệnh nhân vừa được phẫu thuật.
Bác sĩ Phạm Xuân Duy (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) kiểm tra sức khỏe bệnh nhân vừa được phẫu thuật.
 
Công việc mỗi ngày của bác sĩ Duy gắn liền với phòng phẫu thuật, thủ thuật để giành lại sự sống cho bệnh nhân. Đối với bác sĩ Duy, ngoài áp lực phải cứu sống người bệnh, thì việc đối diện với nguy hiểm như gặp bệnh nhân nhiễm HIV, viêm gan... luôn thường trực. Nhưng vượt qua những áp lực công việc, bác sĩ Duy luôn nỗ lực trong chuyên môn và rèn y đức để làm tốt trọng trách, mang lại hạnh phúc, niềm vui cho không ít bệnh nhân và gia đình của họ. Hiện bác sĩ Duy là một trong những tay mổ hệ ngoại chủ lực của bệnh viện ở lĩnh vực sản, nhi.
 
Trong quãng đời gắn bó với nghề, dù có rất nhiều kỷ niệm trong phòng mổ, nhưng bác sĩ Duy vẫn không quên ca bệnh cách đây hai năm. Bệnh nhân bị vỡ tử cung, vỡ bàng quang. Bác sĩ Duy cùng ê kíp đã nỗ lực cứu sống người bệnh tưởng như khó qua khỏi. Hay những ca phẫu thuật thành công cứu sống nhiều bệnh nhân nhi bị tắc ruột do búi giun lớn bên trong cơ thể; vỡ dạ dày do tai nạn giao thông, thủng dạ dày ở trẻ em...
 
Đến nay, với cương vị phụ trách chuyên môn cũng như quản lý Khoa Ngoại sản nhi, bác sĩ Duy đã cùng tập thể bệnh viện ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật vượt tuyến, mang lại hiệu quả cao trong phẫu thuật. Những cố gắng đó của bác sĩ Duy đã tăng thu dung bệnh nhân cho bệnh viện, giảm tải áp lực cho bệnh viện tuyến trên. Hằng năm, bác sĩ Duy cùng tập thể cán bộ, nhân viên trong Khoa luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, với tỷ lệ điều trị bệnh nhân lành bệnh ngày càng tăng.
 
Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, bác sĩ Duy còn có ý thức học tập nâng cao trình độ để phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn và luôn gương mẫu trong công việc, là tấm gương sáng được đồng nghiệp và mọi người tin yêu, quý trọng.
 
 Bài, ảnh: KIM NGÂN
 
 
 

.