Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo: Luật định phải được thực thi

09:08, 08/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ai bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo? Đây là câu hỏi đang được đặt ra hiện nay khi mà ngày càng có nhiều nhà báo bị cản trở, hành hung khi đang tác nghiệp.

Quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo đã được nêu rõ trong luật định, mới đây nhất là Luật Báo chí năm 2016 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1.1.2017. Văn bản luật đã ban hành, nhưng trên thực tế chưa được thực thi nghiêm túc, vẫn còn tình trạng nhiều nhà báo  gặp phải rào cản trong tiếp cận thông tin, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

 Nỗi niềm của nhà báo

Rong ruổi khắp mọi nơi, bất chấp mọi nguy hiểm để phản ánh mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, đó vừa là trách nhiệm, vừa là để thỏa đam mê, nhiệt huyết cống hiến của những người làm báo chân chính, nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin đảm bảo tính thời sự, khách quan và sinh động nhất. Nhưng, một thực tế mà nhiều nhà báo lo ngại, đó là tác nghiệp đúng quy định của pháp luật, nhưng lại bị cản trở, hành hung.

Phóng viên Báo Quảng Ngãi và Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh phỏng vấn Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ tại hội thảo


Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, cả nước xảy ra khoảng 50 vụ tấn công nhà báo. Trong đó có nhiều vụ  cản trở, hành hung xảy ra khi đương sự biết rõ người bị tấn công là nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp. Mới đây, sự việc nhóm phóng viên của Ðài Truyền hình Việt Nam bị một đối tượng lái chiếc xe bán tải lao thẳng vào trong khi đang tác nghiệp tại khu vực thuộc xã Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội) ngày 13.6 khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Sự việc diễn ra giữa ban ngày, khu vực tác nghiệp của nhóm phóng viên không có biển cấm. Qua các vụ việc nhà báo bị hành hung, nhiều nhà báo lo lắng trong quá trình tác nghiệp, nhất là khi tìm hiểu để phản ánh, đưa ra ánh sáng những vụ việc tiêu cực.
 

Điểm c, Điều 25 Luật Báo chí 2016  nêu rõ nhà báo: "Được  đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật" 

Theo PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam, tình trạng hành hung, cản trở phóng viên trong khi tác nghiệp đang có xu hướng tăng cả về mức độ lẫn tần suất, thậm chí các hành vi cản trở mang tính chất trả thù, cảnh cáo, còn nhằm vào thân nhân các nhà báo cho thấy tình trạng “coi thường hoạt động báo chí”, cũng như các quy định pháp luật nói chung đã đến mức đáng báo động. Câu hỏi được đặt ra, với tình trạng trên, những người làm báo có thể an tâm sử dụng ngòi bút của mình vào các mục tiêu truyền thông chính xác và trung thực hay không?

 PGS.TS Nguyễn Thành Lợi cho rằng, nhiều câu hỏi cấp thiết đang được đặt ra và cần câu trả lời từ các cấp, ngành. Đó là: Ai sẽ bảo vệ nhà báo? Phải chăng các cơ quan hữu trách chưa làm hết trách nhiệm đối với những vụ việc nhà báo bị hành hung, bị ngăn cản tác nghiệp? Có phải nhà báo đang thiếu các kỹ năng cần thiết khi đi làm điều tra? Phóng viên cần làm gì khi bị cản trở, hành hung? Kinh nghiệm tác nghiệp ở điểm nóng qua một số tình huống cụ thể? Cách xử lý của tòa soạn trong trường hợp phóng viên bị hành hung? Hệ thống pháp luật đã đủ mạnh để bảo vệ nhà báo?...    
 
Cần hành lang an toàn cho nhà báo


 Vai trò của báo chí là rất lớn, phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội, là một trong những lực lượng đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực vì sự bình yên của xã hội. Đây là một cuộc đấu tranh lâu dài và đầy khó khăn, thử thách. Để cuộc đấu tranh này đem lại hiệu quả cao hơn, nhà báo cần phải được khuyến khích, động viên và rất cần được bảo vệ.

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi Hà Minh Đích, hành vi hành hung nhà báo không chỉ làm tổn hại đến sức khỏe, tinh thần, danh dự và nhân phẩm của cá nhân nhà báo, mà còn ẩn chứa động cơ bưng bít thông tin. Nếu không sớm có cơ chế “bảo hộ” thỏa đáng sẽ làm giảm nhiệt huyết phòng, chống, phát hiện tham nhũng, tiêu cực của báo chí, làm giảm sự trung thực, khách quan trong ngòi bút khi những “thương tật” dai dẳng không được bảo vệ vẫn ám ảnh mỗi nhà báo. “Điều quan trọng đối với những người làm báo để có thể bảo vệ mình là phải có đạo đức nghề nghiệp, cái tâm trong sáng, nhạy bén, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ kỹ năng tác nghiệp giỏi, am hiểu sâu sắc các quy định của pháp luật. Đồng thời, mỗi người làm báo cần có kiến thức văn hóa và lối ứng xử văn hóa”, Nhà báo Hà Minh Đích chia sẻ.

 Theo Nhà báo Ngọc Thành- Thư ký Ban Biên tập Tạp chí Người làm báo, để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo, cần có chế tài riêng đủ mạnh để xử lý nghiêm những hành động cản trở, hành hung phóng viên khi tác nghiệp. “Nhà báo dám dấn thân, nhưng phương pháp tác nghiệp cần chuẩn mực, thái độ cần khiêm tốn, tác phong chững chạc. Muốn tự bảo vệ, trước hết nhà báo cần tuân thủ các quy định của pháp luật, hướng tới lợi ích của đất nước, của nhân dân, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi. Đây có lẽ là biện pháp hết sức cần thiết và là cách tự bảo vệ hữu hiệu nhất cho mỗi nhà báo trong quá trình tác nghiệp”, nhà báo Ngọc Thành cho biết thêm.


 MINH HOÀNG

 

*Nhà báo Trần Cao Tánh - Phó Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ngãi

Thời gian qua, ở Quảng Ngãi, tình trạng phóng viên, nhà báo bị cản trở, hành hung khi tác nghiệp không nổi cộm như các địa phương khác, nhưng cũng có xảy ra một số trường hợp.

 Theo tôi, bên cạnh các quy định về bảo vệ quyền tác nghiệp, thì nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp cần phải tự bảo vệ mình. Cách tốt nhất, đối với những vụ việc phức tạp cần điều tra, thì phóng viên phải báo cáo lãnh đạo cơ quan và xin ý kiến chỉ đạo. Có thể liên hệ với địa phương nơi đến để xin hỗ trợ khi cần thiết. Còn khi sự việc bị hành hung, cản trở xảy ra, phóng viên, nhà báo cần bình tĩnh, đặt niềm tin vào công lý, không lợi dụng báo chí gây hoang mang và vô tình đẩy cơ quan chức năng vào tình thế khó xử.

*Nhà báo Nguyễn Sĩ Thắng- Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Quảng Ngãi

 Không chỉ là vấn đề an toàn về tính mạng, sức khỏe, khó khăn hiện nay trong tác nghiệp báo chí là bị cản trở trong việc tiếp cận thông tin và đối mặt với nhiều rủi ro nghề nghiệp khác. Khi quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo bị xâm phạm không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bản thân nhà báo, mà còn tác động đến sự đồng thuận của xã hội về địa vị pháp lý và sứ mệnh của nhà báo. Pháp luật đã có những quy định để bảo vệ nhà báo, nhưng rất nhiều trường hợp trong thực tế đời sống không phải quy định pháp luật nào cũng được tuân thủ đầy đủ. Do đó, điều quan trọng là làm sao cho pháp luật về bảo vệ quyền tác nghiệp, quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo được tuân thủ.
 
*Nhà báo Dương Hiển Cừ- Báo Thanh niên

 Trên thực tế, trong quá trình tác nghiệp, ranh giới giữa nghiệp vụ báo chí với hành vi vi phạm đôi khi khá mong manh. Chẳng hạn, khi viết bài chống tiêu cực, nhà báo nhập vai người đưa hối lộ để thu thập tư liệu mới có thể phanh phui được vụ việc. Như vậy, mức độ cho phép đến đâu để nhà báo không bị coi là phạm pháp? Theo tôi, Hội Nhà báo Việt Nam cần xây dựng một “hành lang an toàn” về hoạt động tác nghiệp, nghiệp vụ của nhà báo, làm cơ sở để xem xét việc tác nghiệp tới mức độ nào là hợp pháp. Bên cạnh đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải thực hiện nghiêm việc bảo vệ nhà báo bị xâm hại. Các cơ quan quản lý báo chí phải vào cuộc để bảo vệ nhà báo hành nghề hợp pháp.  
 
*Nhà báo Lê Bá Sơn-Báo Quảng Ngãi


Khi viết bài về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phóng viên thường xuyên đối diện với nhiều khó khăn, nguy hiểm  rình rập trên mọi nẻo đường. Để hoàn thành bài viết theo nhiệm vụ được giao, phóng viên phải biết cách tự bảo vệ mình; đồng thời phải phối hợp tốt với các cơ quan bảo vệ pháp luật khi tác nghiệp, phải tính đến mặt trái những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Trong quá trình tìm hiểu thông tin viết bài phản ánh tiêu cực, tôi đã không ít lần nhận được những lời hù dọa, nhưng không vì thế mà chùn bước...

*Nhà báo Võ Minh Huy - Đài PT-TH Quảng Ngãi

Trước hết, để tự bảo vệ mình, nhà báo cần phải am hiểu pháp luật, hành nghề đúng quy định của Luật Báo chí. Theo tôi. “vũ khí” mạnh nhất để bảo vệ nhà báo chính là khi hành nghề, nhà báo phải có trách nhiệm với từng vấn đề, sự kiện đang đeo bám, đảm bảo đưa thông tin đến bạn đọc, công chúng kịp thời, đúng sự thật. Nếu làm được như vậy, dù trên con đường tác nghiệp gặp nhiều khó khăn, trắc trở thì tin chắc rằng quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo sẽ được xã hội bảo vệ. Một vấn đề quan tâm hơn nữa để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo được hiệu quả, đó là cơ quan hành pháp khác trong hệ thống chính trị cũng phải “rốt ráo” hơn trong việc bảo vệ nhà báo khi họ tác nghiệp.
        

NHÓM PV (ghi)

 

 


.