"Cất cánh" từ con đường Đông Trường Sơn

04:04, 20/04/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Đường Đông Trường Sơn hình thành đã có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với đời sống người dân, nhất là đối với đồng bào Cadong ở xã Sơn Long, huyện Sơn Tây nơi có con đường đi qua. Diện mạo nơi đây đang ngày một khởi sắc hơn. 

TIN LIÊN QUAN

Từ trung tâm huyện đi qua xã Sơn Dung, chúng tôi tìm đến xã Sơn Long, một trong những địa phương được hưởng lợi từ con đường Đông Trường Sơn. Chiếc xe chạy băng trên những cung đường bê tông thẳng tắp, lướt nhanh qua những ruộng keo xanh bạt ngàn, cánh đồng lúa bậc thang nằm dọc ven đường và những ngôi nhà đang được lợp ngói đỏ. 
 
So với nhiều năm trước đây, diện mạo của địa phương, cuộc sống của người dân đã có nhiều đổi thay. Trong không khí chào đón ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, càng khiến đồng bào Cadong trở nên phấn khởi hơn khi được sống cạnh và hưởng lợi từ con đường lịch sử của cách mạng. 
 
Trước đây, từ trung tâm huyện về với xã Sơn Long đó là một quảng đường gian nan, đầy khó khăn, thử thách. Trong những câu chuyện bà con kể lại, khó khăn nhất vẫn là phát triển kinh tế. Cây lúa, cây keo trồng ra không có thị trường tiêu thụ. Có năm được mùa, được giá, tư thương sẵn lòng đến tận nơi để thu mua nhưng lại ép giá, chỉ vì điều kiện đi lại khó khăn.
 
Đường Đông Trường Sơn đi qua xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.
Đường Đông Trường Sơn đi qua xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.
 
 
“Còn hôm nay, bà con vô cùng phấn khởi, trồng cây, con gì cũng thuận lợi. Đường sá đi lại dễ dàng. Chúng tôi chỉ cần chạy một mạch là tới trung tâm huyện để bán các mặt hàng nông sản. Nơi nào trả giá cao hơn thì mình bán, không còn phụ thuộc thương lái như trước nữa. Việc mua bán, trao đổi hàng hóa vì thế mà thuận lợi hơn”, anh Đinh Văn Bôi,  thôn Mang Hin, xã Sơn Long chia sẻ. 
 
Có đường, niềm vui kéo theo được nhân lên. Điện về với những ngôi làng. Những ngôi nhà xiêu vẹo, đơn độc ở các ngôi làng xa xôi đã được người dân thay thế bằng những ngôi nhà kiên cố hơn, “di chuyển” về sống tập trung ở dọc con đường, các khu dân cư. 
 
Câu chuyện giáo dục ở vùng cao và tương lai của thế hệ trẻ ở đây được quan tâm. Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Sơn Long- thầy Võ Duy Tin kể lại, còn nhớ năm nào để vận động học sinh ra lớp, các thầy cô phải đi cả ngày trời. Nhiều hôm đến nơi, trời đã chập choạng tối còn không gặp được học sinh, phụ huynh. Công tác giáo dục ở vùng cao gặp muôn ngàn trở ngại. Tỉ lệ học sinh ra lớp chỉ chiếm từ 50-60%, còn lại là học giã gạo, bỏ học. 
 
Từ ngày giao thông được kết nối, từ con đường lớn đã mở ra nhiều tuyến đường nhỏ liên thôn, xóm, tạo điều thuận lợi cho con em trong việc đến trường. Học sinh ra lớp ngày càng đông, ở 3 bậc học đều chiếm 98% mỗi năm. Cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp được đầu tư khang trang, đội ngũ giáo viên ngày càng nâng cao. 
 
 
Từ đường Đông Trường Sơn đã hình thành nên nhiều con đường nhỏ đi vào các khu dân cư. Việc đi lại của người dân cũng như chuyện học hành của con em ở đây ngày một tốt hơn.
Từ đường Đông Trường Sơn đã hình thành nên nhiều con đường nhỏ đi vào các khu dân cư. Việc đi lại của người dân cũng như chuyện học hành của con em ở đây ngày một tốt hơn.
 
Chất lượng đời sống của người dân cũng ngày càng được nâng cao đã tạo thêm động lực và khí thế để đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây phát huy được các nội lực của mình. 
 
Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho biết: “Khi mới tái lập xã vào năm 2008 tỉ lệ hộ nghèo ở xã Sơn Long chiếm đến gần 80%. Từ khi có con đường Đông Trường Sơn đi qua đã tạo động lực để kinh tế, xã hội ở địa phương ngày càng phát triển hơn. Chỉ tiêu về kinh tế xã hội liên tục tăng trưởng, năm sau luôn cao hơn năm trước. Đời sống văn hóa, dân trí của người dân cũng thay đổi rõ nét. Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo giảm đi đáng kể, chỉ còn 52,41%.
 
Đường Đông Trường Sơn nằm ở dải phía đông dãy núi Trường Sơn với điểm đầu là thị trấn Thạnh Mỹ, thuộc huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), điểm cuối là TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Tuyến đường đi qua 7 tỉnh gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk, Lâm Đồng, có chiều dài 671 km, với tổng mức đầu tư hơn 10.015 tỷ đồng, được sử dụng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Chủ đầu tư là Bộ Tổng tham mưu. Đây là dự án có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng.
 
Tại Quảng Ngãi, đường Đông Trường Sơn có chiều dài khoảng 40km qua huyện Sơn Tây. Từ con đường này, nhiều tuyến đường được kết nối từ đây nối liền các khu vực còn khó khăn, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giúp đồng bào Cadong có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống, nhất là các xã Sơn Mùa, Sơn Bua, Sơn Long…
 
Đồng bào Cadong trồng cây lúa, cây keo, cây mì không còn phải lo tư thương ép giá. Điều kiện đi lại dễ dàng việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của người dân trở nên dễ dàng hơn.
Đồng bào Cadong trồng cây lúa, cây keo, cây mì không còn phải lo tư thương ép giá. Điều kiện đi lại dễ dàng việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của người dân trở nên thuận lợi.
 
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven, song song với phát triển kinh tế xã hội, phát huy lợi thế của đường Đông Trường Sơn về lâu dài, huyện đã có kế hoạch đẩy mạnh phát triển du lịch ở địa phương, với các danh lam thắng cảnh, đặc sản ẩm thực nổi tiếng, truyền thống văn hóa đặc sắc.
 
"Điều kiện giao thông thuận lợi với tuyến đường Đông Trường Sơn đi qua, từ Sơn Tây, huyện cũng sẽ tổ chức kết nối với tuyến du lịch Lý Sơn, Sa Huỳnh và thị trấn Măng Đăng, thuộc huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum… để thu hút khách du lịch về với huyện nhà nhiều hơn", ông Ven nhấn mạnh. 
 
Bài, ảnh: G.N
 

.