Nêu cao vai trò giám sát đất đai của người dân

07:05, 23/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù Luật Đất đai năm 2013 có quy định cụ thể về quyền giám sát của công dân trong việc quản lý và sử dụng đất đai, cũng như phản ánh những sai phạm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trên thực tế, việc giám sát của người dân vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo quy định tại Điều 199, Luật Đất đai năm 2013, công dân có quyền giám sát việc lập, điều chỉnh, công bố, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; việc thu hồi, bồi thường và tái định cư; việc thu, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế liên quan đến đất đai, định giá đất; việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất...

Người dân có thể thực hiện quyền giám sát này thông qua 2 cơ chế là tự mình, hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai.

Người dân chưa phát huy được vai trò giám sát về đất đai, nhất là giám sát việc thu hồi đất đai, định giá đất tại các dự án bất động sản.  Ảnh: Ý Thu
Người dân chưa phát huy được vai trò giám sát về đất đai, nhất là giám sát việc thu hồi đất đai, định giá đất tại các dự án bất động sản. Ảnh: Ý Thu


Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết người dân đều chưa ý thức rõ về quyền giám sát của mình đối với đất đai. Thậm chí, dù biết có Luật Đất đai, nhưng nhiều người vẫn không nắm được nội dung quan trọng liên quan đến quyền giám sát của mình. Mặt khác, do việc nắm bắt cơ sở dữ liệu, thông tin liên quan đến đất đai còn hạn chế, đặc biệt là các nội dung về kiểm kê, thuê đất, giá đất, tái định cư... nên người dân chưa phát huy được quyền giám sát, vì chưa biết mình sẽ thực hiện giám sát theo trình tự nào.

Bên cạnh đó, tuy đã quy định về quyền giám sát của công dân trong lĩnh vực đất đai trong Luật Đất đai 2013, nhưng các bộ, ngành lại chưa có thông tư, văn bản hướng dẫn để cụ thể hóa, làm rõ vai trò, cách thức giám sát, quy trình giám sát... của người dân theo từng nội dung cụ thể.

Vì vậy, để người dân nêu cao vai trò giám sát trong lĩnh vực đất đai, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân về quyền giám sát của mình; người dân cần được hướng dẫn cụ thể, chi tiết về cách thức giám sát. Đồng thời, quy định cụ thể về định kỳ báo cáo kết quả giám sát của công dân tại từng địa phương, để việc đánh giá quản lý sử dụng đất đai được toàn diện.

Cần công khai thông tin liên quan đến đất đai: Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án thu hồi, đền bù... đến tận cơ sở và qua các kênh thông tin để người dân dễ dàng tiếp cận. Nhất là ở vùng sâu, vùng xa, cần có các quy định đảm bảo người dân tiếp cận được thông tin đất đai và giám sát về công tác quản lý đất đai, để kịp thời phát hiện những bất cập tại cơ sở, đảm bảo quyền lợi cho người dân.


Ý THU



 


.