Nữ phu cá

04:03, 28/03/2018
.

(Baoquangngai.vn) – Biển đêm tối mịt mùng. Xa xa, xuất hiện những đốm sáng lấp lánh từ phía chân trời, không ai bảo ai, hàng trăm nữ phu cá đang ngồi co ro trong sương lạnh tản ra hướng về phía biển. Họ bắt đầu một ngày làm việc cực nhọc từ lúc 1 giờ sáng. 
 
 
Nhọc nhằn nữ phu cá
 
Hơn 1 giờ sáng. Không gian đêm tĩnh mịch ở cảng cá Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi) bị xé toạc bởi tiếng còi tàu giã mướp đầu tiên cập bến, tiếng xe ba gác máy, xe máy nổ lụp bụp, những bước chân hối hả, người gọi nhau í ới, ngã giá bán mua, hối hả đưa cá vào bờ… Cuộc mưu sinh nơi đây bắt đầu một ngày mới như thế.
 
Tôi chen chân vào dòng người hối hả bắt chuyện với chị Nguyễn Thị Liên, thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ, người có thâm niên bốc vác hơn 20 năm, khi chị vừa chèo chiếc ghe chở đầy ắp cá cơm, cá nục từ thuyền lớn cập bờ vát xuống giao hàng cho tiểu thương. 
 
Quần áo ướt sũng, tanh nồng mùi cá, đưa tay sửa lại cái mũ lụp xụp trên đầu, chị Liên bảo: “Bất cứ lúc nào, hể có thuyền về là tui ra. Giữa đêm khi con cái đang ngon giấc, mình lại lục đục thức dậy ra biển. Cứ thế, có ngày quần quật chèo ghe khuân vác đến 2 tấn cá. Khi nào hết việc mới về. Rán làm kiếm tiền cho con ăn học chứ nó làm như mình sao nổi?”.
 
Ở cảng cá Tịnh Kỳ, có tới vài trăm phụ nữ tần tảo với nghề phu cá, người chèo ghe khuân vác cá, mực, tôm vào bờ, người bưng cá, gánh cá, chở cá thuê cho các tiểu thương để có tiền trang trải cho gia đình. Hầu hết họ là những người lao động nghèo đến từ các xã Tịnh Kỳ và các xã lân cận. 
 
 
Nữ phu cá ở cảng cá Tịnh Kỳ.
Nữ phu cá ở cảng cá Tịnh Kỳ.
 
Nhiều người vẫn ví von họ là “thợ đụng”, đụng đâu làm đó, ai thuê gì làm nấy. Phương tiện lao động của những nữ phu cá không có gì ngoài tấm lưng còng, chân mang ủng, đôi bàn tay rắn rỏi như đàn ông cùng chiếc ghe nhỏ hay chiếc đòn gánh.
 
Bà Phương, ở xã Bình Phú (Bình Sơn) dù đã ngấp ghé tuổi lục tuần, cái tuổi lẽ ra được nghỉ dưỡng nhưng bà vẫn lao động quần quật ở bến cá. Bà đã làm công việc này từ thời con gái. Đến khi lấy chồng về xã Bình Phú vẫn quay về quê gánh cá mưu sinh. Đêm mưa cũng như ngày nắng, bà dầm mình ngoài bến cá cả đêm lẫn ngày. 
 
Bà Phương cười khì khì nói. “Quanh năm vác cá, nước cá, máu cá thấm vào người nên tắm kiểu gì cũng không hết mùi, riết rồi thành quen. Biết là cực lắm nhưng không làm thì lấy gì mà ăn? Muốn ăn phải lăn vô bếp, còn khỏe còn làm. Ngày gánh cả tấn cá vai chai sần u lên như lực sĩ”.
 
Công việc vất vả, nặng nhọc, mùi cá tanh nồng, nhiều hôm mưa xối xả gánh cá chạy té ngã, phải ngồi bới cát, bới rác hốt lại từ đầu. Người khỏe thì khuân vác một mình, chị nào ốm yếu hay tuổi cao sức yếu  thì hợp sức nhau 2 người khuân, gánh một giỏ cá.
 
Mong cá mãi đầy khoang
 
Bê, vác, gánh 1 giỏ cá nặng 15 kg, họ được trả thù lao 2.000 đồng, vị chi vận chuyển được 1 tấn cá mới kiếm được 130.000 đồng. Thế nên nhiều người làm tối mặt cả ngày chỉ được 80.000 đồng đến 100.000 đồng.
 
 

Tuy vắt kiệt sức để làm nhưng tiền công ít ỏi.
 
Tuy vắt kiệt sức để làm nhưng tiền công ít ỏi. Dù tiền công có rẻ mạt nhưng những nữ phu cá vẫn tranh nhau tranh thủ hết thời gian, sức khỏe để gánh cá. Có người ngày gánh cả mấy trăm giỏ cá bước đi siêu vẹo để đổi lấy vài chục nghìn đồng và ít cá về ăn. 
 
“Đấy là hôm trời đẹp biển lặng cá về nhiều, biển động, gió bão, mùa đông tàu không ra khơi thì trắng tay. Ngày nào người sạch sẽ, không “tắm” nước cá là ngày đó coi như đói. Người làm thuê lúc nào cũng mong tàu về đầy khoang để được gánh cá” - bà Phương mệt mỏi chia sẻ. 
 
Nói vừa xong bà Phương lại tất bật chèo ghe ra thuyền lớn để vác cá vào bờ vì thương lái hò hét. Dù mệt vẫn gắng làm vì không làm lại có người khác chen vào vào ngay. cãi cọ, xô xát giành mối làm ăn là chuyện thường ở bến cá, tất cả cũng bởi hai chữ mưu sinh.
 
Bình minh ló dạng là thời điểm cao trào của bến cá. Hết thuyền này họ lại sang thuyền khác, lại tất bật với công việc khuân, vác cá. “Tới tàu 44, nhanh lên, nhanh lên, mai biển nổi gió rồi!”, tiếng một phu cá vang vọng. Sống ở biển, phận người, cuộc mưu sinh của con người xứ biển cũng nương theo con nước biển đông.
 
 
 
Bài, ảnh: A.KIỀU
 
 

.