Giúp dân qua "đường dây nóng"

11:09, 07/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 4 năm thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân về TTHC, cán bộ, công chức Sở Tư pháp đã xử lý hàng trăm trường hợp khó khăn, bức xúc của người dân khi đi làm TTHC; trong đó có những việc Sở Tư pháp đã phải "tác động" trực tiếp đến các cấp, ngành, địa phương.

TIN LIÊN QUAN

 
Giúp dân đến cùng

 Đầu năm 2015, ông Nguyễn Văn Triêm (SN 1936), ở TP.Quảng Ngãi gửi đơn đến Sở Tư pháp, phản ánh việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) của ông bị kéo dài. Qua hồ sơ ông gửi cho thấy, hành trình đi làm sổ đỏ của ông mất nhiều năm, có nhiều đơn thư gửi các cấp, ngành và trực tiếp  gõ cửa các cơ quan chức năng, nhưng việc giải quyết vẫn bị “nghẽn” đủ thứ. Để giải quyết vụ việc, Sở Tư pháp đã ban hành đến 3 văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền phối hợp xử lý, để giải quyết dứt điểm vụ việc cho ông. Đến tháng 8.2015, ông Triêm được cấp sổ đỏ cho diện tích hơn 530m2. Ngày nhận được sổ đỏ, ông Triêm không giấu được niềm vui và đến Sở Tư pháp để cảm ơn cán bộ, công chức nơi đây.

 Tháng 4.2017, ông Ngô Mạnh ở TP. Quảng Ngãi, cũng gửi đơn phản ánh tới Sở Tư pháp đề nghị can thiệp, vì đầu năm 2016, ông có nhận chuyển nhượng trên 103m2  đất ở và ngôi nhà 4 tầng tại thị trấn La Hà (Tư Nghĩa). Sau khi hoàn tất việc công chứng hợp đồng, ông đi nộp hồ sơ làm thủ tục sang tên, nhưng hơn một năm trời đi lại nhiều lần vẫn không được giải quyết. Trên cơ sở tìm hiểu, xác minh vụ việc với một số cơ quan liên quan, Sở Tư pháp đã có văn bản đề nghị Sở TN&MT xem xét chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh huyện Tư Nghĩa thực hiện việc giải quyết thủ tục cho vợ chồng ông Ngô Mạnh theo đúng quy định pháp luật, không có cơ sở để tiếp tục dừng việc giải quyết TTHC này cho công dân. Ngày 7.7.2017, vợ chồng ông Mạnh đã được giải quyết thủ tục đăng ký sang tên trong sổ đỏ.
 
Nhanh chóng, kịp thời


 Bà Nguyễn Thị Tường Linh (SN 1990) ở TP.Quảng Ngãi, phản ánh qua điện thoại “đường dây nóng” của Sở Tư pháp về việc con của bà sinh từ năm 2012, đến nay đã 5 tuổi, nhưng chưa được đăng ký khai sinh. Vì giữa bà và người chồng ở tỉnh Lâm Đồng đã ly thân từ năm 2011, nhưng chưa giải quyết việc ly hôn, còn đứa bé sinh ra là kết quả giữa bà với người đàn ông khác. Đến xã đăng ký khai sinh, xã giải thích theo đúng pháp luật con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân, nếu để con mang họ mẹ, thì phải có văn bản đồng ý của người chồng ở Lâm Đồng. Trong khi người chồng ở Lâm Đồng thì cắt đứt mọi liên hệ, không thể trao đổi được thông tin gì. Sở Tư pháp đã chủ động trao đổi, hướng dẫn cho công chức Tư pháp - Hộ tịch thực hiện đầy đủ quy trình xác minh, viết cam đoan, sau đó giải quyết đăng ký khai sinh cho con bà Linh, để cháu mang họ mẹ.

 Trong khi đó, ngày 9.8.2017, ông Lê Đức Phương ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk), phản ánh hồ sơ đăng ký kết hôn của ông với bà N thường trú tại xã T, mặc dù đã nộp đầy đủ cho UBND xã T, của huyện Tư Nghĩa gần 10 ngày, nhưng vẫn chưa được giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn. Lý do, UBND xã cho rằng, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của ông được UBND thị trấn Phước An cấp ghi thừa dòng chữ chỉ dành để ghi cho người đã cư trú nhiều nơi khác nhau.

Qua trao đổi làm việc, Sở Tư pháp đề nghị UBND xã T, không có lý do để từ chối trường hợp này, vì việc ghi dòng thông tin đó trong giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của ông Phương là do sơ suất của cơ quan Nhà nước, không phải lỗi người dân và cũng không gây ảnh hưởng đến việc xác nhận tình trạng hôn nhân của ông Phương để thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Ngay trong ngày 9.8, công chức Tư pháp - Hộ tịch xã T, đã mời ông Phương đến giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn.

Nhờ được tư vấn, hỗ trợ kịp thời của cán bộ, công chức Sở Tư pháp mà  người dân làm được các TTHC, để đảm bảo quyền lợi của công dân; đồng thời qua đó cũng giúp cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở các cơ quan hành chính Nhà nước nhận thức đúng hơn những trình tự, thủ tục, quy định giải quyết các TTHC cho công dân, tổ chức.


 NG.TRIỀU - T.HOÀI
 


.