Đô thị địa phương đua nhau xây vòng xuyến

04:09, 24/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có một điểm chung mà hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh hiện nay đang thực hiện là “đua nhau” làm vòng xuyến ở những vị trí đắc địa, để tạo điểm nhấn cho đô thị.

Có vòng xuyến để ra dáng đô thị?

Phát triển không gian đô thị là xu thế tất yếu của các huyện, thành phố trong tiến trình đô thị hóa hiện nay. Dạo quanh các thị trấn, thị tứ trên địa bàn tỉnh, không khó để nhận ra hầu như địa phương nào cũng trích ngân sách ra đầu tư xây dựng ít nhất một vòng xuyến. Trong số các thị trấn, thị tứ ở 14 huyện, thành phố thì các huyện Tây Trà, Ba Tơ, Minh Long, Tư Nghĩa, Mộ Đức là chưa có vòng xuyến, còn lại các địa phương khác đều đầu tư xây dựng từ 1 - 2 vòng xuyến trở lên.

Đơn cử như huyện Trà Bồng, để tạo bộ mặt cho đô thị Trà Xuân, huyện đã đầu tư tại nút giao với Quốc lộ 24C hai vòng xoay khá lớn ở hai đầu thị trấn, dù khoảng cách chỉ hơn 1km. Hay thị trấn Đức Phổ ngoài vòng xoay trung tâm huyện đã có từ lâu, vừa qua huyện này cũng trích một khoản tiền khá lớn để di dời, giải tỏa và xây dựng một vòng xoay ngay đầu thị trấn.  

 Vòng xuyến tại nút giao giữa trung tâm thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) được xem là điểm nhấn của thị trấn.
Vòng xuyến tại nút giao giữa trung tâm thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) được xem là điểm nhấn của thị trấn.


Không chỉ những địa phương đã xây dựng vòng xoay từ trước, nhiều huyện đang đầu tư xây dựng trung tâm huyện lỵ mới cũng “chạy theo mốt” xây vòng xuyến. Để sớm đưa trung tâm huyện lỵ mới trở thành đô thị loại V, trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, huyện Sơn Tây đã mạnh dạn đầu tư một vòng xuyến có đường kính khoảng 20m ngay nút giao giữa trung tâm huyện với hệ thống đèn trang trí và trồng cây xanh xung quanh. Hay trung tâm huyện lỵ mới Sơn Tịnh, đang triển khai xây dựng tại xã Tịnh Hà cũng mở rộng điểm giao với Quốc lộ 24B để xây dựng vòng xuyến.

Cần có một cái nhìn thực tế

Trong bộ tiêu chí đánh giá và phân loại đô thị, không có tiêu chí nào trong hạ tầng giao thông có nhắc đến vòng xuyến, mà chỉ nhắc đến các tiêu chí như tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa đường giao thông, tỷ lệ đường có vỉa hè, có hệ thống cây xanh, có đèn chiếu sáng...

Theo kiến trúc sư Phan Thanh Hải – Giám đốc Công ty CP phát triển đô thị Angkora, phát triển đô thị là một bài toán cần tính toán ở nhiều góc độ khác nhau, chứ không phải cứ phát triển đô thị là phải có vòng xuyến. Xây vòng xuyến có hai mặt là điều tiết phân luồng giao thông và tạo cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, muốn xây dựng vòng xuyến thì phải đảm bảo hài hòa và tương xứng với hạ tầng trục giao thông đấu nối. Nếu vòng xuyến lớn mà đường nhỏ, thì không tương xứng, ngược lại, nếu vòng xuyến nhỏ để phù hợp với hạ tầng hiện tại, thì không đảm bảo mỹ quan đô thị.

“Nhiều địa phương chỉ mới đạt chuẩn đô thị loại IV, V hoặc đang phấn đấu lên đô thị loại V, vấn đề ách tắc giao thông chưa xảy ra, nhưng đa phần tại các nút giao này thường khuất tầm nhìn, góc nhìn không đảm bảo sẽ rất dễ mất an toàn giao thông. Tôi cho rằng, các địa phương không nên chạy theo phong trào làm vòng xuyến, vì hiện nay các đô thị lớn đang dần phá bỏ vòng xuyến để mở nút giao thông bình thường với đèn tín hiệu hoặc cầu vượt”, ông Hải nhận định.

Mục tiêu lớn nhất của vòng xuyến là điều tiết giao thông, nhưng với những vòng xuyến đang tồn tại hiện nay ở các đô thị, thì nhiệm vụ ấy chỉ phát huy hiệu quả rất nhỏ, bởi lưu lượng người tham gia giao thông ít. Nhiều chuyên gia về giao thông và đô thị cho rằng, tốt hơn là sử dụng đèn tín hiệu hoặc các “vòng xuyến mềm” bằng đường kẻ chỉ với các loại sơn phản quang để vừa tạo sự thông thoáng, tránh việc bị che khuất tầm nhìn khi lưu thông, cũng như tiết kiệm được một khoản kinh phí lớn đầu tư.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.