Thiếu sự quan tâm từ gia đình, trẻ dễ phạm tội

02:01, 20/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)-  Thời gian gần đây, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa và đặc biệt là tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên ngày càng gia tăng. Các hành vi vi phạm pháp luật của lứa tuổi này không kém phần phức tạp, gây bức xúc trong đời sống xã hội và nhiều gia đình.

TIN LIÊN QUAN

Bi kịch từ “gia đình khuyết”

Theo anh Đoàn Nhật Nam- Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh (Sở Tư pháp), tham gia tố tụng từ những vụ án có trẻ vị thành niên phạm tội cho thấy, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của trẻ xuất phát chủ yếu từ góc độ gia đình.

Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, đối tượng ngày càng trẻ hóa, nhất là lứa tuổi vị thành niên.
Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, đối tượng ngày càng trẻ hóa, nhất là lứa tuổi vị thành niên.

Có thể chia người trẻ phạm tội vào ba nhóm tội, đó là: Nhóm tội xâm phạm sở hữu; nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe và nhóm tội xâm phạm an toàn trật tự công cộng. Về góc độ gia đình, hầu hết trẻ vị thành niên phạm tội xuất thân từ gia đình có khó khăn về kinh tế, cha mẹ lo làm ăn, thiếu sự quan tâm đến các mối quan hệ của con. Một số trẻ do cha mẹ ly hôn hoặc cha, mẹ đã qua đời. Việc thiếu quan tâm từ phía gia đình dẫn đến trẻ tiếp xúc với nhiều môi trường không lành mạnh, dễ bị cám dỗ bởi các phần tử xấu, hoặc có thể bị mê hoặc bởi những lợi ích, do hoàn cảnh khó khăn.

Anh Nam cho rằng, gia đình ảnh hưởng khá nhiều đến việc trẻ vị thành niên phạm tội. Đó là do thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình, hay được cha, mẹ nuông chiều quá mức; do hoàn cảnh sống khó khăn và do tâm lý ngại chia sẻ với con cái. Đồng thời, sự rạn nứt trong quan hệ hôn nhân của cha mẹ đã khiến cho các em có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống. Trong khi đó, môi trường xã hội có nhiều cám dỗ, việc giáo dục kỹ năng cho học sinh trong nhà trường còn nhiều bất cập.


Hậu quả của sự thiếu quan tâm

Trường hợp Nguyễn Duy T, ở huyện Đức Phổ nhắc nhở các bậc cha, mẹ về sự quan tâm đến con cái. Cha mẹ T làm nông nghiệp và buôn bán lẻ ở chợ. Cha của T ở xã Phổ Ninh, mẹ thì làm nghề may ở thị trấn Đức Phổ, còn T ở với ông bà ngoại, trong khi ông bà đã ngoài 75 tuổi. Vậy nên dù T có đi đâu, làm gì, khi nào về thì cũng chẳng ai quản lý. Chỉ đến khi bị bắt vì tội trộm cắp tài sản thì cha, mẹ T mới vỡ lẽ con mình thường đi chơi games và la cà các quán cà phê,  rồi trộm cắp tài sản để có tiền chơi games.

Có một số trường hợp trẻ được nuông chiều, dẫn đến ỷ lại. Trẻ thấy được điểm yếu của cha mẹ và dễ dàng “ăn vạ”, nếu như cha mẹ không đáp ứng. Vì thương con nhưng không đúng cách, các bậc cha mẹ đã vô tình đẩy con mình vào vết trượt dài. Như trường hợp của Hồ Tấn T, ở Đức Phổ, mới bị xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” và đang bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Cũng vì được cha mẹ thương, mua cho xe máy khi chưa đủ điều kiện để điều khiển và đó là phương tiện mà T có thể gặp, tụ tập bạn bè một cách dễ dàng và hậu quả là T phải đứng trước vành móng ngựa.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lê Chí Phương cho rằng, tuổi mới vừa thoát khỏi vỏ bọc “trẻ em” thì tâm lý khó kiểm soát với những suy nghĩ bồng bột, nông cạn. Trong khi kỹ năng sống và xử lý các tình huống phát sinh không có, dễ dẫn đến những lựa chọn sai lầm, cách cư xử không phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Để việc phòng ngừa trẻ vị thành niên phạm tội, trước hết là từ gia đình và chính gia đình là chủ thể của hoạt động này. Mỗi người làm cha, làm mẹ phải hiểu thấu đáo tâm lý tuổi vị thành niên, chủ động điều chỉnh mối quan hệ cho phù hợp. Cha mẹ cần sẵn sàng tâm sự, chia sẻ với các em, trợ giúp các em tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống. Cha mẹ phải chuẩn mực trong cuộc sống để là tấm gương sáng cho con cái noi theo.

Bài, ảnh: NG.TRIỀU
 


.