Cuộc đời vẫn đẹp sao

10:05, 02/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Đồng chí như vậy là đã hoàn thành nhiệm vụ đối với cách mạng, giờ thì hãy chăm lo cho sức khỏe của mình”, Phó Tư lệnh quân Giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Định đã động viên chị Nguyễn Thị Thật như thế trong một lần gặp gỡ tại Lộc Ninh (Bình Phước) sau ngày trao trả tù chính trị năm 1973.

TIN LIÊN QUAN

Tổ quốc ở trong tim

Qua lời kể của Chủ tịch Hội Tù yêu nước tỉnh Lê Quang Ba, chuyện về nữ tù yêu nước bị cụt cả hai chân khiến tôi thán phục. Ở tuổi 23, chị Thật đã vĩnh viễn mất đi đôi chân, vậy mà nụ cười vẫn nở trên môi, trái tim vẫn cứ nồng nàn theo nhịp đập của tình yêu Tổ quốc. “Giờ đã lên chức bà. Nhiệm vụ đối với Đảng coi như đã tròn, cuộc sống của tôi vẫn vui vẻ như bao người”, người con gái kiên cường năm xưa giờ đã 70 tuổi, hiện ở tổ 21, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), cười mãn nguyện.

Bà Nguyễn Thị Thật.
Bà Nguyễn Thị Thật.


Bà Nguyễn Thị Thật kể về câu chuyện cuộc đời mình nhẹ tênh như cách mà bà đã suy nghĩ: “Lúc ra đi đã quyết một lòng cống hiến cho cách mạng, chỉ mong quê hương không còn chịu cảnh đau thương bởi chiến tranh. Mình còn sống đã là may mắn, nhiều đồng chí đã không còn nữa...”. Bà Thật tham gia du kích địa phương khi chưa đầy 20 tuổi, sau đó làm quân báo tại Huyện đội Tư Nghĩa. Năm 1970, trong một lần đi công tác ở Nghĩa Hành bị trúng mìn, hai đồng chí đi cùng hy sinh, còn bà Thật thì mất cả hai chân và bị địch bắt.

Đau đớn thể xác nào kể xiết, nhưng sức mạnh của ý chí và niềm tin vào cách mạng đã giúp người con gái ấy vượt qua. Thấy cô gái người dính đầy máu nằm trên băng ca ở hành lang bệnh viện, một tên lính canh nói mỉa mai: “Em ơi, đẹp gái thế mà đi theo cộng sản chi cho khổ, để thành ra nông nổi này?”, “Anh ơi, vui chi súng Mỹ anh mang, sướng chi đâu phá xóm làng anh ơi”, bà Thật đáp lời khiến tên lính vô cùng tức tối.

Địch lần lượt giam cầm bà Thật tại các trại giam ở Đà Nẵng, Bình Định, Cần Thơ, nhưng chúng không khai thác được bất kỳ thông tin gì từ người con gái Quảng Ngãi ngoan cường này. Ở trong tù, bà Thật là người bị thương nặng nhất, thường nằm trên băng ca, vậy mà vẫn cùng chị em đấu tranh tuyệt thực đòi quyền lợi cho người tù. Có lần chị em nhịn ăn tới 10 ngày. Bà Thật xúc động nói: “Không có chị em trong tù chăm sóc thì có lẽ tôi đã không còn. Chị em thương nhau như ruột thịt, giúp chăm sóc vết thương, chia sẻ cho nhau từng miếng ăn, hạt muối cũng cắn làm đôi”.

Năm 1973, bà Thật là một trong số những người tù chính trị được trao trả tại Lộc Ninh. Người con gái ấy được chị em khiêng đi trên băng ca, lên máy bay để về với vùng quê cách mạng. Được trả tự do, thoát khỏi cảnh ngục tù, lẽ ra phải vui, nhưng bà Thật nước mắt tuôn rơi. “Ngay sau ngày trao trả, chị em tiếp tục hoạt động cách mạng, còn mình ngồi một chỗ, không làm được gì cho quê hương, đất nước”, bà Thật kể. Tại Lộc Ninh, có lần nữ tướng Nguyễn Thị Định về thăm, biết chuyện của bà Thật nên đã trực tiếp gặp gỡ, động viên: “Đồng chí như vậy là đã hoàn thành nhiệm vụ đối với cách mạng, giờ thì hãy chăm lo cho sức khỏe của mình”.

Món quà của cuộc sống

Chuyện về cô gái Nguyễn Thị Thật ở tuổi đẹp nhất của đời người đã mất đi đôi chân, nhưng nào có nghĩ đến cuộc sống của riêng mình, vẫn muốn đi đến cùng chặng đường đấu tranh để giải phóng quê hương đã lay động nhiều người. Mọi người như se lòng khi nghĩ đến cuộc đời người con gái tàn tật ở tuổi xuân thì, bà Thật lại kể chuyện vui, nhưng rất thật giống như tên gọi của bà vậy, rằng “sau ngày trao trả mới có cặp nạn để tập đi, lúc ở trong tù kiên quyết không dùng cặp nạn của địch, căm ghét địch đến vậy đó”.

Vậy là, người con gái ấy lại tập tành những bước đi như thể bước đi đầu tiên trong cuộc đời, một cuộc đời mới khi không có đôi chân. Trước ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bà Thật cùng với anh em thương binh được đưa ra Bắc an dưỡng. Tại trại điều dưỡng ở Phú Thọ, bà đã gặp một người đàn ông, là thương binh mù cả hai mắt.

Là đồng chí, cùng trải qua mất mát trong chiến tranh, họ đã đến với nhau trong sự đồng cảm, sẻ chia. Niềm vui trong cuộc đời đã đến, khi họ cùng nhau chào đón đứa con gái đầu lòng ra đời vào năm 1978. Bà Thật cho biết, về sau vì điều kiện gia đình, nên anh ở lại Bắc, còn bà và con gái về lại quê nhà. Ông ấy đã mất cách nay gần 30 năm...

Nghị lực đã tiếp cho bà Thật sức mạnh để vững bước. Bà lao động vất vả kiếm sống, nuôi con học đại học. Vẫn như lúc mở đầu câu chuyện, bà bình thản nói: “Ở bất cứ vai trò nào tôi cũng đã hoàn thành nhiệm vụ. Giờ có con cháu vui vầy, cuộc đời thế là mãn nguyện rồi!”. Thế đấy, bà Thật cũng giống như rất nhiều chiến sĩ kiên trung khác, đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho cách mạng mà không một đòi hỏi cho riêng mình; đường đời dẫu vất vả, gian truân, nhưng bước đi vẫn nhẹ tênh trên con đường mà mình đã lựa chọn vì nghĩa lớn.

   Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ 


.