Nhọc nhằn nghề hái cau

03:01, 07/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những người làm nghề hái cau thường dùng nài (dụng cụ hình tròn làm từ dây thừng bện chặt) tròng vào chân rồi bám vào thân cau, thoăn thoắt trèo lên những cây cau cao chót vót. Cứ thế, họ rong ruổi khắp nơi mưu sinh với công việc vất vả, nguy hiểm này.

Những chuyến rong ruổi

Năm nay cau được giá nên số lượng người làm nghề hái cau tăng so với những năm trước. Bắt đầu đi hái cau từ khi mới 23 tuổi, ông Lê Văn Hùng ở thôn Hiệp Phổ Bắc, xã Hành Trung (Nghĩa Hành) đã có gần 20 năm trong nghề. Ông Hùng đã quen rong ruổi từ Nghĩa Hành đến Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa. “Trong đó, Nghĩa Hành và Tư Nghĩa là hai nơi có nhiều cau nhất. Lúc mới vào nghề, chưa quen với nhiều chủ vườn cau nên tôi chủ yếu đi mua dạo là chính. Còn bây giờ, tôi có trong tay gần 30 mối nhà vườn. Nhiều lúc hái không hết thì chia sẻ lại cho những người quen đến hái”, ông Hùng cho hay.

Dẫu công việc vất vả, nguy hiểm, nhưng nhiều người vẫn bám nghề hái cau để có thu nhập trang trải cuộc sống.
Dẫu công việc vất vả, nguy hiểm, nhưng nhiều người vẫn bám nghề hái cau để có thu nhập trang trải cuộc sống.


Cũng hơn 20 năm gắn bó với nghề hái cau, người hàng xóm của ông Hùng là ông Nguyễn Văn Tân đã quen thuộc những con đường từ Mộ Đức cho đến xứ ngàn cau Sơn Tây. Ông Tân cũng là bạn hàng quen thuộc với nhiều nhà vườn trồng cau. “Mua vườn” có ưu thế người chủ chỉ để dành cau bán cho người quen, đồng nghĩa với người mua phải bao mua trọn gói từ cau nhỏ đến những buồng cau đẹp", ông Tân nói. Vừa nói dứt câu, ông Tân vội tròng cái nài vào chân rồi thoăn thoắt như con sóc, ông trèo tới ngọn cau, dùng chiếc dao nhỏ cắt một nhát rồi giật cả buồng cau xuống...

Theo trưởng thôn Hiệp Phổ Bắc Lê Văn Danh: “Trong số 400 lao động ở thôn, có từ 170-180 người làm nghề hái cau. Họ vừa hái cau trong vườn nhà, vừa làm nghề rong ruổi mua cau khắp nơi. Vừa qua, giá cau đạt 20.000 đồng/kg đã mang lại thu nhập cho nhiều người”.

Nhọc nhằn lo cho con

Tuy là công việc mùa vụ, nhưng thời điểm cau lên giá, mỗi ngày những người làm nghề hái cau có thu nhập khá. Ông Tân cho hay: “Lần nhiều nhất tôi hái cau ở nhà ông Bốn Quang ở xã Đức Thắng (Mộ Đức) hơn 400 kg cau. Để có thể vận chuyển số lượng cau lớn như vậy, người hái cau có cách chất cau lên xe máy rất khéo léo, gọn ghẽ để những nhánh cau không đè lên nhau”.

Không chỉ vận chuyển nặng nhọc, bám theo công việc mưu sinh đầy vất vả, nguy hiểm, phải trèo những cây cau có khi cao chót vót, ông Tân kể không thể nào nhớ hết những lần bị kiến cắn, kể cả đối mặt với ong, rắn sống trên ngọn câu; nhiều lúc còn bị sướt chân do chủ nhà đóng đinh vào thân cau để mắc lưới nuôi gà. Thời vụ chính mùa cau từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, cũng là mùa mưa cho nên thân cau trơn trượt. Những người có kinh nghiệm thường chọn trèo những cây cau thân khô, còn những cây trơn để lại ngày nắng quay lại hái sau.

Bốn đứa con đều học giỏi, trong đó đứa lớn đang học Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh không chỉ là niềm vui mà còn là động lực để ông Tân có thêm sức mạnh trên con đường mưu sinh. Còn đối với ông Hùng, ba đứa con đều học đại học. Tính trung bình mỗi năm, vợ chồng ông Hùng gửi cho các con tổng cộng 90 triệu đồng lo chi phí ăn học, sinh hoạt. Nhờ nghề hái cau nên vợ chồng ông Hùng có thêm khoản tiền để gửi cho các con. Dẫu vậy nên dù vất vả, nguy hiểm, ông Tân, ông Hùng và những người làm nghề hái cau khác vẫn bám theo để có thu nhập nuôi dưỡng ước mơ cho các con.

Ông Trần Văn Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã Hành Trung cho biết: "Đây là nghề nguy hiểm nên chúng tôi thường xuyên tuyên truyền vận động người dân mua bảo hiểm y tế, toàn xã đạt 85% tỷ lệ mua bảo hiểm. Qua thống kê, trên toàn xã Hành Trung có khoảng 70ha cau, là một trong những địa phương có số lượng cau nhiều nhất huyện Nghĩa Hành. Cây cau không cần chăm sóc nhiều, nhưng được mùa được giá thì cau mang lại thu nhập cao. Tuy nhiên, giá cau thất thường, đầu ra không ổn định, nên để đảm bảo hiệu quả trồng trọt, tốt nhất người dân nên trồng xen canh cau với một số loại cây trồng khác như chuối, cỏ voi..." .


Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


.