Về với mái ấm tình thương

10:01, 01/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những đứa trẻ bất hạnh được nuôi lớn bằng tình yêu thương của những người chẳng phải ruột thịt. Tình yêu ấy như dòng chảy của con sông không bao giờ cạn, để rồi những đứa trẻ bất hạnh năm nào lại sưởi ấm cho những người đồng cảnh ngộ.

TIN LIÊN QUAN

Chuyện người anh cả

Xấp nhỏ ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh gọi anh Nguyễn Văn Thuận (33 tuổi) là "anh cả". Dù bận rộn với công việc, nhưng tháng nào anh Thuận cũng đưa vợ và con gái về thăm trung tâm. Đối với anh Thuận, trung tâm là nhà, là nơi đầy ắp tình thương, bởi lẽ anh được nuôi lớn từ mái ấm này. Chuyện về "anh cả" Thuận luôn được các bà, các mẹ ở trung tâm kể cho lớp nhỏ nghe, vừa là niềm tự hào, vừa có ý giáo dục lớp nhỏ noi theo.

Anh Thuận thường xuyên về thăm trung tâm và được các em nhỏ ở đây xem như người anh cả. Ảnh: Đ.S
Anh Thuận thường xuyên về thăm trung tâm và được các em nhỏ ở đây xem như người anh cả. Ảnh: Đ.S


Năm đó, Thuận lên 5 tuổi, ba mẹ qua đời vì tai nạn giao thông. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nên ông bà nội gửi Thuận vào trung tâm để tiếp tục đến trường. Thuận chăm chỉ học tập để không phụ lòng tận tình dạy bảo của các mẹ. Anh tốt nghiệp Trường Đại học Quy Nhơn với tấm bằng giỏi ngành lọc hóa dầu và hiện đang công tác tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Anh Thuận tâm sự: "Bây giờ nhìn lại chặng đường đã qua, khó khăn vất vả rất nhiều, nhưng bên cạnh tôi luôn có sự động viên, ủng hộ của các má. Với tôi, trung tâm là nhà".

Anh Thuận hết lòng giúp đỡ các em nhỏ ở trung tâm. Nhiều em đang học đại học, cao đẳng gặp khó khăn trong cuộc sống, anh sẵn sàng giúp đỡ. "Tôi luôn ấp ủ lập một nguồn quỹ tiếp sức cho những em đang ở trong trung tâm có thành tích học tập tốt, để mai này các em yên tâm vào đại học. Trong thời gian đến, tôi sẽ hoàn thiện dự định đó", anh Thuận chia sẻ.

Người mẹ của trẻ mồ côi   

Nhắc đến chị Lê Thị Hạnh, mọi người ở trung tâm đều thương và khen ngợi sự cần cù, chịu khó. Công việc vất vả đến mấy vẫn chưa từng nghe chị than phiền. Từ lúc 1 tuổi chị đã mồ côi cha mẹ và vào sống ở trung tâm, lớn lên bằng tình yêu thương của các bà, các mẹ, nên chị luôn xem họ như những người thân trong gia đình. "Tôi được các mẹ ở trung tâm nuôi dưỡng, chỉ bảo học hành đến nơi đến chốn. Sau khi tốt nghiệp Đại học Phạm Văn Đồng, dù biết công việc ở đây vất vả, nhưng tôi vẫn quyết định về đây công tác để được chăm sóc các bà, dìu dắt các em như tôi đã từng lớn lên trong mái ấm này", chị Hạnh tâm sự.

Cứ 6 tháng, chị Hạnh lại chuyển đổi công việc, lúc thì chăm sóc các cụ, lúc lại chăm các cháu nhỏ. Đối với những cụ già yếu, chị Hạnh cùng với các chị ở trung tâm thay phiên nhau tắm rửa, đút cơm cho các cụ. Khi chăm sóc cho các em nhỏ, chị trở thành người mẹ của các em. Chị luôn dặn lòng phải yêu thương các em nhiều hơn, để bù đắp nỗi bất hạnh mà các em phải trải qua. Mỗi ngày, trong căn phòng nhỏ, lũ trẻ ngồi quây quần bên má Hạnh, kể cho má nghe chuyện ở trường. "Sống và lớn lên ở trung tâm, tôi chưa bao giờ thấy cô đơn, bởi tình người nơi đây luôn bền chặt", chị Hạnh trải lòng.

ĐĂNG SƯƠNG

 


.