Ngày khí tượng thế giới 23.3: Những người 'đếm gió, đo mưa'

08:03, 23/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Những con số tuy vô tri, tẻ nhạt, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội, thậm chí là sinh mạng người dân. Vì vậy, bất kể ngày nắng hay mưa, quan trắc viên luôn bám trạm, để đo đạc các số liệu quan trắc”, Trạm trưởng Trạm Khí tượng Quảng Ngãi (Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi) Bùi Thị Thông, chia sẻ.

TIN LIÊN QUAN

Thông thường mỗi ngày, quan trắc viên của Trạm Khí tượng Quảng Ngãi phải 8 lần đi “ốp”, tức là ra vườn khí tượng ghi thông số về lượng mưa, hướng và cường độ gió, độ ẩm..., rồi mã hóa dữ liệu và chuyển về Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ (Đà Nẵng). Còn khi xảy ra mưa bão, áp thấp nhiệt đới, thì cứ 30 phút quan trắc viên phải “ốp” một lần và thực hiện liên tục cho đến khi thời tiết ổn định.

Để có được những con số chính xác, nhất là khi thời tiết bất thường, những quan trắc viên như chị Thông thường thức trắng đêm, để “canh” diễn biến thời tiết, đo đếm các thông số liên quan và mã hóa dữ liệu... Thậm chí, có lúc chị phải đi “ốp” giữa đêm, hoặc dầm mình trong mưa gió, để “đếm gió, đo mưa”, rồi cập nhật và xử lý số liệu liên tục, giúp chuyên gia dự báo chính xác và kịp thời, từ đó đưa ra những nhận định và khuyến cáo cho người dân.

“Vì là trạm cấp 1, nên số liệu quan trắc của Trạm Khí tượng Quảng Ngãi được phát báo quốc tế. Chính vì vậy, số liệu phải đảm bảo tính chính xác và đầy đủ. Chỉ cần sơ sẩy trong quá trình quan sát, sẽ khiến số liệu thay đổi, dự báo thời tiết thiếu chính xác, hậu quả sẽ thật khó lường”, chị Thông, bộc bạch.

Dù thời tiết thế nào, cứ đến giờ là chị Thông phải đi đo đạc các số liệu quan trắc.
Dù thời tiết thế nào, cứ đến giờ là chị Thông phải đi đo đạc các số liệu quan trắc.


Hơn 16 năm gắn bó với nghề “bắt mạch ông trời”, những quan trắc viên như chị Thông không nhớ mình đã bao lần đối mặt với hiểm nguy. Như cơn bão số 9 năm 2009. Suốt thời gian “đón” bão và ngay cả khi bão quần thảo ở huyện Bình Sơn, chị Thông cùng các đồng nghiệp không quản ngại hiểm nguy, vẫn “chèn mũ cối” trên đầu để cặm cụi đo gió, đo mưa, ghi chép và xử lý số liệu.

Hay những đợt lũ vào cuối năm 2016, toàn bộ cán bộ các Trạm và Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) tỉnh thức trắng đêm để đo đọc, xử lý số liệu quan trắc về cường độ mưa, lưu lượng nước, lũ ở các sông... Dù nước sông Vệ đang cuồn cuộn chảy và mực nước liên tục dâng cao, nhưng các cán bộ của Trạm Thủy văn An Chỉ vẫn phải chèo thuyền ra giữa sông, để vừa kiểm tra, vừa đo đạc các số liệu.

“Giữa đêm tối, mưa lớn cộng với mực nước các sông liên tục dâng cao và chảy mạnh, mọi thông tin liên lạc bị mất hoàn toàn, nên những lúc ấy, họ chỉ biết trông chờ vào may mắn. Nhưng khi những thông tin chuyển về, để cho ra bản tin thời tiết chính xác cho người dân, tránh được thiệt hại, anh em lại cảm thấy nhẹ lòng và thêm yêu nghề hơn”, Trạm trưởng Trạm thủy văn An Chỉ Lê Văn Khánh, cho biết.

Tuy áp lực và nguy hiểm, nhưng cán bộ ngành KTTV vẫn luôn nỗ lực vượt khó, để những bản tin thời tiết đầy đủ và chuẩn xác nhất, giúp người dân hạn chế thiệt hại. Chính vì vậy, dù thời tiết thế nào, dù sức khỏe ra sao, dù mùa đông hay mùa hạ, cứ đến giờ là cán bộ KTTV phải đi “ốp”; đến hẹn là đi đo gió, đo mưa.


Bài, ảnh: MỸ HOA


.