Tiền tỷ đổ biển, ai chịu trách nhiệm?

02:03, 15/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Được đầu tư 15 tỷ đồng, kè chống sạt lở bờ biển thôn Thạnh Đức 1, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) chưa nghiệm thu đã bị sóng đánh vỡ tan hoang.
 
Để khắc phục hư hỏng trên và tiếp tục nâng cấp công trình, Sở NN&PTNT dự toán kinh phí cần khoảng 9,5 tỷ đồng.

TIN LIÊN QUAN

Chưa nghiệm thu... đã vỡ

Nhiều năm qua, các khu dân cư bên bờ biển xã Phổ Thạnh thường xuyên bị triều cường uy hiếp. Tại thôn Thạnh Đức 1, triều cường xâm thực sâu vào khu dân cư khiến người dân luôn nơm nớp lo sợ. Cuối năm 2014, UBND tỉnh đầu tư 8 tỷ đồng từ nguồn thu vượt thu dự toán HĐND tỉnh cho dự án Kè chống sạt lở bờ biển thôn Thạnh Đức 1. Tổng kinh phí dự án sau đó được điều chỉnh lên 15 tỷ đồng, do Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện Đức Phổ làm chủ đầu tư.

Dù chưa nghiệm thu, nhưng nhiều đoạn kè đã vỡ tan hoang.
Dù chưa nghiệm thu, nhưng nhiều đoạn kè đã vỡ tan hoang.


Theo thiết kế, kè dài 300m, mục tiêu đảm bảo an toàn cho 60 hộ dân trong vùng chịu ảnh hưởng của sạt lở, trong đó có 20 hộ dân với khoảng 105 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp. Dự án được triển khai năm 2015, tuy nhiên đến cuối năm 2016 và đầu năm 2017, kè này vẫn chưa hoàn thành và nghiệm thu thì đã bị sóng đánh tan hoang. Nhiều đoạn kè bị vỡ, sụt lún, một số đoạn bê tông bị vỡ thành từng mảng.
 
Trách nhiệm thuộc về ai?

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, ngày 18.1.2018, Sở NN&PTNT đã tiến hành kiểm tra hiện trường và làm việc với UBND huyện Đức Phổ. Qua ý kiến của các bên dự họp, Sở NN&PTNT đã bước đầu xác định nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất giải pháp khắc phục hư hỏng công trình kè chống sạt lở ở thôn Thạnh Đức 1.

Theo Sở NN&PTNT, tình trạng hư hỏng của kè là do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh tăng cường, áp thấp nhiệt đới trong tháng 11 - 12.2016, đặc biệt là do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 9 (Tokage), biển động rất mạnh, triều cường dâng cao làm hư hỏng, xói lở đất đắp và cát của thân kè dẫn đến sụp các cấu kiện lát mái. Hơn nữa, điều kiện thi công các công trình khó khăn như: Đường phục vụ thi công và mặt bằng thi công còn vướng mắc trong công tác bồi thường, mưa kéo dài, điều chỉnh bản vẽ thiết kế thi công hạng mục chân kè cho phù hợp với hiện trạng địa chất chân khay kè, nên thời gian thi công kéo dài. Đất đắp nền và cát đắp ở các đoạn kè vừa mới thi công chưa đủ thời gian cố kết để tăng khả năng ổn định nền thân kè.

Sở NN&PTNT cho rằng, chủ đầu tư chưa quyết liệt trong chỉ đạo và có giải pháp xử lý kịp thời những hư hỏng nhỏ ban đầu để ngăn ngừa hư hỏng lây lan. Đồng thời chưa quyết liệt  chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung nguồn lực tài chính, thiết bị, xe máy để thi công công trình, dẫn đến kéo dài thời gian. Để xảy ra hư hỏng kè có trách nhiệm lớn của nhà thầu thi công; trong đó, nhà thầu thi công kéo dài, chậm tiến độ theo kế hoạch được duyệt, dẫn đến công trình cố kết chưa ổn định, nhiều hạng mục thi công chưa đảm bảo kỹ thuật; khi xảy ra sự cố thì không khắc phục kịp thời. Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng chỉ ra khuyết điểm của các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế.

Về hướng khắc phục hậu quả, Sở NN&PTNT đề xuất, cho phép khảo sát, thiết kế điều chỉnh, bổ sung công trình và khắc phục hư hỏng, nâng cấp công trình trong năm 2018 để đảm bảo bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ quan tư vấn thiết kế chịu trách nhiệm và tự bỏ vốn để đo đạc thực tế hiện trường; khảo sát và thiết kế điều chỉnh bổ sung đảm bảo công trình an toàn bền vững, lâu dài.

Nhà thầu thi công chịu trách nhiệm và tự lo kinh phí để thực hiện các phần việc: Đắp đất thân kè và tạo mái, tháo dỡ và lắp đặt cấu kiện bê tông lát mái của công trình đúng hiện trạng ban đầu theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt và phù hợp với thiết kế điều chỉnh, bổ sung để khắc phục, nâng cấp công trình. Riêng cơ quan tư vấn giám sát tự bỏ vốn và chịu trách nhiệm giám sát kỹ thuật thi công công trình theo quy định phần khắc phục hư hỏng.
 

Bài, ảnh: HOÀNG ANH

 


.