Tuổi cao gương sáng

08:09, 13/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ở tuổi 72, nhưng ông Võ Văn Tùng, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) vẫn hăng say lao động để phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Theo chân Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Bình Châu Nguyễn Hữu Thìn, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ba ba, thỏ của ông Võ Văn Tùng.  Chỉ tay về phía mảnh vườn bên cạnh nhà, ông Tùng cười nói: "Đó là thành quả lao động của tuổi già. Tự mình lao động cũng là cách để giáo dục con cháu biết quý trọng sức  lao động, không có tư tưởng trông chờ ỷ lại".

Mô hình nuôi ba ba của gia đình ông Võ Văn Tùng.
Mô hình nuôi ba ba của gia đình ông Võ Văn Tùng.


ông Tùng làm nghề đi biển và cũng là người làm nghề lưới vây rút đầu tiên ở thôn Châu Thuận Biển. Sau 10 năm ngang dọc khắp các ngư trường đánh bắt hải sản, ông Tùng lên bờ chuyển qua làm nghề sản xuất đá lạnh cung cấp cho các tàu, thuyền đi biển. Vốn bản tính siêng năng, nên ông Tùng luôn cần mẫn lao động.
 

“Ông Võ Văn Tùng là người cao tuổi làm kinh tế giỏi ở địa phương; nuôi dạy các con ăn học thành tài. Tuy lớn tuổi, nhưng ông Tùng vẫn hăng say lao động, nhiệt tình với công tác hội, là gương sáng cho thế hệ trẻ học tập”.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Bình Châu NGUYỄN HỮU THÌN

Đến khi vợ bị đau nặng, ông đành phải gác lại công việc ở nhà chăm sóc vợ. Để có thời gian chăm sóc vợ, năm 2005, ông chuyển hướng qua nuôi ba ba. “Dù tuổi cao, nhưng cảm thấy mình còn sức, nên phải tiếp tục lao động. Tôi luôn tự nhủ bản thân không được chùn bước trước khó khăn, như vậy mình mới làm gương cho con cháu”, ông Tùng bộc bạch.

Lúc bấy giờ, nuôi ba ba là mô hình kinh tế còn mới mẻ, nên ông Tùng đã tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để ba ba không bị bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Tùng cho biết, phải thường xuyên theo dõi các giai đoạn phát triển của ba ba cái. Khi con cái đẻ thì phải làm chỗ ấp trứng, đảm bảo duy trì đúng nhiệt độ để trứng không bị hỏng. Với hơn 100m2 đất, ông Tùng xây dựng 3 ao nuôi ba ba, bình quân trang trại của ông lúc nào cũng có 2.000 con ba ba. Sau đó, ông Tùng còn kết hợp chăn nuôi thỏ.

Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông thu về gần 100 triệu đồng. Bên cạnh phát triển kinh tế, ông Tùng còn thường xuyên tham gia sinh hoạt chi hội người cao tuổi với tinh thần “sống vui, sống khỏe”. Ông Tùng sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ người dân ở địa phương kỹ thuật chăn nuôi thỏ, ba ba để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình. Ông luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các chủ trương quyên góp, ủng hộ các hoạt động phong trào ở địa phương. Tấm gương sáng về tinh thần hăng say lao động, hết mực yêu thương vợ con của ông Tùng, luôn được người dân ở địa phương nhắc đến với sự trân trọng và xem đó là tấm gương sáng để mọi người noi theo.

 Bài, ảnh: TRUNG ÂN

 


.