Khó khăn trong quản lý đê điều

09:04, 23/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hệ thống đê xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở; lực lượng quản lý đê quá mỏng... là những tồn tại khiến công tác quản lý đê điều trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh phân bố trên diện rộng, với nhiều tuyến đê xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, đặt ra nhiều thách thức cho công tác hộ đê, đảm bảo an toàn cho đê, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chưa có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, nên tỉnh không thành lập lực lượng quản đê chuyên trách, còn lực lượng quản đê nhân dân thì 13/13 xã có đê đã xây dựng được lực lượng, nhưng tổng số chưa đến 20 người. Lực lượng mỏng, lại chưa được đào tạo, tập huấn về chuyên môn, kỹ thuật, nên việc phát hiện, xử lý các hư hỏng, đảm bảo an toàn cho đê vẫn còn chậm và lúng túng.

Công trình xây dựng xâm phạm hành lang an toàn tại tuyến đê kè Hòa - Hà.
Công trình xây dựng xâm phạm hành lang an toàn tại tuyến đê kè Hòa - Hà.


Trưởng Ban Quản lý đê nhân dân xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) Phạm Hùng Huynh trăn trở: “Cả xã có khoảng 4km đê kiên cố và đê đất, nhưng ban quản lý đê chỉ có 2 người. Chúng tôi vừa phải túc trực xả cống tiêu thoát lũ, kiểm tra mực nước, sự an toàn của đê; vừa phải giám sát để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm như khoan giếng, đổ cát sạn, xây nhà, chạy xe quá tải... trong phạm vi đê điều”.
 

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, toàn tỉnh hiện có gần 90km đê sông, đê biển và đê cửa sông, nhưng các tuyến đê chủ yếu mang tính chất tạm thời, rất nhiều tuyến đê đất được thi công từ năm 1989 trở về trước, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng...

Tại xã Phổ Vinh (Đức Phổ), nơi có nhiều  tuyến đê xung yếu dọc sông Trường, nhưng đội quản lý đê nhân dân của địa phương chỉ có 2 người, do cán bộ của UBND xã kiêm nhiệm. Mỗi mùa mưa bão, Phổ Vinh luôn là địa phương có hàng loạt diện tích lúa, hoa màu cùng nhà cửa của người dân bị ngập và thiệt hại do lũ sông Trường.

Là lực lượng tiên phong bảo vệ đê điều trong mỗi mùa mưa bão, nhưng những người làm công tác hộ đê nhân dân chỉ được hưởng mức trợ cấp khoảng 1 triệu đồng/tháng; những chế độ chính sách khác như BHYT, BHXH đều chưa có.

Một khó khăn hiện nay nữa là, tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê điều diễn ra tràn lan. Cụ thể là, xây nhà tạm, làm bãi tập kết vật liệu, nuôi trồng thủy sản... trong phạm vi hành lang bảo vệ đê, như tại đê kè Hòa - Hà, dù hành lang bảo vệ đối với đê không được nhỏ hơn 5m tính từ chân đê trở ra về phía sông và phía đồng, nhưng ngay sát thân đê này, người dân vẫn “vô tư” làm hồ nuôi tôm, xây dựng nhà tạm, nhà bán kiên cố.

Trưởng Phòng Quản lý thiên tai (Chi cục Thủy lợi tỉnh) Bùi Đức Thái cho biết: Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 02 quy định về cấp giấy phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tất cả các hoạt động từ khoan, đào để khai thác nước ngầm trong phạm vi 1km từ bên ngoài của phạm vi bảo vệ đê điều; để vật liệu, đào ao, giếng ở bãi sông... các tổ chức, cá nhân đều phải trình thủ tục, xin cấp phép theo quy định. Quyết định này có hiệu lực từ tháng 1.2018. Đây được xem là cơ sở pháp lý để quản lý, bảo vệ hệ thống đê điều.


Bài, ảnh: Ý THU


 


.