Không để phạm tội vì thiếu hiểu biết pháp luật

08:04, 04/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thanh thiếu niên là lớp người đang trong giai đoạn phát triển về tâm sinh lý. Do đó, trong cuộc sống đôi lúc dễ xảy ra tình trạng mất cân bằng trong cảm xúc, phản ứng vô cớ, xuất hiện những hành vi bất thường... Nếu thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình, xã hội và tiếp xúc với môi trường có nhiều hành vi bạo lực... thì lứa tuổi này có nguy cơ phạm tội rất cao.
 
Những tội phạm trẻ

Khi phạm tội, em N. (TP.Quảng Ngãi) có tuổi đời còn rất trẻ. Đau xót nhất là, người bà của N. dù đã ngoài 80 tuổi nhưng phải chứng kiến người cháu của mình đối diện với mức án trên 5 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Trước đó, N. cũng đã có tiền án về tội này. Hoàn cảnh của N. khá éo le. Cha mẹ và anh trai đều đi tù, nên N. chẳng có ai quan tâm, dạy bảo. Người bà thì tuổi cao, sức yếu không sao quản được đứa trẻ đang tuổi mới lớn và hằng ngày phải đối diện với nhiều cám dỗ trong xã hội. Để có tiền tiêu xài, N. đã phạm tội trộm cắp và giờ đang chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Đối tượng phạm tội là thanh, thiếu niên ngày càng gia tăng.
Đối tượng phạm tội là thanh, thiếu niên ngày càng gia tăng.


Với các huyện miền núi của tỉnh, nơi có những cám dỗ không nhiều, nhưng trong vài năm gần đây, tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội lại có chiều hướng gia tăng. Điển hình là vụ án cướp tài sản xảy ra gần đây do 7 trẻ vị thành niên ở xã Sơn Long (Sơn Tây) gây ra, để lại nhiều lo ngại cho xã hội. Ở nơi xa xôi ấy, điều kiện tiếp nhận và hiểu biết pháp luật của người dân nói chung, thanh thiếu niên nói riêng còn nhiều hạn chế. Vì thế, những đứa trẻ này đã uy hiếp người khác xin 150.000 đồng để có tiền ăn nhậu. Hành vi đó của các em chắc chắn sẽ bị  pháp luật trừng phạt.

Không những xâm phạm đến tài sản của người khác, một số thanh, thiếu niên còn gây ra những vụ án xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng con người, như vụ án cố ý gây thương tích do P.T.D, ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức) gây ra. Chỉ có mâu thuẫn nhỏ, nhưng vì suy nghĩ nông cạn mà D. đã dùng dao đâm bạn mình trọng thương. Tìm hiểu hoàn cảnh của D. chúng tôi được biết, D. sống trong gia đình có điều kiện kinh tế, nhưng do ham chơi game nên nghĩ học sớm. Trong khi đó, gia đình thiếu sự quan tâm, nên D. thoải mái giao du với những đối tượng xấu, dẫn đến có những hành vi vi phạm pháp luật.

Trang bị kiến thức pháp luật cho thanh, thiếu niên

Theo đại diện Trung tâm Trợ giúp pháp lý Quảng Ngãi, những năm qua, trên địa bàn tỉnh, số vụ vi phạm pháp luật hình sự của lứa tuổi thanh, thiếu niên ngày càng gia tăng và mức độ phạm tội có tính nghiêm trọng hơn. Do đó, các cấp, ngành, đoàn thể cần có giải pháp để hạn chế những vụ vi phạm pháp luật do lứa tuổi này gây ra; tạo điều kiện cho các em có hoàn cảnh gia đình không may mắn có điều kiện học tập, vui chơi lành mạnh.

Mới đây, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án "Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2010 - 2015" đến năm 2020. Theo đó, phấn đấu 100% thanh niên là công chức, viên chức, người lao động; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang được tuyên truyền, phổ biến về các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý, về quyền, nghĩa vụ công dân; chính sách, pháp luật về thanh, thiếu niên. Đến năm 2020, có từ 60 - 90% thanh, thiếu niên được tuyên truyền, phổ biến giáo dục, pháp luật trong các lĩnh vực liên quan đến quyền, nghĩa vụ và đời sống, công việc của từng đối tượng...

Bài, ảnh: HOÀNG ANH
 


.