Cấp thiết xây kè bảo vệ các khu dân cư ven biển

10:05, 30/05/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Những năm gần đây, tình trạng biển xâm thực vào đất liền, đe doạ tính mạng, tài sản của người dân sống ở các khu dân cư ven biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng. UBND tỉnh cũng tổ chức nhiều đợt kiểm tra, song nguồn lực đầu tư hạn hẹp dẫn đến người dân các vùng nguy cơ cao về sạt lở vẫn sống trong cảnh thấp thỏm.
Không đủ “lực” đầu tư xây kè
 
Khu dân cư (KDC) xóm Cổ Lũy, thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) có hàng chục hộ dân sống ở đây bao đời nay. Thế nhưng, qua hai mùa mưa lũ 2017 - 2018, triều cường ập đến cộng với dòng chảy sông Trà Khúc thay đổi đã khiến một góc KDC bị “xoá sổ”.
 
Ông Phạm Hạnh, gần 60 năm sống ở đây cho biết, trước kia bờ biển nằm cách mép nhà dân hơn 300m, nhưng từ năm 2016 đến giờ, qua mỗi đợt triều cường, mưa lũ đến là cửa biển lại "được" mở rộng ra và xóm làng thu hẹp dần. “Năm năm qua biển ngoạm sâu vào đất liền gần 200m và dài 300m. Hơn 1ha đất trồng trọt và 3ha đất rừng phòng hộ cùng nhà cửa bị biển “nuốt” chửng. Không làm kè thì vài mùa mưa nữa thôi góc làng Cổ Lũy này sợ sẽ không còn”, ông Hạnh thở dài.
 
a
Nhà của một số hộ dân ở thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê. TP. Quảng Ngãi bị sạt lở nặng 
 
Không riêng thôn Khê Tân, mà dọc theo bờ biển qua địa bàn tỉnh có nhiều khu vực cũng bị biển lấn. Như tại xã Phổ Thạnh, hơn một năm qua, kể từ ngày tuyến đê kè chắn sóng thôn Thạnh Đức 1 bị sóng đánh tan hoang, mép biển từ đó lấn dần vào đất liền đe dọa hàng trăm nhà dân. Còn với hàng chục hộ dân ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn), thì đến nay vẫn còn nhớ mãi cảnh những ngọn sóng cao ập vào và cuốn theo nhà cửa, vườn tược. Chỉ tay về phía biển, ông Huy, nhà gần mép biển bảo 10 năm trước nhà dân nằm cách bờ bây giờ gần 300m. Cả vùng này biển nuốt ít nhất là 2ha đất.
 
Dù sau những đợt sạt lở gây ra các đoàn kiểm tra của UBND tỉnh, sở ngành, địa phương liên tục đến hiện trường kiểm tra, song vấn đề là tìm nguồn vốn để đầu tư xây dựng kè kiên cố thì rơi vào bế tắc. Bởi theo báo cáo của các Sở Tài chính, KH&ĐT thì nguồn vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách tỉnh đều đã được đưa vào kế hoạch đầu tư các công trình một cách cụ thể. Trong khi đó, các dự án đầu tư kè bảo vệ 4 KDC, gồm Khê Tân, Thạnh Đức, Lệ Thủy và Phước Thiện-An Cường đều thuộc diện cấp bách và nguồn vốn đầu tư quá lớn nên tỉnh không thể “kham” nổi.
 
“Cầu cứu” Trung ương
 
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 21 điểm sạt lở bờ biển, trong đó sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 5 điểm, sạt lở nguy hiểm có 16 điểm. Tốc độ sạt lở trung bình khoảng 5m/năm, một số điểm sạt lở có tốc độ nhanh hơn (10 - 15m/năm). Trong đó, 4 điểm sạt lở nặng nhất gồm: Khê Tân (TP.Quảng Ngãi), Thạnh Đức (Đức Phổ), Lệ Thủy và Phước Thiện-An Cường (Bình Sơn). 
 
Trước nguy cơ tính mạng, tài sản của người dân bị đe dọa, cơ sở hạ tầng bị thiệt hại bởi tình trạng sạt lở bờ biển, trong khi nguồn lực ngân sách địa phương không đảm bảo, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển nguy hiểm trong các năm 2019 - 2020 cho 4 công trình, dự án cấp thiết với tổng kinh phí khoảng 233 tỷ đồng.
 
Được biết, trước đó Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ (từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018) cho các địa phương thực hiện các nhiệm vụ cấp bách. Trong đó Quảng Ngãi chỉ được hỗ trợ 125 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục: Chống sạt lở bờ bắc Cửa Đại; Dự án Kè chống sạt lở bờ biển thôn Lệ Thủy và dự án Chống bồi lấp Cửa Đại, sông Trà Khúc. UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch đối ứng 22 tỷ đồng để thực hiện một số hạng mục trên theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình.
 
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 
 

.