Vùng rốn lũ chủ động phòng, chống lũ

03:10, 27/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm trước, do chưa chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão, nên người dân vùng rốn lũ luôn bị thiệt hại nặng. Rút kinh nghiệm, năm nay bà con và chính quyền xã Phổ Ninh (Đức Phổ), Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) đã chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai.

Chủ động với mưa, lũ

Bà Nguyễn Thị Mẫn, thôn An Trường, xã Phổ Ninh cho biết, để chủ động phòng, chống lụt bão, gia đình bà đã mua 6 xe đất đắp nền sân và xây tường rào bằng bê tông. Năm trước, do chủ quan nên ngôi nhà của vợ chồng bà bị nước ngập hơn nửa vách. Còn đồ đạc, lúa gạo hầu như bị ẩm mốc do thấm nước.

 Để chủ động phòng, chống lụt bão,  người dân thôn An Trường, xã Phổ Ninh đã chủ động nâng cao sân, vườn, làm bờ tường phòng chống ngập lụt.
Để chủ động phòng, chống lụt bão, người dân thôn An Trường, xã Phổ Ninh đã chủ động nâng cao sân, vườn, làm bờ tường phòng chống ngập lụt.


Trước mùa mưa, ông Nguyễn Quý, thôn An Ninh, xã Phổ Ninh cũng dồn đất vào bao xi măng, đắp bờ trước sân nhà để tránh nước lũ. Ngoài ra, ông còn tranh thủ dự trữ lương thực, nước sạch trên gác lửng để phòng những lúc “trở tay không kịp”. Ông Quý, cho biết: “Nếu không dùng hết số lúa gạo, mình phải bán chỉ chừa đủ ăn thôi. Còn nước bình thì phải dự trữ nhiều, để khi có lũ còn có nước sạch mà dùng. Ở đây hầu như nhà nào cũng có gác lửng để dự trữ lương thực, hay chủ động phòng tránh những ngày bị cô lập”.

Ông Nguyễn Mè, trưởng thôn An Trường, cho biết: “Đa số nhà cửa của bà con đều nằm ở những vùng trũng, nên khi mưa lớn, nước lũ về thường bị ngập lụt. Do đó, việc chủ động chằng chống nhà cửa, tôn cao sân, vườn, đều được bà con chủ động thực hiện. Điều đáng nói hơn là nhờ sự quan tâm của các cấp, mà tuyến đường nối các thôn, xóm đã được bê tông, nên việc di dời dân, cứu nạn, cứu hộ cũng thuận lợi”.

Phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi

Những năm trước, mưa lũ thất thường, nên nhiều địa phương bị thiệt hại rất lớn về gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, việc phòng bệnh cho vật nuôi cũng không được chú trọng, nên sau lũ, lụt đã xuất hiện mầm mống dịch bệnh gây hại.

Để tránh thiệt hại và dịch bệnh cho vật nuôi của mình, trước khi bước vào mùa mưa, bà Nguyễn Thị Luận, thôn La Hà 2, xã Nghĩa Thương đã chuẩn bị đầy đủ rơm, rạ cho trâu, bò. Không chỉ có vậy, vợ chồng bà còn chọn những gò đồi cao để dự trữ thức ăn và làm chuồng “hờ” cho vật nuôi mỗi khi có nước lớn. “Nếu mưa to, nước ngập chuồng, mình di chuyển trâu bò, gà vịt lên những nơi gò cao để trú. Ngoài chuẩn bị rơm rạ, thức ăn, tôi còn mua thêm trấu để ủ ấm và làm nệm lót cho vật nuôi. Sau các đợt mưa lớn, vật nuôi rất dễ mắc bệnh, nên mình cũng chuẩn bị vôi để khử trùng chuồng trại và thuốc kháng sinh để tránh dịch bệnh”, bà Luận cho hay.

Trước mùa mưa, bà con ở vùng “rốn lũ” tận dụng triệt để những cách làm, như xây dựng chuồng trại trên sàn, “nhà tầng”, di dời vật nuôi lên gò đồi... để tránh lũ. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo cũng như xây dựng phương án phòng, chống lụt bão cũng được chính quyền các địa phương thực hiện kỹ lưỡng, chặt chẽ.

Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thương Võ Đình Chí, cho biết: “Ngay từ đầu tháng 7.2017, UBND xã đã lên kế hoạch phòng tránh, ứng phó và khắc phục thiên tai. Theo đó, các quyết định, công văn phòng chống lụt bão đã gửi đến các thôn, xóm. Trong đó lưu ý việc tập trung, sẵn sàng di dời dân, gia súc, gia cầm... ở các nơi trũng thấp đến các nơi an toàn; cử lực lượng cùng dân nhanh chóng khắc phục các thiệt hại, phòng chống dịch bệnh nếu như có thiên tai, lũ lụt xảy ra”.


Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU


 


.