Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động

02:05, 28/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cùng mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các doanh nghiệp đang ngày càng khẳng định vai trò là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định về an toàn trong quá trình sản xuất.

TIN LIÊN QUAN

Phát huy vai trò "cầu nối"

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của lực lượng cán bộ làm công tác ATVSLĐ và an toàn vệ sinh viên trong việc thực hiện công tác ATLĐ-VSLĐ tại doanh nghiệp (DN), trong những năm qua, Công đoàn và lãnh đạo Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã chỉ đạo thành lập và duy trì hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại tất cả các nhà máy, coi đây là một trong những nội dung, yêu cầu vừa mang tính chiến lược, vừa có tính cấp thiết trong việc thực hiện ATVSLĐ ở cơ sở.

An toàn viên Nhà máy bia Dung Quất kiểm tra hoạt động của trang thiết bị trước khi vào ca sản xuất.
An toàn viên Nhà máy bia Dung Quất kiểm tra hoạt động của trang thiết bị trước khi vào ca sản xuất.

Nhà máy Bia Dung Quất hiện có hơn 200 lao động. Nhà máy đã thành lập Ban an toàn vệ sinh viên gồm 8 người, có nhiệm vụ tham mưu các chế độ chính sách về công tác ATVSLĐ và trang bị các trang thiết bị cần thiết cho người lao động, đề xuất và triển khai thực hiện những nội dung về công tác an toàn trong tháng...

Bên cạnh đó, nhà máy còn có một đội ngũ an toàn viên trực tiếp tại các ca sản xuất. Nhiệm vụ của các an toàn viên là trước khi vào ca sẽ kiểm tra môi trường lao động trong phạm vi do mình phụ trách và hướng dẫn các thành viên thực hiện các thao tác đảm bảo an toàn...

Giám đốc Nhà máy Bia Dung Quất Nguyễn Đức Tiễn cho biết: Với vai trò vừa là người hướng dẫn, vừa là người theo dõi, giám sát và kiến nghị với người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ, đội ngũ an toàn vệ sinh viên trong DN đóng vai trò cầu nối giữa người lao động và lãnh đạo DN trong việc thực hiện các quy định về lĩnh vực an toàn trong quá trình sản xuất kinh doanh (SXKD).

Không chỉ phát hiện, ngăn chặn kịp thời những thiếu sót,  tồn tại, những biểu hiện vi phạm pháp luật và các quy định về ATVSLĐ, mà đội ngũ này còn phát huy được tính tích cực trong quá trình thực hiện công tác ATVSLĐ, giúp đơn vị thực hiện tốt phong trào “xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ” ở cơ sở.

Nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác an toàn

Đến nay, sau nhiều năm hoạt động, đội ngũ làm công tác ATVSLĐ cũng như mạng lưới an toàn vệ sinh viên trong DN đã thực sự trở thành một bộ phận hết sức quan trọng trong việc duy trì và thực hiện tốt công tác ATVSLĐ ở cơ sở sản xuất, góp phần hoàn thành nhiệm vụ SXKD của các DN. Chính vì vậy, hoạt động của những người làm công tác an toàn tại DN đã được củng cố về số lượng, từng bước được bồi dưỡng, nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, đội ngũ làm công tác an toàn chưa đồng đều ở các đơn vị, nhiều nơi mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất. Công đoàn nhiều nơi còn lúng túng trong việc tổ chức, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và chỉ đạo hoạt động đối với mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Theo thống kê của Ban Chính sách (Liên đoàn Lao động tỉnh), hiện nay, có khoảng trên 900 an toàn vệ sinh viên ở 130 DN. Điều đó cho thấy, đội ngũ an toàn vệ sinh viên hiện còn quá mỏng.

Để nâng cao năng lực hoạt động cho đội ngũ này, hằng năm, Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn cho đội ngũ làm công tác ATVSLĐ ở cơ sở, hội thi tìm hiểu về ATVSLĐ... Những hoạt động này đã tác động đến nhận thức của công nhân, viên chức, lao động và nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ATVSLĐ. Với những nỗ lực nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác ATVSLĐ tại DN, thời gian tới hoạt động đảm bảo ATVSLĐ sẽ có hiệu quả và thực chất hơn.


Bài, ảnh: VŨ YẾN

 


.