Lớn lên trong vòng tay ngoại

02:01, 09/01/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mưa rả rích. Và trong cái lạnh tê tái của những ngày cuối năm, con đường dẫn về thôn Trung Mỹ, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) hai bên nước vẫn còn ngập trắng đồng. Trong căn nhà nhỏ bên bờ sông Phước Giang, vọng ra giọng điệu ầu ơ của bà Nguyễn Thị Thu đang ru cháu ngoại ngủ, giọt máu mà chị Lê Thị Tú Cẩm đã gửi gắm lại cuộc đời trước khi rời xa cõi đời.

Hơn 5 tháng được bà ngoại chăm sóc, Kỳ Tích (con của chị Cẩm) không còn là đứa trẻ đỏ hỏn hôm nào, mà đã biết nũng nịu trong vòng tay bà ngoại...

Kỳ tích đã không lặp lại

Lê Thị Tú Cẩm, cô gái kiên cường chống chọi lại với căn bệnh hiểm nghèo để giọt máu mình mang trong bụng chào đời ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng vào giữa năm 2018, như một câu chuyện cổ tích giữa cuộc đời "đầy giông bão" của người mẹ trẻ. Và sau đó bốn tháng, Cẩm đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của người cha già.

Những giọt nước mắt của đội ngũ y, bác sĩ, của những người bệnh nằm cùng phòng cứ thế tuôn rơi. Bà Thu kể: Năm 2014, Cẩm lập gia đình. Sau khi sinh đứa con đầu lòng, nó ngày càng ốm yếu. Cuối năm 2016 thì phát bệnh, gia đình nhà chồng đưa đi điều trị khắp nơi nhưng không khỏi.

 

Bà Thu hết chăm con giờ thay Tú Cẩm chăm cháu.
Bà Thu hết chăm con giờ thay Tú Cẩm chăm cháu.


Thương con, ông Hải (bố ruột) đưa Cẩm tiếp tục đi điều trị thì được bác sĩ thông báo, Cẩm mang bầu hơn một tháng. Thế là, ròng rã tám tháng, Cẩm vừa mang bầu, vừa điều trị bệnh và cuối cùng kỳ tích đã đến trong niềm vui vô hạn của y, bác sĩ và những người thân khi ca mổ sản thành công. Nhưng niềm vui ấy không trọn vẹn, bởi sau đó bốn tháng Cẩm đã trút hơi thở cuối cùng khi chưa một lần nhìn thấy mặt con.

"Một ngày tháng 11.2018, sau buổi sáng lo cho cháu uống sữa và ru ngủ xong, tôi ôm thau đồ ra ngoài sân giặt thì chuông điện thoại vang lên, đầu dây bên kia giọng ông Hải run bần bật bật. Thế là, điều kỳ tích một lần nữa đã không đến với Cẩm", bà Thu kể trong nước mắt vì thương con.  

Trên bàn thờ nghi ngút khói hương, hình ảnh cô gái trẻ Tú Cẩm xinh đẹp nở nụ cười tươi tắn làm nhói lòng bao người khi đến viếng thăm. Bế cháu ngoại mới tròn 5 tháng tuổi đến bên bàn thờ Tú Cẩm thắp cho con nén hương, hết nhìn cháu rồi nhìn di ảnh của con, làm cho đôi mắt bà Thu ngấn lệ.

Ông Hải bộc bạch: “Nhờ các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ, nếu không thì tôi có bán đến 3 cái nhà như thế này cũng không đủ để lo viện phí cho con mấy tháng cuối đời. Số tiền mọi người giúp đỡ còn lại tôi sẽ giữ đó để nuôi Thanh Xuân khôn lớn để sau này có cơ hội sẽ báo ơn lại cho mẹ nó”.

“Lúc con gái mang thai mấy tháng cuối, vợ chồng tôi lo lắm, nhưng trong điện thoại con gái nhắn gửi lại rất kiên cường: “Ba mẹ nuôi con cả đời rồi, con sống đến chừng nào hay chừng đấy, chỉ là chưa một ngày con được báo hiếu công ơn ba mẹ. Ba mẹ đừng suy nghĩ nữa, con sẽ gắng sống để con con ra đời”. Lẽ ra mình phải động viên con thế, nhưng Cẩm lại động viên tôi. Tôi tin con sẽ mạnh mẽ chống chọi với bệnh. Vậy mà...”, bà Thu nấc nghẹn.

"Làm mẹ" thay con  gái

Trong vòng tay ngoại, bé Lê Thanh Xuân (còn có tên gọi là Kỳ Tích) nay đã lớn hơn rất nhiều. Năm tháng là quãng thời gian mà từ ngày chào đời đến nay cháu chưa một lần được nằm bên mẹ, chưa một lần được bú giọt sữa mẹ như bao đứa trẻ khác. Dòng sữa nuôi Thanh Xuân là sữa hộp mà đều đặn hằng ngày bà Thu chăm bón từ những đồng tiền mà các nhà hảo tâm quyên góp. Dường như trời thương cho sự thiệt thòi, nên Thanh Xuân khỏe mạnh và lên cân đều đặn mỗi tháng.

Tiếng ầu ơ của bà Thu như thứ thanh âm dịu dàng để Thanh Xuân ngủ ngon hơn. Nhìn cháu ngoại chìm trong giấc ngủ, bà Thu nói: Sau một tháng mười ngày nằm ở Bệnh viện Sản- Nhi Đà Nẵng, cháu Thanh Xuân được xuất viện về nhà. Ban đầu gia đình dự định đặt tên cháu là Kỳ Tích như góp ý của bao người, nhưng do trùng tên với người trong họ, nên đổi thành tên Thanh Xuân. Dù vậy, cái tên Kỳ Tích vẫn luôn được gia đình gìn giữ để mai này kể lại cho cháu biết.

“Trước khi đưa cháu về nhà, tôi có đến xin bác sĩ cho tôi đưa cháu vào nằm bên mẹ một lần, nhưng bác sĩ không cho, vì bệnh mẹ cháu quá nặng, nếu gặp con Cẩm sẽ xúc động dẫn đến điều trị không hiệu quả. Tôi bồng cháu về quê chăm sóc. Mấy tháng đầu cháu khóc nhiều và thức đêm, nhưng nay mỗi đêm chỉ thức dậy 2 lần thôi. Tháng rồi, cháu chỉ tăng được 0,5kg vì cả nhà phải lo tang lễ cho mẹ cháu. Vợ chồng tôi nghèo khó nhưng sẽ cố gắng chăm cháu lớn khôn để Cẩm vui lòng ở nơi xa”, bà Thu tâm sự.

Để xua tan không khí ảm đạm trong nhà, ông Hải đưa tôi rảo quanh khu vườn của gia đình, nhưng cứ đi dăm bước ông Hải lại khựng lại, những bước chân trở nên nặng nề. Nhìn sang phía chuồng bò trống rỗng, chỉ chất vài bó rơm, phía bên này là chuồng heo cũng bỏ trống, ông Hải bảo, từ ngày con đau, bao nhiêu tài sản trong nhà cứ lặng lẽ “đội nón” ra đi. Để cứu con, vợ chồng ông Hải còn tính đến chuyện bán nhà, nhưng may mắn sau khi những bài báo viết về Cẩm được đăng tải, nhiều nhà hảo tâm đã gửi tiền giúp đỡ nên ông giữ lại được căn nhà.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


 


.