Dự trữ lương thực cho mùa đông

10:10, 16/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mùa đông đến, trên những xóm làng vùng cao Ba Tơ mây phủ tứ bề. Những cơn mưa dai dẳng dẫn đến sông suối nước dâng cao, gây sạt lở, cô lập nhiều vùng. Để đảm bảo lương thực, ngay khi thu hoạch lúa hè thu, bà con đã phơi khô, tích trữ, chuẩn bị cho ngày đông.

Bí thư Đảng ủy xã Ba Xa (Ba Tơ) Đinh Nam Oang, cho biết: Mùa mưa năm nào cũng vậy, nước sông Re dâng cao, chia cắt nhiều thôn xóm trong xã. Có nhiều vùng cô lập từ 5-7 ngày. Như đợt bão lũ năm 2013, mưa lớn kéo dài, lũ sông Re đổ về càn quét cánh đồng Mang K’ra, làm sạt lở những con đường về các thôn Nước Leng, Nước Chạnh... gây cô lập cả tháng trời. Vì vậy, trước khi bước vào mùa mưa bão, xã đã chỉ đạo các trưởng thôn, già làng triển khai phương án phòng, chống lụt bão; nhắc nhở bà con dự trữ lương thực trong mùa mưa.

Chồ đựng thóc dự trữ mùa mưa, bão của người dân xã Ba Vinh.
Chồ đựng thóc dự trữ mùa mưa, bão của người dân xã Ba Vinh.

Vụ hè thu vừa qua, năng suất lúa ở Ba Xa đạt khá cao, gần 50 tạ/ha. Vì vậy, trong mùa đông năm nay, người dân không còn sợ đói. Hiện tại một số nơi trong xã như tập đoàn thôn Nước Leng và Nước Chạch điện chưa về, nên trong những ngày này, đồng bào đã tranh thủ chuyển lúa đến trung tâm xã để máy gạo đưa về dự trữ. “Mỗi nhà chỉ dự trữ gạo từ 10 – 15 ngày. Nếu quá thời gian đó mà trời vẫn cứ mưa, lũ gây tắc đường thì dùng cối xay lúa thủ công, hoặc giã lúa để có gạo ăn”, bà Đinh Thị Bay ở thôn Nước Leng nói.

Những ngày này, người dân xã Ba Vinh cũng đang tích cực chuẩn bị lương thực cho mùa mưa bão. Già Phạm Văn Quyết ở thôn Gò Đập, xã Ba Vinh, vui mừng nói: “Giờ, mưa bão có đổ về già cũng an tâm. Bởi lúa ngoài đồng đã thu hoạch, phơi khô bỏ vào chồ cả rồi. Nhà dự trữ được 70 bao lúa khô, gia đình già ăn đến năm sau vẫn còn”. Ở  xã Ba Vinh, đồng bào các dân tộc thiểu số đã biết trồng lúa nước, bảo quản hạt thóc từ thời kháng chiến. Mỗi khi thu hoạch, bà con đã biết phơi khô, làm chồ cạnh nhà để trữ lúa. Mùa mưa lũ về, nơi đây ít khi xảy ra tình trạng thiếu đói. Già Quyết đưa tay chỉ về phía chồ đựng lúa, bảo: “Xưa kia ông bà vẫn để vậy. Giờ mình cũng thế. Bà con ai thiếu lúa thì mượn để giã lấy gạo ăn, rồi đến vụ mùa sau trả lại. Chẳng ai lấy trộm của ai bao giờ”.

Chủ tịch UBND xã Ba Điền Phạm Văn Bút, cho biết: Kể từ ngày các ngành chức năng nghi vấn hội chứng dày sừng lòng bàn tay, bàn chân xảy ra nơi đây là do ăn gạo mốc, xã đã khuyến cáo người dân thu hoạch lúa hè thu, lúa rẫy xong phải phơi khô cẩn thận trước khi đưa vào chồ”. Từ sự hỗ trợ của các ngành chức năng, người dân nơi đây đã phơi lúa khô  đưa vào thùng đựng để bảo quản, nên lúa ẩm mốc không còn.

Bên cạnh việc vận động người dân dự trữ lương thực trong mùa mưa bão, UBND huyện Ba Tơ còn trích kinh phí để các xã, nhất là xã vùng sâu, vùng xa thường bị cô lập trong mùa mưa bão dự trữ lương thực, để khi có mưa lũ kéo dài thì cứu đói kịp thời cho dân.


Bài, ảnh: TRƯỜNG AN



 


.