Ngày vì người nghèo 17.10:
Chính sách hỗ trợ mới đối với hộ nghèo

10:10, 17/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để hộ nghèo thiếu hụt đa chiều tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, mới đây Chính phủ đã ban hành một số chính sách mới.

TIN LIÊN QUAN

Sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định 59/2015/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Quyết định 59), tỉnh ta đã có bước chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo.

 

Nghị quyết 71 của Chính phủ giúp hộ nghèo thiếu hụt đa chiều tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản bị thiếu hụt như y tế, giáo dục.
Nghị quyết 71 của Chính phủ giúp hộ nghèo thiếu hụt đa chiều tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản bị thiếu hụt như y tế, giáo dục.


Cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 1,9% so với đầu năm 2017 (chiếm 11,16%), đạt 102,7% kế hoạch. Trong đó, 6 huyện miền núi giảm từ 41,93% xuống còn 36,9%; có 2 xã và 2 thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi đủ điều kiện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Không những vậy, huyện miền núi Sơn Hà là một trong 8 huyện thuộc 6 tỉnh trong cả nước nằm trong danh sách huyện thoát nghèo giai đoạn 2018-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 

Đến cuối năm 2018, Quảng Ngãi phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,59%, riêng các huyện miền núi giảm 5,47% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020.

Hiện nay, toàn tỉnh còn 5/14 huyện nằm trong số những huyện nghèo nhất cả nước theo Nghị quyết 30a, có 19 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020, có 50 xã đặc biệt khó khăn và 47 thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang được hỗ trợ từ chương trình 135.

Thách thức lớn nhất chính là quá trình chuyển đổi cách tiếp cận từ nghèo đơn chiều sang đa chiều, bởi quá trình đánh giá hộ nghèo phức tạp hơn. Chẳng hạn với tiêu chí đánh giá chất lượng nhà ở cần xác định thêm về vật liệu làm mái nhà, tường nhà; đo lường diện tích nhà ở... Mặt khác, khó khăn trong thực hiện Quyết định 59 là giải quyết sức ép về nguồn lực giảm nghèo. Bởi khi thực hiện theo chính sách mới, không chỉ cần đến nguồn lực để tăng thu nhập mà cần thêm nguồn lực đầu tư hạ tầng giáo dục, y tế, công nghệ thông tin... để mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ cho người nghèo. Trong khi đó, điều kiện kinh tế - xã hội ở tỉnh ta còn nhiều khó khăn, nguồn lực thực hiện các chính sách giảm nghèo phần lớn là ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo bền vững sẽ thuận lợi hơn khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 71/NQ-CP quy định chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo để bù đắp các chiều thiếu hụt quy định tại Quyết định 59. Theo đó, hộ nghèo thiếu hụt đa chiều được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ. Về bảo hiểm y tế thực hiện theo Nghị quyết số 40/NQ-CP, ngày 10.5.2017 của Chính phủ, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với hộ nghèo đa chiều thiếu hụt về tiêu chí BHYT; hỗ trợ 70% mức đóng BHYT đối với hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khác.

Thành viên hộ nghèo đa chiều thiếu hụt ít nhất một chỉ số về giáo dục (trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em) được thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo như đối với thành viên hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập; thiếu hụt các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản khác được thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo như đối với thành viên hộ cận nghèo. Ngoài ra, hộ nghèo đa chiều thiếu hụt chỉ số về nguồn nước sinh hoạt thì được hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt theo quy định tại Quyết định số 2085/QÐ-TTg ngày 31.10.2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020...

Chính sách hỗ trợ mới được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững của cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng trong thời gian tới.


Bài, ảnh: VŨ YẾN

 


.