Nghề nhủi hến

09:10, 16/10/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Dọc theo sông Vệ đoạn chảy qua hai xã Hành Thịnh và Hành Phước (Nghĩa Hành), từ xa xưa nơi đây đã nổi tiếng với nghề nhủi hến.

Nếu như con don là sản vật đại diện cho dòng sông Trà Khúc thì con hến được xem như là “báu vật” của sông Vệ, hến ở đây có trữ lượng lớn và độ ngon ngọt không nơi đâu sánh bằng. Nơi nhiều hến nhất phải kể đến đoạn sông chảy qua hai thôn An Chỉ Tây (Hành Phước) và thôn Thuận Hòa (Hành Thịnh), đây cũng là nơi có nhiều người làm nghề nhủi hến nhất vùng..
 
Làm lúa không bằng… nhủi hến
 
Đến hẹn lại lên, hằng năm cứ từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, người dân nơi đây lại bước vào mùa nhủi hến cao điểm trong năm. Thời điểm này, nước sông không quá cao, cộng với trời ít mưa nên rất thuận lợi để nhủi hến. 
 
Vào mùa nắng nóng, con hến rất được mọi người ưa chuộng, là món ăn xuất hiện trên mâm cơm ngày hè của nhiều gia đình. Hơn nữa, con hến ở đây khi nấu cho nước dùng rất trong mà đậm vị ngon ngọt, bổ mát nên hến thu được bao nhiêu là mang ra chợ bán hết bấy nhiêu.
 
Theo những người nhủi hến, khúc sông này nước chảy vừa nên con hến có vỏ sáng màu, thêm với có kích cỡ to hơn nên được xếp vào hàng ngon nhất. Hến không những ngon mà còn nhiều, nên mọi người ra nhủi, rồi thành cái nghề lúc nào chắng ai hay. 
 
Là người có thâm niên gần 30 năm làm nghề nhủi hến, ông Đinh Tấn Thương (52 tuổi) ở thôn An Chỉ Tây chia sẻ: “Hến ở đây nhiều vô số kể, chỉ cần vác cái nhủi ra sông đi vài đường là hến đầy thau, người nào làm giỏi thì một buổi được phải hơn 40kg hến, người ít thì cũng được tầm 25-30kg”.
 
a
Ngày nay, chỉ còn những người phụ nữ còn bám trụ với nghề nhủi hến.
 
 
Cũng theo dân trong nghề, người ngoài nhìn vào thấy nghề này cực nhọc là thế, nhưng tính ra vẫn khỏe hơn làm lúa nhiều, đến mùa con nước thuận lợi chỉ cần bỏ ra vài tiếng đồng hồ ra sông nhủi tí là có ngay tiền chợ, thậm chí là sắm sửa đồ dùng trong nhà. 
 
“Vợ chồng tôi trước kia cũng nhờ đi nhủi hến mà có tiền nuôi con cái ăn học, rồi sắm được nhiều thứ trong nhà. Thời còn trẻ khỏe, chỉ trong một buổi sáng vợ chồng tôi cũng có thể nhủi được hơn 50kg hến, bấy nhiêu đó mang ra chợ bán cũng được gần 500 nghìn rồi, như thế khỏe hơn làm lúa nhiều”, ông Thương lấy ví dụ.   
 
Hến sau khi nhủi lên, được người dân trực tiếp mang ra chợ bán, giá hến tại chợ hiện  giao động từ 10- 12 nghìn/kg. Như vậy, nếu tiết trời thuận lợi thì những người nhủi hến hoàn toàn có thể sống khỏe nhờ những con hến nơi đây.
 
Nghề trên nóng- dưới lạnh
 
Hến dưới sông nhiều là vậy nhưng không phải ai cũng nhủi được, để làm được công việc này đòi hỏi phải có kỹ thuật riêng của nó. “Khi nhủi chân tay phải kết hợp nhuần nhuyễn, người không nắm được kỹ thuật sẽ nhủi toàn cát với sạn chỉ thêm tốn sức. Khó hơn nữa đó là khi làm ở chỗ nước sâu quá đầu, mình phải vừa lặn vừa nhủi nên ngoài kỹ thuật ra thì đòi hỏi sức khỏe phải dẻo dai mới có thể làm được”, ông Thương nói.
 
Khác với những nơi khác, người nhủi hến ở đây không dùng ghe mà chỉ cần một cái thau lớn được luồn sợi dây cột quanh eo là có thể chứa hến, khi hến nhiều thì mới đổ vào bao. Cũng theo ông Thương, cái cực nhất của nghề này, đó là vào những ngày hè nắng như đổ lửa, phần cơ thể trên mặt nước thì nóng như bị thiêu đốt, nhưng bên dưới lại lạnh cóng do phải ngâm mình dưới nước mấy giờ liền, nhiều lúc phải nhúng đầu xuống nước để cho bớt nóng.
 
Chị Bảy đang nhặc vỏ hến
Chị Bảy đang nhặt vỏ hến
 
 
Thế mới thấy cái cực nhọc của người nhủi hến, nhưng thực tế người làm công việc này không phải chỉ có mỗi đàn ông, mà ngược lại những người phụ nữ lại chiếm đa số. Lấy chồng khi mới đôi mươi, ngồi nhẩm ra thì đã ngót 29 năm trôi qua và cũng bằng quãng thời gian đó làm nghề nhủi hến, bà Lê Thị Bảy (vợ ông Thương) vui vẻ nói: “Ở đây phụ nữ trước giờ vẫn làm đông hơn đàn ông, đôi khi đàn bà chúng tôi còn nhủi được nhiều hến hơn mấy ông đấy chứ!”. 
 
Nghĩ lại, càng khâm phục những người phụ nữ làm nghề này hơn, một công việc tưởng chừng như ít có rủi ro nhưng hỏi ra thì cũng lắm điều để lo, khi hằng ngày họ vẫn phải đối mặt với nguy hiểm, bệnh tật hiện hữu như nước ăn da, cảm sốt hay dẫm phải vật sắc nhọn. Hơn nữa, vì công việc gắn liền với sông nước nên bắt buộc ai làm nghề này đều phải biết bơi, để chẳng may gặp chỗ nước sâu còn biết cách xử lí.
 
Kể ra thì phụ nữ làm công việc này cũng lắm việc, ban ngày thì lội sông nhủi hến, đến ban đêm cũng chưa hết việc. Là một trong số ít những người còn bám trụ nghề này, chị Nguyễn Thị Thư, ở thôn Thuận Hòa, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) cho biết: “Hến nhủi xong đem về nhà mình phải nhặt bỏ hết vỏ hến, đá sạn rồi chà rửa nhiều lần cho sạch, xong sáng mai mới mang ra chợ bán, công đoạn này cũng mất gần 2 tiếng”. 
 
Tre già… không thấy măng mọc
 
Chính vì công việc này phụ thuộc hoàn toàn vào con nước nên càng ngày càng ít người gắn bó với nghề nhủi hến. Mỗi người có một lý do khác nhau, nhưng phần lớn là do tuổi đã lớn nên ai cũng tìm việc khác nhẹ nhàng hơn để mưu sinh. Mặt khác, mấy năm nay thời tiết mưa lũ thất thường, dòng nước trên sông trở nên dữ hơn, khiến công việc ngày càng khó khăn.
 
những con hến
Những con hến nơi đây cho nước dùng ngon ngọt không nơi đâu sánh bằng
 
 
“Cách đây vài năm, cứ tầm 8 giờ sáng là thau nổi lình bình đầy trên mặt nước, mọi người nói cười không khí rất vui vẻ, nhưng mấy năm nay thì sông vắng bóng hẳn đi, loanh quanh cũng chỉ còn vài người phụ nữ bám trụ với nghề này”, ông Thương nói.
 
Những người làm nghề nhủi hến lâu năm như vợ chồng ông Thương nay hầu như cũng đã nghỉ. Có người vì không nỡ thấy cái nhủi, cái thau để trong xó nhà nên khi rảnh rang cũng mang ra sông nhủi hến bán lấy tiền chợ.
 
Theo người dân ở đây, trong vòng 3 năm trở lại đây hến ở khúc sông này có sụt giảm so với mấy năm trước. Cùng với thời tiết diễn biến khó lường thì một nguyên nhân khiến hến ít đi là do xuất hiện nhiều điểm khai thác cát phía thượng nguồn nên ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn hến.
 
Hiện nay, ở đây chỉ còn khoảng vài người còn bám trụ với nghề này, chủ yếu là những người phụ nữ. Những người trẻ bây giờ cũng không mặn mà với công việc này, thế nên sau này có thể công việc nhủi hến dưới sông sẽ không còn được xem là cái nghề nữa.
 
Trần Tươi
 

.