Loay hoay trong xử lý chất thải rắn

02:11, 15/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay ở tỉnh ta, các vùng đô thị ngày càng mở rộng diện tích, quy mô dân số tăng, đồng thời nhiều KCN, cụm công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều, vì thế lượng chất thải rắn ngày càng phát sinh. Tỷ lệ thu gom rác ở các địa phương thực hiện khá tốt, nhưng việc xử lý chất thải rắn còn rất lúng túng.

TIN LIÊN QUAN

Nhiều năm nay, các địa phương trong tỉnh chủ yếu thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn và thành thị. Còn chất thải rắn (CTR) công nghiệp thông thường phát sinh tại các cơ sở sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các làng nghề... lâu nay phần lớn do các chủ nguồn thải thu gom và hợp đồng xử lý chung với chất sinh hoạt phát sinh ở cơ sở.

Theo thống kê, lượng CTR phát sinh trên địa bàn tỉnh năm 2016 ước tính 822 tấn/ngày (khu vực đô thị khoảng 413 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 383 tấn/ngày và CTR công nghiệp khoảng 25,4 tấn/ngày)... Tỉ lệ thu gom CTR sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt khoảng 75-80%, tại khu vực nông thôn chỉ đạt khoảng 40-50%.

Bãi chôn lấp rác thải và chất thải rắn Nghĩa Kỳ hiện đang trong tình trạng quá tải.
Bãi chôn lấp rác thải và chất thải rắn Nghĩa Kỳ hiện đang trong tình trạng quá tải.


Khối lượng CTR của tỉnh tăng mỗi năm, từ năm 2015 - 2016 đã tăng 172 tấn/ngày, nhưng lại thiếu các hạng mục công trình xử lý rác thải với công suất lớn. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT Cao Văn Cảnh, rác thải chủ yếu được xử lý bằng hình thức chôn lấp. Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 10 bãi chôn lấp và 2 khu xử lý CTR sinh hoạt bằng phương pháp đốt. Tuy nhiên, đa số các bãi chôn lấp này là các bãi chôn lấp thông thường và chưa đầu tư hệ thống xử lý nước rỉ rác (chỉ có 1/10 bãi chôn lấp có hệ thống xử lý nước rỉ rác).

Việc xử lý CTR ở tỉnh ta cho đến nay vẫn chủ yếu là đổ vào các bãi chôn lấp, không có sự kiểm soát mùi hôi và nước rỉ rác. Tại khu vực TP.Quảng Ngãi, một phần huyện Sơn Tịnh và Tư Nghĩa, CTR sau khi được thu gom, sẽ được đem đi xử lý tại bãi rác Nghĩa Kỳ. Đây được coi là bãi rác có tỷ suất đầu tư lớn.

Tại đây rác được xử lý tương đối triệt để và theo đúng tiêu chuẩn bằng phương pháp thông thường như cuốn ép, rắc vôi, sau đó chôn lấp tự nhiên. Tuy nhiên, hiện nay bãi rác Nghĩa Kỳ luôn trong tình trạng quá tải, vì phải tiếp nhận số lượng rác khổng lồ, khoảng trên 300 tấn/ngày, dự kiến sẽ chôn lấp đầy ô số 3 vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018 sẽ không còn chỗ xử lý rác.

Còn tại các thị trấn, rác thải được vận chuyển đến bãi rác và chỉ được xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp thủ công, chưa có quy trình xử lý phù hợp. Đa số bãi rác của các huyện là bãi rác tạm, chưa có quy hoạch hợp lý. Lượng rác sau thu gom tồn ứ tại các điểm chôn lấp, đang tiềm ẩn  nguy cơ ô nhiễm cao cho các đô thị.

Theo đánh giá của Chi cục Môi trường, chính quyền các địa phương triển khai quy hoạch quản lý CTR còn chậm. Nhiều điểm quy hoạch xử lý rác thải không còn phù hợp. Việc lựa chọn vị trí xây dựng khu xử lý rác thải đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường theo quy định rất khó khăn. Đơn cử như bãi rác Đồng Nà (TP.Quảng Ngãi) phải dừng tiếp nhận rác, vì không đáp ứng các quy định về môi trường đối với việc lựa chọn địa điểm, xây dựng và vận hành bãi chôn lấp CTR.

Trước thực trạng các bãi rác, khu xử lý CTR không đáp ứng được năng lực xử lý, UBND tỉnh chủ trương đầu tư hệ thống lò đốt theo tiêu chuẩn quy định hiện hành. Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới có 2 lò đốt theo đúng tiêu chuẩn tại huyện Bình Sơn và huyện đảo Lý Sơn.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Công Hoàng, cho biết: Hiện nay, đơn vị đầu tư nhà máy xử lý rác thải tại bãi rác Nghĩa Kỳ là Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng miền Bắc đang gấp rút hoàn tất các thủ tục và tiến hành xây dựng các bể chứa rác tạm thời, trước Tết Nguyên đán 2018 sẽ tiếp nhận rác thải của khu vực TP.Quảng Ngãi.


Bài, ảnh: VŨ YẾN

 


.