Liều mình bơi qua sông tìm con chữ

09:05, 03/05/2018
.

(Baoquangngai.vn) - Sau hồi trống dài báo hiệu tan giờ học buổi sáng, hàng chục em học sinh của Trường THCS xã Sơn Bao (Sơn Hà) liều mình nhảy ùm xuống dòng sông Rin phía sau trường, vật lộn với dòng nước dữ, bơi sang bờ bên kia để về nhà.

Hiểm nguy đường đến trường

Thôn Nước Rin thuộc xã Sơn Bao có gần 130 hộ dân, hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài bởi sự ngăn cách của dòng sông Rin. Nằm giữa vùng hợp sức nước của sông Rin và sông Tang nên lưu lượng nước chảy qua đoạn sông này rất dữ, dòng nước chảy xiết.

Sau hồi trống dài báo hiệu tan giờ học buổi sáng, chúng tôi không khỏi rùng mình khi phải chứng kiến cảnh học sinh mới 12, 13 tuổi “đánh cược” với thủy thần để bơi qua sông về nhà sau giờ học. Hàng chục em học sinh không áo phao chen chúc trên chiếc bè tre giồng mình đu dây thừng qua sông.

Ở đây, để qua sông đến trung tâm xã, làm nương, làm rẫy, giao thương buôn bán, người dân và gần 60 học sinh cấp 2 và cấp 3 đi học đều phải đu sợi dây thừng mỏng manh hoặc đánh liều bơi qua sông.

 
 
Học sinh "đánh cược" mạng sống bơi qua sông về nhà sau giờ học.
 
Chiếc bè giúp học sinh qua sông được giao cho ông Đinh Văn Rét dài khoảng 3m, ngang chưa tới 2m là những thân lồ ô ghép lại, dùng lốp xe cũ cột vào dây thừng. Mỗi ngày trôi qua, học sinh luôn thấp thỏm lo âu, bởi rất nhiều nguy hiểm khó lường, luôn rình rập tính mạng của các em học sinh trên chiếc bè này.
 
Nhà em Đinh Thị Hút ở khuất sau ngọn núi, hàng ngày Hút phải băng rừng cùng đám bạn đến bến đò leo lên bè hợp sức với người lái bè đu dây thừng qua sông đến lớp. Chưa ngày nào Hút đến lớp học mà đôi chân không lấm lem đất cát.
 
"Mùa nắng nước cạn tụi em còn đến lớp đúng giờ, mùa mưa, lũ lớn, nước chảy xiết, không qua sông được đành nghỉ học. Vất vả nhưng không còn cách nào khác. Em chỉ mong làng em có một cây cầu để mọi người thoát được cảnh đu dây” - Đinh Thị Hút bộc bạch.
 
Bè tre là phương tiện giúp các em đến trường.
Bè tre là phương tiện giúp các em đến trường.


“Những ngày nắng thì đỡ lo, còn mưa to, gió lớn, nhìn con đứng trên chiếc bè bé xíu sang sông, lòng tôi cứ thấp thỏm. Vẫn còn đỡ hơn mấy đứa chờ bè lâu quá một tay bơi, một tay cầm sách vở để khỏi ướt nhìn mà thót tim” - chị Định Thị Thút, một người dân ở thôn Nước Rin chia sẻ.


Mong một cây cầu
 
Vì con đường đến trường quá nguy hiểm, cách trở, thương và lo cho tính mạng của các em, nhất là các em học sinh tiểu học nên địa phương phải vào tận thôn mở trường cho các em tiểu học. Các thầy cô giáo hàng ngày cũng phải đánh liều với dòng nước chảy xiết để mang cái chữ đến cho học sinh của mình.

Ở thôn Nước Rin có 2 bến qua sông Rin bằng ghe hoặc bè tre tự chế. Một bến đưa học qua sông và một bến khác cách khoảng 400m về phía hạ du cho người dân. Không dám để học sinh tự đu dây trên bè tre, xã đã hỗ trợ cho ông Đinh Văn Rét mỗi tháng 1 triệu đồng để lái bè chèo bè đưa học sinh. Huyện Sơn Hà hỗ trợ cho xã 1 chiếc ghe để đưa học sinh đi học.

 
 
Tai nạn rình rập trên những chuyến đò ngang.
Tai nạn rình rập trên chuyến đò ngang đưa học sinh qua sông tìm con chữ.

Dẫu vậy, việc đi lại của học sinh cũng như người dân vô cùng hiểm nguy vì đoạn sông này rất sâu, nước chảy rất xiết. Giao thông luôn là nỗi lo, sự sợ hãi của người dân thôn Nước Rin, nhất là đối với những em học sinh.

“Đu dây lái bè qua sông rất nhọc, mình phải giồng người cộng với mấy đứa con trai giúp sức mới đủ sức vật với dòng nước. Tuổi đã cao, sức không còn khỏe, nhiều lần xin nghỉ mà không ai muốn làm thay vì tiền hỗ trợ quá ít so với tiền đi làm rẫy, nhưng thấy các cháu học sinh vất vả đến trường mình không đành”- ông Rét ngậm ngùi.

Ông Đinh Văn Rét nay đã hơn 70 tuổi, 15 năm làm nhiệm vụ lái bè giúp học sinh qua sông tìm con chữ luôn đau đáu với ước mơ về một cây cầu. Ở đây khổ trăm bề. Học sinh đi học đã khổ, người dân mà đêm hôm ốm đau còn khổ hơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bao Đoàn Thị Chiên, người dân ở đây đã luôn ao ước có một cây cầu. Xã đã nhiều lần kiến nghị huyện xây cầu bắc qua sông Rin, nếu được vậy thì người dân và địa phương rất mừng.

Cây cầu không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện mà còn giúp địa phương trong phát triển kinh tế xã hội. Xã rất mong muốn huyện sớm bố trí nguồn kinh phí để làm cây cầu phục vụ người dân, nhất là con đường đến trường của học sinh bớt lo âu và thấp thỏm.

Video: Học sinh liều mình sang sông tìm con chữ

Bài, ảnh: A.KIỀU


 


.