Ba mươi năm ấy biết bao nhiêu tình

04:02, 08/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 1989 không chỉ là năm bước ngoặt đối với tỉnh Quảng Ngãi, mà còn là năm bước ngoặt của gia đình tôi và rất nhiều gia đình khác quê Quảng Ngãi, nhưng sinh sống và làm việc tại Bình Định.  

TIN LIÊN QUAN

Đang sống ở thành phố Quy Nhơn, dù còn rất khó khăn về kinh tế, nhưng vẫn có một căn hộ 24m2 để ở, có những người bạn để chơi thân thiết, có sự ổn định tương đối để sáng tác, tôi không nghĩ có một ngày mình phải “khăn gói quả mướp” về Quảng Ngãi.

Vẫn biết đó là quê hương mình, dù cha mẹ mình đã qua đời, nhưng vẫn còn mái nhà nhỏ bên dòng sông Thoa, mái nhà cha mẹ để lại nằm rất sâu trong trái tim mình. Song sự thay đổi chỗ ở chưa bao giờ là đơn giản.

Nhưng rồi, với một chuyến xe tải anh em cho mượn, tôi chỉ bỏ tiền đổ xăng và ăn bữa cơm trưa ở Bồng Sơn, thế là về Quảng Ngãi. Tiền đổ xăng ấy bây giờ thật chẳng đáng là bao, nhưng ngày ấy là toàn bộ số tiền gia đình tôi sang nhượng lại căn hộ 24m2, được đúng 1 chỉ vàng. Một căn hộ đổi một chuyến xe hồi hương.

Tôi “ở theo” phía vợ, nên gia đình tôi cùng gia đình anh Trương Đình Chiểu, anh Tạ Mỹ Khê được tá túc ngay cơ quan Báo Quảng Ngãi. Chúng tôi căng ri-đô, phân chia “lãnh địa” ba gia đình. Thế là... xong. Mỗi gia đình có hai chiếc giường đơn, không có bàn làm việc. Tôi phải ngồi trên giường để đánh máy chữ. Cũng không sao. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua những tháng ngày đầu tiên sống và làm việc tại quê hương.

Cầu Trà Khúc 1 về đêm. Ảnh Th. Trung
Cầu Trà Khúc 1 về đêm. Ảnh Th. Trung


Báo Quảng Ngãi số đầu tiên ra ngày 8.7.1989. Làm một số báo bây giờ là chuyện quá bình thường, nhưng với hồi đó, là vô cùng cực nhọc. Cơ sự cũng chỉ vì vừa thiếu tiền, vừa chưa có người chuyên trách quen việc. Nhớ ngày Tổng Biên tập Trương Đình Chiểu cùng anh chị em trong tòa soạn Báo Quảng Ngãi ra số báo đầu tiên mang tên “Quảng Ngãi”, nghe nói anh Chiểu đã cùng anh em “bò ra” theo nghĩa đen để trình bày báo.

Và khi mang ra Đà Nẵng in, do chưa có tiền ngân sách cấp nên anh Chiểu phải... bán chiếc nhẫn cưới được 220.000 đồng, hai anh em giữ lại 20.000 đồng để tiêu, còn 200.000 đồng dùng bồi dưỡng cho ê-kíp nhà in để chạy việc, vì lúc bấy giờ chưa có họa sĩ trình bày. Trong số báo đầu tiên này, tôi có một... bài thơ, nhan đề “Cứ thế sông Trà”. Tôi vẫn còn nhớ 4 câu thơ mở đầu: “Nghìn năm trước sông Trà vẫn thế/ Nghìn năm sau cứ thế sông Trà/ Dù sông nhập với nghìn sông khác/ Trong lòng tôi nước ấy ngân nga”.

Từ không khí náo nức khi chia tách tỉnh, tôi đã hơi lạc quan. “Nghìn năm trước” thì đúng là sông Trà vẫn thế, nhưng còn “nghìn năm sau” chẳng ai dám nói sông Trà sẽ thế nào?

Tôi làm bên Hội Văn nghệ, nên công việc cũng nhàn hơn bên báo. Rồi ngày tháng thoi đưa và chúng tôi lại có những người bạn mới. Đó là những người bạn lâu nay làm việc tại Quảng Ngãi, có cả những người bạn quý mến nhau nên chơi, chứ cũng chả có công việc gì cụ thể.

Tỉnh Quảng Ngãi hồi ấy thật sự nghèo. Tôi chỉ nghe kể lại, là có lúc ủy ban tỉnh thiếu cả tiền phát lương cho cán bộ, phải chạy ra Trung ương để... vay. Dù hồi ấy, lương cán bộ đều thấp, các khoản chi khác hầu như không có. Chúng tôi sống nghèo nghèo mà rất vui.
 
Những người bạn như anh Mười Diêu, anh Sáu Tân, anh Thái Anh... cứ chiều chiều lại tụ họp ngay tại Báo Quảng Ngãi, cùng anh Trần Anh Kiệt ở “xóm nhà lá” lên tham gia và chúng tôi hồ hởi uống... rượu gạo, thỉnh thoảng cũng có bia chai. Ăn ở tạm bợ như thế, nhưng chúng tôi không thấy có gì bất tiện. Hai đứa con nhỏ của vợ chồng tôi cũng quen rất nhanh với cách sống này. Chúng bình thản cuốc bộ đi học mỗi sáng. Và tuyệt nhiên không than vãn gì.

Cứ nghĩ, mình sống ở đâu cũng lấy vui vẻ làm chính, kiếm sống làm mười, dù lúc ấy cũng thật sự không biết kiếm sống bằng cách nào, ngoài đồng lương, nhưng tôi hòa nhập rất nhanh với quê hương mình, dù đã cách xa quê tròn 35 năm. Ngày xa quê Mộ Đức đi tập kết, tôi mới lên 8 tuổi. Giờ về lại quê xưa, tuổi đã 43.

Hồi ấy chưa có từ “khởi nghiệp”, cũng chưa thấy có nhiều “doanh nghiệp tư nhân” như bây giờ, nhưng vẫn có một vài người làm kinh doanh tư nhân, như ông Tín, ông Danh... Tiếc thay, một thời gian ngắn sau đó thì hai ông này đều đi... tù cả. Tôi cũng được quen với vài ba anh em làm “thầu khoán”. Họ kinh doanh cũng thăng trầm lắm. Nhớ có lần trong một cái quán nào đó, tôi gặp một anh quê Sơn Tịnh. Anh này nói, mình vừa bán đôi bò ở quê để lên thành phố làm... thầu xây dựng. Chẳng biết với tiền bán đôi bò ở quê, anh trụ lại được bao nhiêu lâu ở thành phố, với những cuộc “ra mắt” có kèm ăn nhậu.

 Quảng Ngãi thuở ấy nghèo mọi mặt, nhưng thừa hăng hái, nên tôi cũng nhận được sự hỗ trợ tinh thần rất nhiều từ anh em, bè bạn. Khác với hoàn cảnh của “nhà thầu Sơn Tịnh” phải bán đôi bò ở quê để “khởi nghiệp”, tôi cũng không có nhẫn cưới như anh Chiểu để bán lấy tiền in báo, nên không lỗ lã gì.

Trái với lo lắng ban đầu khi chưa về Quảng Ngãi, tôi thấy ở quê hương mình cũng trụ được, sống được, dù phải vượt qua nhiều thứ. Nhưng một khi con người thiếu những rào cản để vượt qua, thì sự thành công cũng khó đến. Trong số nhiều trường ca tôi đã viết, thì có ba trường ca trực tiếp viết về quê hương Quảng Ngãi. Một cái (Trẻ con ở Sơn Mỹ) viết ở Đà Nẵng, một cái (Bùng nổ của mùa xuân) viết ở Quy Nhơn, một cái (Trường ca chân đất) viết ở Quảng Ngãi. Đó thực sự là tình cảm của tôi đối với quê hương mình.
Trung tâm TP.Quảng Ngãi. Ảnh: Thanh Trung
Trung tâm TP.Quảng Ngãi. Ảnh: Thanh Trung

Bây giờ, anh em Quảng Ngãi đang sống ở xa quê do công việc, mỗi khi gặp nhau đều công nhận người Quảng Ngãi sống có tình. Dĩ nhiên, không phải tất cả người Quảng Ngãi đều như thế, nhưng nhiều người sống như thế. Cứ nghĩ xem, ở đời, thiếu tình thì mình biết sống với cái gì? Tiền không bao giờ thay được tình. Mà tình thì người Quảng Ngãi lại có sẵn.

Cách đây 7 năm, khi viết “Trường ca chân đất” dâng tặng quê hương Quảng Ngãi, tôi đã viết về quê hương như viết về mẹ của mình. Trường ca ấy đã nhận được 3 giải thưởng. Nhưng giải thưởng không quan trọng bằng những tình cảm của người đọc dành cho tác phẩm này. Có những người quê Quảng Ngãi và nhiều người không phải quê Quảng Ngãi đã đồng cảm khi đọc tác phẩm ấy của tôi. Điều đó khiến tôi được an ủi rất nhiều. Tôi nghĩ, tấm lòng của mình với quê hương đã được ghi nhận.

Có những người, một khi đã xa quê, thì đường trở lại quê nhà dường như tít tắp. Tôi xa quê từ năm 8 tuổi, mãi tới 43 tuổi mới trở về quê. Nhưng từ ba mươi năm nay, tôi sống cùng Quảng Ngãi, chứng kiến từng bước đi lên khó nhọc của quê hương mình. Đối với tôi, đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời.

Ba mươi năm ấy, biết bao nhiêu tình.


              THANH THẢO
 


.