Cuộc sống mới dưới chân đèo Violắc

08:10, 28/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trở lại vùng giáp ranh giữa Ba Vì (Ba Tơ) và tỉnh Kon Tum trong một ngày cuối thu, trước mắt chúng tôi là màu xanh trùng điệp của mì, keo, mía nối dài nhau phủ khắp các đỉnh đồi. Trung tâm thị tứ Ba Vì khoác trên mình "màu áo mới".

Đèo Violắc nằm dưới chân dãy Trường Sơn, nơi phân ranh giữa Ba Tơ và tỉnh Kon Tum đi các tỉnh Tây Nguyên. Là ngã ba nối đường liên huyện với Quốc lộ 24 nên xã Ba Vì trở thành cửa ngõ, là trung tâm mua bán ở phía tây huyện Ba Tơ.

Tại trung tâm thị tứ Ba Vì có nhiều hàng quán mọc lên. Chủ cửa hàng điện tử, điện lạnh Quốc Mạnh, cho biết: Sau khi thu hoạch mì, keo, bà con bắt đầu mua sắm các vật dụng cần thiết trong gia đình. Năm nay, cây keo cho sản lượng cao, cây mì có giá, dự tính người dân mua sản phẩm điện lạnh nhiều hơn các năm trước, nên nhiều chủ tiệm đã chuẩn bị các mặt hàng, để phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con".

Cuộc sống của đồng bào Hrê dưới chân đèo Violắc ngày càng ổn định nên đầu tư nhiều hơn cho việc học của con cái.
Cuộc sống của đồng bào Hrê dưới chân đèo Violắc ngày càng ổn định nên đầu tư nhiều hơn cho việc học của con cái.


Nhờ biết phát triển kinh tế rừng, khai thác các loại lâm sản, nên cuộc sống bà con dần khấm khá. Ngày nay, trong các bản làng xa, những ngôi nhà tranh tre, nứa lá được thay thế bằng những ngôi nhà mái ngói xây dựng khang trang. Chủ tịch UBND xã Ba Vì Phạm Văn Túc cho hay, toàn xã có 1.260 hộ với khoảng 4.685 khẩu, trong đó có hơn 73% đồng bào Hrê. Trước đây, có nhiều thôn bị chia cắt, cuộc sống đồng bào chủ yếu tự cung, tự cấp, nhiều vùng chưa có điện, việc học của con em vô cùng khó. Số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao.

Từ khi triển khai các Chương trình 135, 134 và các chính sách miền núi khác, lần lượt các công trình thiết yếu như điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng, người dân áp dụng kỹ thuật trồng lúa nước, trồng keo lai, trồng mì và tận dụng đất bồi ven sông để trồng mía, hoa màu, nhờ đó mà đời sống khá hơn. Đến nay, toàn xã có gần 300ha ruộng sản xuất lúa 2 vụ/năm, năng suất đạt 49 tạ/ha; hơn 1.660ha đất rừng sản xuất keo, sản lượng ước đạt 90 tấn/ha. Thu nhập bình quân của người dân hiện nay đạt 13,5 triệu đồng/ người/năm. Số hộ nghèo giảm xuống còn 39% trong tổng số hộ toàn xã.

Là vùng giáp ranh, dân từ các nơi tập trung về đây, nên đi đôi với phát triển kinh tế thì các tệ nạn xã hội, an ninh trật tự cũng là vấn đề đáng lo. Vì thế, Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực này. Chủ tịch UBND xã Ba Vì Phạm Văn Túc cho biết, các chi bộ phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên theo dõi, nắm tình hình ở cơ sở. Đảng viên tiên phong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, đồng thời góp sức trong công tác mặt trận, hoà giải, động viên nhân dân xây dựng nếp sống văn hoá ở khu dân cư, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhờ đó mà những năm qua, kinh tế - xã hội ở Ba Vì phát triển rõ rệt, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, an ninh trật tự được đảm bảo.
 

Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.