Sơn Hà tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

02:11, 19/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mưa lũ đi qua, để lại hậu quả trên địa bàn huyện Sơn Hà khá nặng nề, mọi thứ vẫn còn ngổn ngang. Nỗ lực khắc phục hậu quả, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống là việc làm cấp bách, được huyện Sơn Hà đặc biệt ưu tiên hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

Thiệt hại nặng

Từ chiều ngày 3 - 8.11, do ảnh hưởng cơn bão số 12, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn, kéo dài trên diện rộng; mực nước lũ trên các sông Trà Khúc, sông Rin, sông Xà Lò, sông Re tương đương với mực nước lũ năm 2013. Trong cơn mưa lũ này, toàn huyện đã di dời gần 500 hộ dân ở vùng thường xuyên ngập lũ, sạt lở ở thị trấn Di Lăng và các xã Sơn Nham, Sơn Hải, Sơn Giang, Sơn Linh, Sơn Trung, Sơn Cao, Sơn Bao đến nơi an toàn, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Trong mưa lũ, huyện Sơn Hà đã bị mất điện hoàn toàn trên diện rộng, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, chỉ huy và thực hiện việc di dời dân.

Lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo khôi phục vùng rau sau lũ tại xã Sơn Trung.
Lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo khôi phục vùng rau sau lũ tại xã Sơn Trung.


Do ảnh hưởng của lũ lụt, huyện Sơn Hà có 1 nhà dân ở xã Sơn Trung bị sập hoàn toàn; 3 nhà chính bị sập, thiệt hại khoảng 50 - 70%; sạt vách, tốc mái 20 nhà; 26 nhà bị ngập sâu hơn 1m. Có 3 hộ dân ở Sơn Thượng phải di dời khẩn cấp. Tổng thiệt hại về nhà ở khoảng 500 triệu đồng. Tổng diện tích bị sa bồi thủy phá và diện tích hoa màu bị đổ ngã gần 540ha, trong đó sa bồi 279 ha, thủy phá 52ha. Hoa màu bị thiệt hại chủ yếu là mía, rau các loại, keo; gần 800 con gia cầm bị nước cuốn trôi; 8 con trâu, bò bị chết nước... Tổng thiệt hại về nông nghiệp gần 1,3 tỷ đồng.
 

“Đợt mưa lũ vừa qua, huyện Sơn Hà thiệt hại gần 42 tỷ đồng. Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, huyện Sơn Hà kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí khoảng 37 tỷ đồng để huyện tổ chức khắc phục thiên tai, đặc biệt khắc phục thiệt hại các lĩnh vực giao thông, thủy lợi”.
 Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà ĐINH THỊ THANH HƯỜNG
Thiệt hại nặng nề nhất tại Sơn Hà là đường giao thông, với 52 điểm sạt lở, gây ách tắc, tổng chiều dài gần 15.000m; khối lượng đất, đá sạt lở gần 30.000m3; tổng thiệt hại ước gần 35 tỷ đồng. Lũ qua, Sơn Hà có gần 1.500m kênh mương bị sạt lở nặng; 7 đập thủy lợi bị hư hỏng, 120m bờ kè sông, bờ suối bị sạt lở, cuốn trôi. Trong đó, kênh Tà Pa (Sơn Thượng) hư hỏng hoàn toàn; ước thiệt hại gần 3,7 tỷ đồng.
 
Các khu vực ngập lũ, cầu chìm ứ đọng khối lượng rác, cây cối cần phải xử lý, khắc phục rất lớn, ước kinh phí thực hiện khoảng 300 triệu đồng. Ngoài ra, có 81 giếng nước của các hộ gia đình bị ngập cần phải xử lý và 5 công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng cần khắc phục sửa chữa, với tổng kinh phí thiệt hại ước 1 tỷ đồng.

Qua đợt mưa lũ, trên địa bàn huyện đã xảy ra 22 khu vực sạt lở núi tại Làng Bồ (thị trấn Di Lăng) và núi Cà Và (xã Sơn Hải). Tại hai khu vực sạt lở núi này có 45 hộ dân, hiện đã được di dời đến nơi ở an toàn. Tuy nhiên, về lâu dài, việc xây dựng khu tái định cư để di dời số hộ dân này đến ở, tránh nguy cơ lở núi đang là nỗi khó khăn của cả chính quyền và người dân.

Chung tay giúp người dân vùng lũ

Nhiều ngày qua, UBND huyện Sơn Hà tập trung mọi nguồn lực, nhân lực, chỉ đạo khắc phục thiên tai gây ra. Huy động lực lượng, nhất là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ, công an viên khẩn trương tổ chức khắc phục thiệt hại sau mưa lũ, sửa chữa nhà ở bị hư hỏng, nhằm giúp bà con nhân dân sớm ổn định cuộc sống; vệ sinh, khử trùng giếng nước sinh hoạt; dọn dẹp môi trường, phòng chống dịch bệnh; khắc phục những điểm sạt lở, gây ách tắc giao thông. Tổ chức kiểm tra ngay các vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, có biện pháp di dời các hộ dân đến nơi an toàn, để đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân.

Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng, các trạm y tế xã và cử nhân viên giúp nhân dân trong việc vệ sinh, khử trùng giếng nước sinh hoạt, dọn dẹp môi trường, phòng chống dịch bệnh; có phương án đảm bảo cơ số thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh, đặc biệt ở những xã vùng ngập lũ, thường xuyên bị cô lập, chia cắt khi có lũ.
 

 

Điện lực Sơn Hà khắc phục sự cố, đóng điện kịp thời cho người dân trên địa bàn.
Điện lực Sơn Hà khắc phục sự cố, đóng điện kịp thời cho người dân trên địa bàn.
 
Bà Đinh Thị Thanh Hường -Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, cho biết: Huyện đang tập trung hỗ trợ kinh phí để các hộ dân có nhà sập, nhà hư hỏng nặng sửa chữa, kinh phí khoảng gần 100 triệu đồng; hỗ trợ gạo ăn, với 52 tấn cho hộ dân vùng lũ; tiêu độc, khử trùng giếng nước; vệ sinh môi trường... Với tinh thần khẩn trương, tận tình giúp người dân vùng lũ, khi mưa lũ đi qua 2 ngày (9.11), toàn bộ 14 xã, thị trấn của huyện Sơn Hà đã có điện trở lại. Đến nay, các tuyến đường trên địa bàn huyện đã được thông suốt, đảm bảo giao thông.

Cần sự trợ lực từ nhiều phía

Đây là đợt mưa lũ lớn trên diện rộng, song đến nay thiệt hại về người và tài sản của huyện Sơn Hà ở mức thấp nhất. Kết quả trên là nhờ, có sự chỉ đạo của lãnh đạo Huyện ủy, HĐND và UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, hội đoàn thể và UBND các xã, thị trấn chủ động phòng tránh, cũng như sự tham gia tích cực của người dân.

Trong suốt những ngày mưa lũ, lãnh đạo UBND huyện Sơn Hà trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo người dân phòng tránh, di chuyển người dân đến nơi an toàn. Sau lũ, ngoài kiểm tra việc khắc phục hậu quả tại các vùng xung yếu, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể trực tiếp xuống dân vùng lũ giúp đỡ nhân dân khẩn trương khắc phục thiệt hại sau lũ lụt; huy động nhân dân khẩn trương khắc phục diện tích đất bị sa bồi, thủy phá, chuẩn bị cho sản xuất vụ đông xuân năm 2017 - 2018.
 
Triển khai công tác thu dọn, đảm bảo vệ sinh môi trường và giao thông các tuyến đường trên địa bàn huyện. Đồng thời, triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát, nhằm phòng chống dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm tại những vùng bị ngập lụt. Đối với các vị trí có nguy cơ sạt lở, chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời dân trong trường hợp mưa lũ có thể tiếp tục xảy ra trong thời gian đến.

Theo lãnh đạo huyện Sơn Hà, trước mắt huyện cần 31 tỷ đồng để khắc phục giao thông các tuyến đường Di Lăng - Sơn Trung; Sơn Cao - Sơn Kỳ;  Sơn Hạ - Cà Tu - Xóm Đèo; Hà Bắc- Đèo Rơn; Mò O - Gò Da; Tà Ma - Mô Níc; sửa chữa các cầu Tà Man 2, Ruộng Viềng, Nước Bao 2... Khắc phục các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt: Nước sinh hoạt Trung tâm cụm xã Sơn Linh, kênh Nước Lác, kênh Tà Pa, kênh Xô Lô Sơn Trung, kênh đông hồ Di Lăng với tổng kinh phí 2,9 tỷ đồng.


Bài, ảnh: THANH NHỊ



 


.