Chuyện ghi ở Quy Thiện

09:04, 27/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong hai cuộc kháng chiến, người dân thôn Quy Thiện, xã Phổ Khánh (Đức Phổ) luôn dũng cảm chiến đấu bảo vệ quê hương; đưa những chiến sĩ của “tàu không số” gặp nạn thoát khỏi vòng vây của địch. Sau ngày quê hương, đất nước hoàn toàn được giải phóng, người dân nơi đây đã không ngừng nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống mới; vùng đất hoang hóa ngày nào giờ đã phủ một màu xanh của hoa màu, cây trái.

Để đảm bảo vũ khí cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ đạo tàu C43B, C56, C165 và C235 vận chuyển vũ khí vào Nam. Trên hải trình đến xã Phổ An (Đức Phổ) thì tàu C43B bị địch phát hiện. Để tàu không rơi vào tay địch, cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã mưu trí đưa tàu chạy vào vùng biển của thôn Quy Thiện và tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ thoát khỏi vòng vây của địch, sau đó cho hủy tàu...

Gan dạ trong chiến đấu

Ngồi bên con sóng biển rì rào, nhân chứng sống của "tàu không số" C43B Phạm Ngọc Giàu kể: Năm đó, vào ngày 1.3.1968, làng quê tạm yên tiếng súng. Thế nhưng, khoảng 12 giờ đêm cả làng nghe tiếng nổ “long trời lở đất”. Ngay sau tiếng nổ cũng là lúc lực lượng không quân, thủy quân, xe tăng của địch bao vây làng Quy Thiện. Lực lượng du kích, nhân dân địa phương tỏa ra hướng biển, liên lạc với những chiến sĩ của "tàu không số", để kịp thời cấp cứu, bảo vệ, đưa về hầm bí mật, tránh sự càn quét, truy lùng của địch suốt 4 – 5 ngày liền.

 Gia đình ông Phạm Ngọc Giàu có cuộc sống ổn định nhờ phát triển chăn nuôi bò.
Gia đình ông Phạm Ngọc Giàu có cuộc sống ổn định nhờ phát triển chăn nuôi bò.


Một tuần sau, ông Giàu cùng với du kích, nhân dân địa phương vượt vòng vây của địch,  đưa toàn bộ cán bộ, chiến sĩ tàu C43B đang bị thương lên Phổ Cường đến Bệnh xá Đức Phổ (ở thôn Đồng Răm, xã Ba Khâm, huyện Ba Tơ), do bác sĩ Đặng Thùy Trâm phụ trách để chữa trị vết thương. Mặc dù bệnh xá thiếu thốn mọi thứ, nhưng với sự tận tụy của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, nên đã cứu chữa giúp các chiến sĩ trên tàu nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Sau đó, theo lệnh của cấp trên, các chiến sĩ đã theo tuyến đường Trường Sơn trở ra Bắc.

Những tháng ngày sau đó, người dân thôn Quy Thiện nói riêng, xã Phổ Khánh nói chung tiếp tục đóng góp công sức cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Trong thôn có nhiều di tích lịch sử gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, như: Bến cập “tàu không số”, hang Bọng Giàu, núi Dâu... Nếu được đầu tư, các di tích này sẽ góp phần rất lớn trong công tác giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước và thu hút khách tham quan, phát triển du lịch.  
Kiên cường trong thời bình

Sau ngày giải phóng, người dân thôn Quy Thiện chung tay xây dựng lại quê hương. Là vùng bãi ngang ven biển nên đất canh tác pha cát, nắng thì hốc, mưa ngập nước, đất sản xuất lúa rất ít. Vì thế, người dân phải lựa chọn những cây trồng phù hợp với đất pha cát, như đậu phụng, bắp, mì, mía...; đồng thời tập trung đầu tư phương tiện đánh bắt hải sản.

Năm 2010, một số hộ dân chủ động chuyển đổi một số cây trồng truyền thống sang trồng các loại cây ăn trái, như mãng cầu, thanh long ruột đỏ, hồ tiêu... và đã mang lại hiệu quả kinh tế. Ông  Phạm Ngọc Giàu kể: "Sau khi nuôi thành công bò lai sind, tôi chuyển sang nuôi bò 3B và có lợi nhuận gấp đôi so với bò lai sind". Hiện nay, gia đình ông Giàu có đàn bò 5 con. Hằng năm, thu nhập từ nguồn bán bò và chăn nuôi khác gần cả trăm triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh Phạm Kim Oanh cho biết: "Sau ngày tái lập tỉnh đến nay, xã Phổ Khánh được huyện và tỉnh quan tâm đầu tư nhiều công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đối với thôn Quy Thiện, người dân đã tập trung phát triển chăn nuôi, nên hiện nay tỷ lệ bò lai sind trên địa bàn chiếm 70% tổng đàn bò của xã. Nhiều hộ nông dân có thu nhập cao nhờ trồng mãng cầu dai, thanh long ruột đỏ, trồng hồ tiêu... Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo ở thôn Quy Thiện vẫn còn hơn 13%, là một trong những thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của xã Phổ Khánh".

Theo ông Phạm Kim Oanh, sở dĩ kinh tế của người dân thôn Quy Thiện chậm phát triển là do đất canh tác ít, khô cằn, hệ thống kênh mương thủy lợi chưa đảm bảo cung cấp nước. Mùa nắng, người dân phải tìm nguồn nước để sinh hoạt, nước tưới cho hoa màu. Mùa mưa thì bị cô lập do không có lối thoát nước, gây ngập kéo dài. Xã đã nhiều lần kiến nghị với huyện và tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng kênh thoát nước, nhằm giúp dân ổn định cuộc sống, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Đẩy nhanh việc thi công Nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Khánh

Dự án Nâng cấp, sửa chữa Nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Khánh (Đức Phổ) là công trình chào mừng Kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Quảng Ngãi (1.7.1989  -  1.7.2019). Công trình vừa được khởi công, gồm 2 hợp phần: Xây dựng Nhà bia tưởng niệm; nâng cấp 271 mộ liệt sĩ, cải tạo sân vườn, đường đi nội bộ; trồng cây xanh, do Sở LĐ-TB&XH làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí trên 2,4 tỷ đồng và hợp phần mở rộng diện tích đất của nghĩa trang liệt sĩ từ 1.900m2 lên gần 6.000m2, xây dựng tường rào cổng ngõ, do UBND xã Phổ Khánh làm chủ đầu tư, với kinh phí 2,1 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành trước ngày 20.6.2019.

X. HIẾU


Bài, ảnh: MAI HẠ


 


.