Niềm vui là sự cho đi...

10:02, 23/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù cuộc sống không mấy khá giả, mọi chi tiêu sinh hoạt hằng ngày của vợ chồng ông Nguyễn Hậu (70 tuổi) ở thôn An Phong, xã Bình Mỹ (Bình Sơn) dựa vào tiền trợ cấp khuyết tật và tiền lương bảo vệ (mỗi tháng chỉ hơn 1 triệu đồng), nhưng ông đã quyết định hiến hơn 3 sào đất (khoảng 1.500m2) của gia đình, để xây trường mẫu giáo.

Ngôi nhà cấp 4 của vợ chồng ông Hậu thường xuyên cửa đóng im lìm, bởi hằng ngày, ông đảm nhận công việc bảo vệ cho trường mầm non của xã. Ngày tôi đến tìm gặp, thì ông đang giúp trường tô sửa lại nền sân bị bong tróc, hư hỏng. Ông Hậu dẫn tôi vào trường mẫu giáo, khi các cháu đang bi bô tập đọc, tập hát say sưa, rồi quay sang nói: “Phải tranh thủ làm cho nền trường nhanh khô, sợ các cháu chạy nhảy rồi vấp té”.

Nhờ ông Hậu hiến đất xây trường, mà học sinh mẫu giáo ở địa phương có nơi học và vui chơi.
Nhờ ông Hậu hiến đất xây trường, mà học sinh mẫu giáo ở địa phương có nơi học và vui chơi.


Khi tôi hỏi về chuyện hiến đất, ông Hậu cười hiền hòa, giọng nhỏ nhẹ kể: Nghe tôi hiến đất, nhiều người trong thôn bảo tôi “ông bị sao” rồi, bởi gia đình cũng không khá giả gì, có thể để mấy sào ruộng đó trồng mì, trồng bắp hoặc bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Thế nhưng khi nghe người ta nói vậy, tôi chỉ cười rồi nhẩm tính, hằng tháng làm bảo vệ được nhà trường trả lương 500 nghìn đồng, cộng với tiền trợ cấp khuyết tật gần 600 nghìn đồng nữa, với lại 6 người con mỗi tháng cũng phụ giúp vợ chồng tôi vài trăm nghìn đồng mỗi đứa, như vậy là đủ chi tiêu rồi.

Tôi nghĩ, nếu bán mấy sào ruộng đó, một thời gian tiền tiêu cũng hết, chỉ tội cho con cháu không có chỗ học tập, vui chơi thoải mái. Ngôi trường cũ chật chội và đã xuống cấp. Việc hiến đất cho địa phương xây trường không có nghĩa là mất đất, ngược lại, nó còn mãi trong lòng các thế hệ học sinh.

Năm 2018, xã Bình Mỹ đề nghị cấp trên công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong khi đó tiêu chí số 5 về giáo dục chưa hoàn thành, vì cơ sở vật chất trường lớp còn tạm bợ, nhất là trường mầm non chưa đủ chuẩn theo quy định. Biết được việc này, ông Hậu không ngần ngại hiến đất xây trường. Qua tấm lòng của ông Hậu, người dân nơi đây đã dần hiểu được ý nghĩa của sự “cho đi” trong việc chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, cùng nhau xây dựng phát triển quê hương.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ Trần Quang Hà, tuy gia đình ông Nguyễn Hậu không phải là hộ nghèo của xã, nhưng hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, bản thân cũng là người khuyết tật nhận trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng. Tuy nhiên, khi địa phương không có đất xây trường thì ông sẵn sàng hiến hơn 3 sào đất của gia đình để xây trường bán trú đối với cụm trường chính, tạo điều kiện cho con cháu học tập.

Trước đó, gia đình ông Hậu cũng đã hiến gần 100m2 đất cho cụm trường để mở rộng mái hiên, có chỗ cho các cháu vui chơi; giờ được cụ Hậu hiến thêm 3 sào đất để xã xây dựng trường mầm non. Dự kiến, trường sẽ khởi công trong quý I/2019 này, với tổng kinh phí 4 tỷ đồng.

Chia tay ông Hậu, trên con đường làng thơm mùi lúa non, tôi lại nhớ đến vị bác sĩ Shigeaki Hinokara, người được xem là huyền thoại y học của Nhật Bản, với quan điểm sống thật nhân hậu: “Hãy để niềm vui sinh ra từ sự cho đi hơn là ngồi sợ mất mát”. Ông Hậu đã sống một cuộc đời nhân hậu như thế...


Bài, ảnh: NGUYÊN HƯƠNG

 


.