Phòng, chống thiên tai: Nhìn từ các cuộc "diễn tập" lớn

09:05, 23/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Siêu bão Haiyan, hay những trận lũ lịch sử các năm 2013, 2016 được xem là những cuộc “diễn tập” lớn về công tác ứng phó với thảm họa thiên tai của chính quyền và nhân dân trong tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Ngày 4.11.2013, bão Haiyan với cường độ mạnh cấp 17, được đánh giá là siêu bão mạnh nhất thế giới. Vì vậy, khi Quảng Ngãi được dự báo sẽ trở thành “tâm bão”, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh khẩn trương tập trung lực lượng, phương tiện thông báo; tổ chức và hỗ trợ nhân dân tại các khu vực thường xuyên bị ngập sâu, vùng có nguy cơ sạt lở sông, suối, núi và ảnh hưởng của triều cường; kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển nhanh chóng rời khỏi vùng nguy hiểm, vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn; sẵn sàng phương tiện, lực lượng di dời, sơ tán hơn 80 nghìn hộ dân/325 nghìn nhân khẩu ở các vùng ven biển, ngập lụt, sạt lở núi và cả những hộ có nhà ở cấp 4 mất an toàn...

Công tác di dời, sơ tán dân trước siêu bão Haiyan 2013 được đánh giá là
Công tác di dời, sơ tán dân trước siêu bão Haiyan 2013 được đánh giá là "phản ánh nhanh, hiệu quả tốt" trong việc ứng phó với thảm họa thiên tai.


Với tinh thần tuyệt đối không chủ quan với siêu bão, ngay từ sáng 9.11.2013, chính quyền các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Đức Phổ... đã vận động và giúp đỡ hàng chục nghìn hộ dân di dời đến các trường học, trạm y tế, cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Đến 16 giờ cùng ngày, phần lớn người dân nằm trong vùng nguy hiểm của các huyện đã đến nơi trú ẩn an toàn, được chính quyền cơ sở chăm lo sức khỏe, ăn uống.

Theo đánh giá của Văn phòng Thường trực BCH PCTT&TKCN tỉnh, mặc dù siêu bão Haiyan không đổ bộ vào tỉnh như dự báo, nhưng đây được xem là cuộc “diễn tập thực tế” lớn nhất trong công tác ứng phó với siêu bão của chính quyền và nhân dân trong tỉnh.       
            
Sau siêu bão Haiyan 1 tuần, nhân dân trong tỉnh lại gồng mình chống chọi với mưa to, lũ lớn. Trận lũ năm 2013 được đánh giá là trận lũ lịch sử cả về cường độ và mức độ thiệt hại về người, tài sản. Toàn tỉnh có đến 16 người chết và mất tích do bị nước lũ cuốn trôi, thiệt hại vật chất trên hàng nghìn tỷ đồng.

Quá trình ứng phó với trận lũ 2013, đã bộc lộ một số bất cập, nhất là sự chủ quan của người dân. Đó là người dân phớt lờ lệnh di dời, sơ tán của BCH PCTT&TKCN, vì cho rằng nền nhà cao, mực nước lụt cũng chỉ ở mức 0,5-1m như năm 1999. Thế nhưng, nhiều nơi ở huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, nước lụt ngập sâu 1,5-2m, nên người dân không kịp ứng phó.

Hơn nữa, tại nhiều điểm cầu tràn, dọc sông, suối... chính quyền cơ sở đã cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng chốt chặn không cho người và phương tiện tham gia giao thông qua lại. Tuy nhiên, không ít trường hợp người dân vẫn phớt lờ khuyến cáo, bất chấp sự ngăn cản của lực lượng chức năng, để chèo thúng dọc sông, vượt cầu tràn, băng qua khu vực ngập sâu... dẫn đến những thiệt hại về người và tài sản.

Từ những tồn tại trên, BCH PCTT&TKCN các cấp đã đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai phương án ứng phó với thảm họa thiên tai, đề ra các giải pháp khắc phục. Theo đó, bên cạnh việc đổi mới công tác tuyên truyền, xây dựng phương án PCTT, BCH PCTT&TKCN các địa phương sẽ cưỡng chế những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhưng không chấp hành lệnh di dời, sơ tán; tăng cường lực lượng chốt chặn tại những khu vực cầu tràn, thấp trũng...

Đặc biệt, đợt lũ lụt lịch sử năm 2013 cho thấy hiệu quả rất lớn của nhà tránh lũ cộng đồng. Vì vậy, từ năm 2014 đến nay, chính quyền các địa phương trong tỉnh tập trung đầu tư nguồn lực xây dựng các công trình PCTT, kết hợp nhà tránh lũ cộng đồng.

Ngoài ra, từ năm 2014 -2016, toàn tỉnh có trên 2.000 hộ gia đình nghèo được hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà ở theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung.

Bên cạnh đó, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương bởi những tác động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh hỗ trợ kinh phí xây dựng, hoàn thành 461/683 nhà phòng, tránh bão, lũ cho các hộ nghèo ở các huyện, thành phố ven biển trong tỉnh.

Bài, ảnh: THANH PHONG


 


.