Hỗ trợ nhà ở cho người nghèo: Khó về đích đúng hạn

08:03, 23/03/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay các huyện miền núi trong tỉnh như Trà Bồng, Tây Trà, Ba Tơ... có tỷ lệ giải ngân cao so với các huyện khác. Tuy nhiên, so với số lượng nhà ở của người nghèo cần hỗ trợ theo đề án đã duyệt, tỷ lệ này vẫn còn thấp.
TIN LIÊN QUAN
Miền núi giải ngân cao...
 
Tháng 6.2017, gia đình anh Hồ Văn Không ở thôn 5, xã Trà Thủy (Trà Bồng) được vay 25 triệu đồng theo Quyết định số 33, để sửa chữa lại nhà ở. Cùng với sự hỗ trợ của người thân, anh đã sửa căn nhà cũ của mình đảm bảo tiêu chí “3 cứng”.
 
“Căn nhà cũ đã hư hỏng phần mái, sàn nhà cũng bằng đất. Số tiền được vay từ chính sách của Nhà nước dù chưa thể giúp gia đình mở rộng diện tích, nhưng cũng đủ để “cứng hóa” ngôi nhà, giúp nhà cửa khang trang hơn. Từ nay gia đình tôi không còn lo mỗi khi mưa gió nữa”, anh Không tâm sự.
 
Vợ chồng anh Hồ Văn Không (bên trái) được hỗ trợ sửa chữa nhà ở.
Vợ chồng anh Hồ Văn Không (bên trái) được hỗ trợ sửa chữa nhà ở.

So với các địa phương trên địa bàn tỉnh, thì huyện Trà Bồng là địa phương cho vay xây dựng nhà ở theo Quyết định 33 cao nhất. Trong năm 2018, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Trà Bồng đã giải ngân trên 2,8 tỷ đồng cho 113 hộ vay, nâng tổng dư nợ đối với chương trình này trên 7,7 tỷ đồng/313 hộ vay.

Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Trà Bồng Võ Duy Hưng cho biết: "Theo đề án, hiện Trà Bồng còn 583 hộ nghèo có nhu cầu vay vốn. Theo tiến độ, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện và Ban đại diện huyện tích cực phối hợp với các hội đoàn thể, chính quyền xã đôn đốc, tuyên truyền để người dân biết quyền lợi của mình trong việc vay vốn nhà ở để họ kịp thời làm nhà... ".
Cùng với Trà Bồng, các huyện miền núi khác cũng có tỷ lệ giải ngân cao như Tây Trà (261 hộ), Ba Tơ (212 hộ), Sơn Hà (130 hộ)...

...nhưng cả tỉnh đạt thấp

Theo Đề án hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với hộ nghèo, toàn tỉnh có 6.120 hộ thuộc diện đối tượng hỗ trợ làm mới, sửa chữa nâng cấp nhà ở, với tổng nhu cầu vốn trên 153 tỷ đồng. Theo thống kê của Ngân hàng CSXH tỉnh, đến thời điểm hiện tại, mới có 1.224 hộ vay, với tổng dư nợ 30,3 tỷ đồng. Trong khi đó, đến năm 2020 sẽ kết thúc thực hiện đề án.

Nguyên nhân khiến nhiều hộ nghèo không vay nguồn vốn này bởi vốn vay ưu đãi tối đa chỉ được 25 triệu đồng, nhưng lại không được hỗ trợ thêm các nguồn vốn khác. Trong khi giá nhân công, vật liệu xây dựng lại cao, họ không có nguồn vốn đối ứng để đủ kinh phí xây nhà. Bên cạnh đó, tại các địa phương, công tác rà soát nhu cầu vay vốn xây dựng nhà ở của hộ nghèo vẫn chưa sát với thực tế và số hộ nghèo có nhu cầu vay vốn biến động liên tục... ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện tiến độ theo đề án của tỉnh.

Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Quảng Ngãi Nguyễn Thị Thùy Linh khẳng định: "Nguồn vốn từ Trung ương và Ngân hàng CSXH tỉnh luôn đáp ứng 100% nhu cầu vay theo Quyết định 33. Để việc triển khai chính sách đạt hiệu quả, ngoài hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, việc triển khai thực hiện đề án theo Quyết định số 33 cần sự vào cuộc quyết liệt, tích cực hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương và sự chủ động của các hộ dân".

Bài, ảnh: VŨ YẾN

 

.