Ứng phó với bão số 5 và mưa lũ: Chấn chỉnh những bất cập

04:11, 04/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bão số 5 không đổ bộ vào Quảng Ngãi, cường độ mưa, lũ cũng không lớn như những năm trước. Tuy nhiên, công tác ứng phó với ảnh hưởng của bão số 5 và mưa lụt tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ nhiều bất cập, phải sớm được chấn chỉnh...
TIN LIÊN QUAN

Neo đậu tàu thuyền: Lỏng lẻo

Do ảnh hưởng của bão số 5, từ sáng 30.10, ngư dân tập trung tàu thuyền về các cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền để neo đậu, tránh trú, tập trung chủ yếu ở cảng neo trú Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), Mỹ Á (Đức Phổ), cảng cá Sa Huỳnh (Đức Phổ) và Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn. Đến chiều tối 30.10, cảng neo trú Tịnh Hòa có trên 350 chiếc tàu neo đậu gọn gàng, được ngư dân buộc dây neo chắc chắn.
Tại cảng cá Sa Huỳnh (Đức Phổ), tàu thuyền neo đậu lộn xộn, không đảm bảo an toàn.
Tại cảng cá Sa Huỳnh (Đức Phổ), tàu thuyền neo đậu lộn xộn, không đảm bảo an toàn.
Trái lại, tại cảng cá Sa Huỳnh, hơn 270 chiếc tàu neo đậu lộn xộn, chiếc ngang, chiếc dọc, dây neo buộc lỏng lẻo, khiến tàu lắc lư theo gió. Sở dĩ có sự đối lập trên, theo Ban Quản lý các Cảng cá tỉnh, là do cảng neo trú Tịnh Hòa được đầu tư bài bản, luồng lạch ổn định, nên thuận lợi cho việc bố trí và sắp xếp tàu thuyền vào neo đậu. Trong khi đó, cửa biển và luồng lạch cảng cá Sa Huỳnh thường xuyên bị bồi lấp, nhưng số lượng tàu thuyền vào neo trú lớn, nên mới xảy ra tình trạng “mạnh ai nấy đậu”.

Không chỉ cảng cá Sa Huỳnh, mà tại cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu (Bình Sơn), hay Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), vì quá tải chỗ neo đậu, nên ngư dân buộc tạm tàu trên các bến tự phát, bến sông, hoặc trong các luồng lạch gần cảng cá. Vì vậy, nguy cơ tàu va đập, hư hỏng hoặc đứt dây neo, trôi ra biển là khó tránh khỏi.

Xảy ra tình trạng trên, phần vì ngư dân chủ quan, phần do đơn vị quản lý sắp xếp và bố trí chỗ neo đậu cho tàu thuyền chưa hợp lý, khoa học. Chính vì vậy, khi kiểm tra công tác ứng phó với bão và hoàn lưu bão số 5 tại cảng Sa Huỳnh vào chiều tối 30.10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính đã yêu cầu Ban Quản lý các Cảng cá nghiêm túc rút kinh nghiệm; đồng thời khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung sắp xếp, hướng dẫn ngư dân buộc lại dây neo tàu, hạn chế thấp nhất thiệt hại do tàu va đập, hư hỏng hoặc đứt dây neo, trôi ra biển.

“Cái mới trong công tác ứng phó với bão và hoàn lưu bão số 5, là các nhà mạng liên tục gửi thông tin bão, mưa lũ qua hệ thống Zalo, tin nhắn đến từng thuê bao, giúp người dân nắm bắt đầy đủ và kịp thời diễn biến bão, lũ, để chủ động ứng phó. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập trong công tác neo đậu tàu thuyền, giao thông qua lại tại các cầu tràn, cây xanh đổ ngã nhiều, dù bão không đổ bộ... cần được khắc phục và chấn chỉnh”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh NGUYỄN TĂNG BÍNH

Giao thông, nuôi trồng thủy sản: Chủ quan

Một bất cập mang tính “trầm kha” trong quá trình ứng phó với bão và mưa lũ là vẫn còn một bộ phận người dân phớt lờ cảnh báo của lực lượng chức năng, bất chấp nguy hiểm băng qua các cầu tràn thủy lợi. Như bờ tràn đập thủy lợi Thạch Nham, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), là khu vực có nhiều trường hợp tử vong do bị nước cuốn trôi, khi cố tình băng qua tràn.

Đợt mưa lụt vừa qua, dù bờ tràn bị ngập sâu và nước chảy xiết, nhưng vẫn có khá nhiều người dân và phương tiện giao thông qua lại. Thậm chí, có một chiếc xe bán tải chuyên dùng chở người và phương tiện qua cầu tràn. Vấn đề là, bờ tràn này dài hơn 1km, hai bên không có thành, lan can hay tay vịn, nước lũ về nhanh, rất khó lường.

Tổng thiệt hại trên 367 tỷ đồng

Mưa bão làm 1 người mất tích và 14 người bị thương; gần 700 ngôi nhà bị sập và tốc mái; 11 trường học và 3 trạm y tế bị hư hỏng; trên 820ha rau màu, cây ăn quả... và 550 chậu hoa cảnh bị thiệt hại; trên 20 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, nước cuốn trôi; nhiều tuyến kênh mương, giao thông bị ngập... UBND tỉnh đã kiến nghị trung ương xem xét hỗ trợ 255 tỷ đồng khắc phục dân sinh và các công trình hạ tầng; 4 tấn giống bắp, rau các loại, giúp nông dân khôi phục sản xuất...

Trong khi đó, những hộ nuôi trồng thủy sản cũng “quên” khuyến cáo của ngành chuyên môn. Thay vì phải hoàn thành việc thu dọn lồng bè, không tổ chức nuôi mới trước mùa mưa bão, thì đến cuối tháng 10, vẫn còn nhiều lồng bè cá, hàu chưa được thu hoạch. Hàng chục hộ dân ở huyện Đức Phổ còn đầu tư làm lồng bè, để xuống giống nuôi hàu.

Vấn đề là, huyện Đức Phổ không được UBND tỉnh quy hoạch nuôi thủy sản biển, nhưng người dân vẫn... nuôi! “Lồng bè ken đặc cửa biển, nhất là dưới cầu Thạnh Đức. Vì vậy, khi tàu vào neo đậu, cuốn cả lồng bè, người dân thiệt hại cũng đành chịu”, ông Nguyễn Minh, thôn Thạnh Đức 1, xã Phổ Thạnh, cho biết.

Theo quy định của nhà nước, lồng bè nuôi ngoài quy hoạch, các hộ chịu hoàn toàn trách nhiệm khi xảy ra rủi ro, thiệt hại. Trong trường hợp xảy ra nguy hiểm, địa phương tiến hành thực hiện các biện pháp cưỡng chế, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tuy nhiên, đợt mưa bão vừa qua, dù mưa to gió mạnh, nhưng nhiều hộ vẫn ở trên bè để... bảo vệ lồng bè.

“Rìa” bão, nhưng cây xanh vẫn ngã đổ la liệt

Là “rìa” bão (trừ huyện đảo Lý Sơn và Đức Phổ có gió giật cấp 7), nhưng một số địa phương trong tỉnh và TP.Quảng Ngãi lại có rất nhiều cây xanh đổ ngã. Thậm chí, nhiều cây có đường kính lớn trên đường Nguyễn Công Phương, Lê Lợi, Phạm Văn Đồng... cũng bị bật gốc. Sẽ chẳng có gì bất thường, nếu như hầu hết những cây xanh bị đổ ngã đều có điểm chung là không có rễ cọc ăn sâu vào lòng đất.

 “Nếu gió mạnh, mưa dầm, khiến cây lỏng gốc, ngã đổ thì đúng. Đằng này, mưa có 2 ngày, gió cũng bình thường mà nhiều cây có đường kính 2 gang tay người lớn, thân cao, nhưng vẫn ngã đổ la liệt. Có điều, tại những vị trí cây ngã đổ, đất rất xốp, rễ cây cụt”, bà Trần Thị Hồng, đường Lê Thánh Tôn (TP.Quảng Ngãi) băn khoăn.

Một thực tế là, cây xanh đô thị thường ít trồng trên vỉa hè từ bé, mà được “nuôi” và bứng ra trồng khi cây đã cao lớn. Vì vậy, khi ra vỉa hè, gặp nhiều đường dây điện, cáp ngầm, nên rễ cây không bám sâu được vào đất. Chính vì vậy, chỉ cần mưa kèm gió, là cây dễ dàng bật gốc.

Việc trồng cây xanh đô thị là cần thiết, nhưng cũng cần tính đến yếu tố bền vững và an toàn. Bởi, cây ngã đổ, không chỉ gây lãng phí chi phí trồng và chăm sóc, mà còn gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng xung quanh, nhất là điện. Ngay như đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh có hơn 90 xã bị mất điện, nguyên nhân chính là do cây ngã đổ, làm đứt dây điện.         

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.