Người "cầm cân" trên đất ngàn cau

10:04, 30/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 15 năm công tác trong ngành tòa án cũng là ngần ấy thời gian nữ thẩm phán, Chánh án TAND huyện Sơn Tây Lâm Thị Ánh Tuyết gắn bó với huyện vùng cao Sơn Tây.

Chị Lâm Thị Ánh Tuyết sinh ra và lớn lên ở huyện Sơn Hà, nơi có hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế... Nhận thấy điều này, ngay từ khi còn ngồi trên nghế nhà trường, chị Tuyết đã quyết tâm học thật tốt để sau này góp một phần công sức của mình vào việc nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân miền núi. Chính quyết tâm này đã đưa chị bước vào giảng đường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh.
 


Khó khăn không sờn

Sau khi tốt nghiệp ra trường, chị Tuyết quyết định quay về quê hương thực hiện mong ước từ bé của mình. Năm 2002, chị được nhận vào làm việc tại TAND huyện Sơn Tây, với chức danh thư ký. Nhớ lại những ngày đầu lên Sơn Tây công tác, chị Tuyết kể: Mặc dù sinh ra và lớn lên tại một huyện miền núi, nhưng không ngờ Sơn Tây lại khó khăn đến vậy. Đường sá xa xôi, hiểm trở. Trụ sở làm việc chỉ là vách gỗ, nền đất, diện tích chưa tới 100m2. Đây cũng chính là nơi anh em trong đơn vị dùng làm nơi ở. Mỗi lần đi công tác xuống địa bàn, có lúc chị phải đi bộ hàng chục cây số mới tới được nơi cần làm việc.
 

“Dưới sự quản lý, điều hành của Chánh án Lâm Thị Ánh Tuyết, trong nhiều năm qua, TAND huyện Sơn Tây luôn đạt tỷ lệ xét xử 100% tất cả các loại án; việc ra quyết định thi hành án hình sự năm nào cũng làm kịp thời, đúng thời gian quy định. Đặc biệt, TAND huyện Sơn Tây chưa khi nào để án tồn đọng, hay án quá hạn luật định... ”.
Phó Chánh án TAND tỉnh PHAN NGỌC MINH

Khó khăn là vậy, nhưng với lòng yêu nghề, nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô thư ký Lâm Thị Ánh Tuyết luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Và với những nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, chị đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh án (năm 2012), rồi Chánh án TAND huyện Sơn Tây (năm 2015).

Nỗi niềm sau những bản án

Là người trực tiếp tham gia xét xử hàng trăm vụ án, nhưng có những vụ án đã để lại trong chị nỗi đau cùng sự xót thương. Chị Tuyết kể, có lần chị thụ lý và xét xử vụ án “cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”, do người chồng uống rượu, trong cơn say đã vô tình đánh chết vợ mình. Vụ án xét xử lưu động, với một bản án nghiêm khắc dành cho người chồng. Tuy nhiên, điều làm chị áy náy và xót xa nhất chính là 4 đứa con của bị cáo và bị hại đang còn nhỏ, tương lai không biết sẽ như thế nào khi mẹ chết, bố phải thi hành án tù. Trong khi ngôi nhà làm nơi sinh sống của gia đình cũng phải bán để lo ma chay.

Là người phụ nữ, hơn ai hết chị Tuyết thấu hiểu những khó khăn mà 4 đứa trẻ phải đối mặt. Sau khi phiên tòa kết thúc, chị đã tìm đến lãnh đạo xã đề nghị cần quan tâm, lo lắng cho 4 đứa trẻ, không để chúng phải bơ vơ. Đồng thời, chị cùng đơn vị quyên góp tiền, quần áo mang lên cho bọn trẻ. Mãi đến sau này, dù có bận nhiều việc, chị vẫn dành thời gian để đến thăm và động viên các cháu.

Sinh ra và lớn lên ở miền núi, chị luôn thấu hiểu những khó khăn, vất vả, thiếu thốn mà người dân đối diện. Khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc chị ít khi triệu tập đương sự đến tòa án, mà tự mình trực tiếp xuống địa bàn, tìm gặp các bên để tìm hiểu rõ nguyên nhân sâu xa dẫn đến những tranh chấp, từ đó đưa ra cách giải quyết tốt nhất. “Mặc dù không phải là người đồng bào, nhưng sống với họ từ nhỏ, nên mình hiểu được những khó khăn của họ. Và may mắn là mình biết được tiếng dân tộc thiểu số nơi đây, cùng những phong tục tập quán, nên mình vận dụng điều này để xuống cơ sở nắm bắt tâm tư của các bên đương sự. Nhờ vậy, tất cả các vụ án mà mình thụ lý, xét xử luôn thấu tình đạt lý, nhận được sự đồng thuận cao”, chị Tuyết tâm sự.

Vừa làm tốt công tác chuyên môn, trong vai trò lãnh đạo, chị luôn quan tâm động viên đời sống cán bộ, đồng nghiệp cấp dưới, nhất là những cán bộ ở vùng xuôi mới chuyển lên. Chị luôn là người đi đầu trong các phong trào của đơn vị. Nhờ vậy, tạo được sự đoàn kết, đồng thuận cao trong cơ quan.
Sự hy sinh thầm lặng

Ít ai biết rằng, thời gian mà chị Tuyết gắn bó với mảnh đất Sơn Tây cũng chính là thời gian chị phải chấp nhận cuộc sống xa chồng, xa con. Chị Tuyết kể: “Mình và chồng quen nhau khi còn là sinh viên. Anh là người TP.Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường, tôi quyết định quay trở về phục vụ quê hương. Và dù cách xa nhau cả nghìn cây số, nhưng cả hai vẫn dành cho nhau tình cảm sâu đậm và quyết định đi đến hôn nhân. Thế nhưng, thời gian hai vợ chồng bên nhau rất ít, vì sau khi kết hôn mình tiếp tục công tác tại mảnh đất ngàn cau, còn anh vẫn sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh. Chỉ có những ngày Tết hoặc ngày lễ, mình mới vào thăm anh và con được vài ngày. Những lúc nhớ con, nhớ chồng mình chỉ biết mang những tấm ảnh ra nhìn rồi khóc”.

Ngày tôi gặp chị, chị đang đi cặp nạn gỗ do tai nạn gãy chân trong một lần đi công tác. Chị kể, do bị gãy chân nên việc đi lại, sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn, chị không thể tự lo cho bản thân, trong khi người thân không có, nên chồng chị phải sắp xếp công việc về chăm sóc. Đứa con gái của anh chị đang học lớp 4 ở TP.HCM cũng xin chuyển trường về học tại xã Sơn Dung.

Qua từng câu chuyện của chị Tuyết, người đối diện luôn cảm nhận được sự hy sinh mà chị và gia đình đã trải qua, để mang lại sự công bằng, bình yên cho người dân Sơn Tây.


Bài, ảnh: MINH TRIỀU

------------------
*Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”
 


.