Chuyện người thợ đá

10:02, 12/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cái nghề “biến đá thành cơm” xưa nay vốn dĩ nhọc nhằn, cơ cực nhưng là kế mưu sinh của nhiều người. Đằng sau những viên đá vuông vức, sắc cạnh được làm ra bán cho khách hàng, chứa đựng đầy mồ hôi và nước mắt của người thợ đá.

Trở về sau một thời gian điều trị tại bệnh viện, giờ ông Nguyễn Dũng  (46 tuổi), thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) trở thành một người tàn phế. Bao nhiêu năm qua nghề chẻ đá giúp ông đổi đời, lo cho con cái ăn học, nhưng cũng chính vì nó mà ông suýt mất mạng.

Gian nan nghề chẻ đá

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Dũng vào một ngày cuối tháng 9 âm lịch. Nhìn căn nhà khang trang, bề thế thuộc diện nhất nhì xóm này chẳng mấy ai nghĩ là do người đàn ông tàn phế nửa người này xây dựng. Năm năm về trước, ông Dũng là một thợ làm đá có tiếng ở thôn An Tráng.

Từng bôn ba từ Quảng Trị, Huế  vào đến Bình Định hành nghề chẻ đá, ông Dũng am hiểu tường tận cái nghề này hơn ai hết và cũng có rất nhiều người được ông “đào tạo” để hành nghề. Tuy nhiên, chuyện "sinh nghề tử nghiệp" đã xảy ra với ông. Từ ngày ông nhận kết quả giám định thương tật, mất sức lao động 91% từ bác sĩ, thì ông xác định những tháng năm còn lại của đời mình phải sống trong cảnh tật nguyền.

Ông Nguyễn Dũng bị tật nguyền do nghề chẻ đá gây ra.
Ông Nguyễn Dũng bị tật nguyền do nghề chẻ đá gây ra.


Ngồi trầm tư bên ly trà nóng, ông Dũng nhớ lại cái ngày kinh hoàng ấy. Năm 2014, hầu như tất cả các mỏ đá ở Quảng Ngãi đều được “khai quật” và vơi dần. Có nhiều người phải ra tận Huế, Quảng Trị để kiếm kế sinh nhai. Riêng ông Dũng theo anh em, bạn bè đi làm ăn ở An Lão (Bình Định) với mong muốn có thêm thu nhập, lo cho các con sắp vô đại học. Cứ tưởng, “thủ phủ” đá ở An Lão sẽ giúp ông có thêm thu nhập, nhưng ở đời, người tính không bằng... trời tính.

Hôm đó là một ngày giữa tháng 9 âm lịch năm 2014. Sau một thời gian “khai quật” tảng đá lớn, ông Dũng quyết định đóng mạch để hòn đá này vỡ đôi nhằm thuận tiện cho công việc đục, chẻ lấy đá viên. Tuy nhiên, ngay sau đó hai tảng đá ngã đổ và đè lên người ông. “May lúc đó, mấy anh em làm gần đó nghe thấy vội chạy đến cứu tôi. Họ nhanh chóng đưa tôi đến Bệnh viện Bồng Sơn để cứu chữa rồi báo tin cho gia đình. Nhờ chạy chữa kịp thời chứ không tôi đã mất mạng”, ông Dũng chia sẻ.

Nghề chẻ đá tuy mang lại thu nhập khá cao nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều hiểm nguy. Vì miếng cơm, manh áo, nhiều thợ đá bất chấp hiểm nguy để hành nghề. Với thợ chẻ đá, những mảnh vỡ bằng sắt từ cái đục tay, búa; từ đá bắn ra xuyên thủng quần áo, cắm vào người phải đi mổ để gắp ra là chuyện thường. “Bây giờ, tất cả mọi sinh hoạt của tôi đều phụ thuộc vào vợ con. Từ một người khỏe mạnh, không nề hà công việc mà giờ phải rơi vào cảnh tật nguyền thế này, tôi buồn lắm!”, ông Dũng tâm sự.

Sinh nghề tử nghiệp

Ông Nguyễn Văn Dũng nói: "Làm nghề chẻ đá thì chuyện dập tay, dập chân, hay xây xước, chảy máu do va phải cạnh đá, mảnh đá bắn vào là chuyện thường ngày. Đó là những hiểm nguy nhìn thấy được, chứ thật sự làm nghề này hầu hết người thợ đều bị bệnh đường hô hấp, do hít phải bụi đá".

Đã hơn 3 năm kể từ ngày anh Nguyễn Tấn Phát, chồng chị Bạch Thị Tịnh, thôn An Tây, xã Nghĩa Thắng đột ngột thiệt mạng ở mỏ đá Rẫy Tía, nỗi đau, nỗi ám ảnh vẫn chưa hề vơi trong gia đình người thợ xấu số này.

Gần 20 năm làm ở mỏ đá, từ thợ chẻ lên thợ khoan, nếm trải đủ nhọc nhằn, khắc nghiệt, anh Phát định bụng ráng làm đến cuối năm rồi nghỉ và lo Tết nhất cho vợ con được đầy đủ. Nào ngờ, "tử thần" đã tìm đến anh trước khi anh thực hiện được dự định của mình.

Nhớ lại ngày chồng gặp tai hoạ, chị Tịnh kể: “Bữa đó đã là 29 Tết, ảnh rủ hai vợ chồng vào làm cho vui rồi bán đá mới có tiền lo Tết nhất. Lúc nghỉ ngơi, ảnh kêu tôi lên bờ ngồi còn ảnh lấy xà beng đi kiểm tra dưới chân tảng đá lớn. Nào ngờ, tôi vừa quay lưng đi thì phía sau nghe cái ầm. Lúc nhìn lại thì thấy một tảng đá lớn đổ xuống, đè lên người anh Phát, tôi hô hoán và gọi người đến cứu. Sau đó có chuyển ảnh ra bệnh viện ở Đà Nẵng nhưng không cứu được nữa”.

 Từ ngày anh Phát mất, cuộc sống mẹ con chị Tịnh gặp nhiều khó khăn. Từ một gia đình khấm khá, giờ mẹ con chị thuộc diện hộ nghèo. Đồng lương ít ỏi từ việc phụ trong xưởng gỗ phần nào giúp mẹ con chị xoay xở cho cuộc sống. Bây giờ, mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình và việc học tập của ba đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn cũng phải “thắt lưng buộc bụng”. Bé Ngọc - đứa con gái đầu lòng mới 17 tuổi và đang học 12 phải thay mẹ lo cho các em.

Vừa rồi, gia đình chị được chính quyền xét là hộ nghèo và trao cho một con nghé bò để làm “cần câu cơm”. Tuy vậy nhưng do cảnh mẹ hóa, con côi nên vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. “Bé Ngọc nay đã lớp 12 nhưng một mình tôi thì không sao nuôi nổi ba đứa con. Thấy mẹ khó khăn quá, chắc nó đành bỏ ước mơ đại học để đi làm phụ tôi nuôi hai em”, chị Tịnh bày tỏ.

Câu chuyện của anh Nguyễn Quang Ngôn (32 tuổi) ở thôn An Lạc, xã Nghĩa Thắng càng khiến chúng tôi thêm xúc động và hiểu hơn về sự nhọc nhằn, hiểm nguy của những người thợ đá. Năm 21 tuổi, anh rời TP.Hồ Chí Minh về quê lập nghiệp và quyết định chọn nghề thợ đá để mưu sinh. Những tưởng cái nghề này sẽ gắn bó, giúp anh nuôi sống bản thân và phụng dưỡng mẹ già, nhưng chẳng may tai họa ập xuống nên anh “từ giã” nghiệp làm đá.

Mẹ anh Ngôn, bà Nguyễn Thị Thể cho biết: “Tôi nhớ lần đó nó chỉ có 23 tuổi, sau khi bị hư một con mắt vì cái nghề làm đá, nó nản chí chẳng thiết tha gì hết. Cứ bảo trai tráng thế này mà rơi vào cảnh tật nguyền thì còn gì là tương lai. Thấy nó nhụt chí tôi cũng khuyên bảo rất nhiều. Rồi sau đó nó cũng cố gắng học nghề, xin việc khác để làm. Quả thật cái nghề chẻ đá rất nguy hiểm”.

Câu chuyện mưu sinh nhọc nhằn, hiểm nguy của những thợ đá được kể lại từ chính họ, hay người thân của họ khiến ai nghe cũng thấy nao lòng! Tất cả thợ đá đều hành nghề trong điều kiện “ba không”, đó là không hợp đồng, không bảo hiểm, không có sự ràng buộc nào. Dù đối mặt với vất vả, hiểm nguy vô cùng, nhưng vì nặng gánh cơm áo gạo tiền của cuộc sống gia đình, cho việc học hành của con cái nên họ vẫn miệt mài, dấn thân...


Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU


 


.