Giải pháp hạn chế di cư tự do

10:04, 10/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các chương trình hỗ trợ sản xuất, xây dựng các khu tái định cư tập trung... nhưng thời gian qua, tình trạng di dân tự do ở các huyện miền núi trong tỉnh vẫn còn.

TIN LIÊN QUAN

Thực tiễn cho thấy, dân di cư là do lối sống du canh du cư, sản xuất trên nương rẫy... Việc không đăng ký, hoặc chưa đủ điều kiện để đăng ký hộ khẩu thường trú là trở ngại trong thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với hộ gia đình di dân tự do.

 Việc đảm bảo chỗ ở và sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi  là giải pháp hạn chế tình trạng di cư tự do. Trong ảnh: Khu tái định cư Nước Vương, xã Sơn Liên (Sơn Tây).
Việc đảm bảo chỗ ở và sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi là giải pháp hạn chế tình trạng di cư tự do. Trong ảnh: Khu tái định cư Nước Vương, xã Sơn Liên (Sơn Tây).


Một nguyên nhân nữa là, nhiều địa phương chưa có kế hoạch di dời dân cụ thể hằng năm; hoặc khi xây dựng kế hoạch thường dựa vào thực tế, chưa lường hết những biến động mới. Một số khu dân cư trên địa bàn miền núi của tỉnh hiện nay có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, động viên người dân di dời đến nơi ở mới của các cấp chính quyền, đoàn thể nhiều nơi còn thiếu kiên quyết, chưa kịp thời.

Theo thống kê, Quảng Ngãi hiện có 245 hộ (893 nhân khẩu) di dân tự do, gồm di dân nội tỉnh và tỉnh khác di cư đến. Trong đó, dân di cư tự do trong nội tỉnh và di cư từ tỉnh khác đến là 183 hộ (482 nhân khẩu); di cư tự do lên vùng Tây Nguyên là 63 hộ (410 nhân khẩu). Tình trạng di cư tự do chủ yếu diễn ra ở 6 huyện miền núi, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số.

Giai đoạn 2013 - 2018, Quảng Ngãi có 4 dự án tái định cư, đảm bảo bố trí 712 hộ trong vùng thiên tai, với tổng vốn đầu tư gần 34 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với nhu cầu ổn định cuộc sống của nhiều bộ phận dân cư thì vẫn chưa đáp ứng đủ.

Thực tế, số hộ dân sống ở các vùng có nguy cơ sạt lở ven sông, ven biển, sạt lở núi, vùng ngập sâu, vùng đặc biệt khó khăn... cần phải di dời khá lớn. Trong khi đó, các chỉ tiêu thực hiện về số hộ di dời, xây dựng các điểm tái định cư quá thấp.

Mặt khác, kinh phí thực hiện chương trình bố trí dân cư hằng năm chủ yếu dựa vào nguồn trung ương hỗ trợ; việc bố trí vốn chậm và không đủ so với nhu cầu thực hiện quy hoạch theo đúng tiến độ và khối lượng được giao.

Hiện nay, quỹ đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh rất hạn chế, do đã cấp giấy CNQSDĐ cho dân, nên việc tìm đất khai hoang, cải tạo sau đó giao lại cho người dân rất khó khăn. Do đó, việc ưu tiên lựa chọn vùng, điểm tái định cư phải gần, hoặc không quá xa nơi sản xuất cũ, nhằm tạo điều kiện để người dân quay trở lại sản xuất, được xem là giải pháp quan trọng trong thực hiện các dự án đầu tư khu dân cư tập trung.

Để hạn chế tình trạng di dân tự do, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, UBND  tỉnh đã đề  nghị trung ương sớm xây dựng các chính sách hỗ trợ đối với các địa phương có dân di cư, vì đa số là những hộ nghèo, thiếu đất sản xuất... Mặt khác, cần đề ra những chính sách phù hợp theo đặc điểm của từng vùng, miền, nhằm từng bước ổn định, nâng cao đời sống của người dân; khuyến khích, hỗ trợ cho dân di cư tự do quay về nơi ở cũ.

Chính phủ cần ban hành quy chế quản lý dân di cư tự do để điều chỉnh, ràng buộc các trường hợp di cư đến nhiều địa phương để trục lợi, gây bất ổn xã hội; đồng thời, khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến là người dân tộc thiểu số đã thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, biết cách làm ăn, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống tại chỗ...

Bài, ảnh: X.THIÊN


.