Bàn tay lá cỏ

10:08, 31/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Người dân ở các địa phương đã ví đôi bàn tay của những lương y mà họ yêu mến là "bàn tay lá cỏ". Nhiều bệnh nhân nghèo đã được tận tình cứu chữa từ trái tim nồng ấm tình người và "bàn tay lá cỏ" của những lương y.

Nhiều người bảo lương y Lê Vinh (77 tuổi) ở thôn Hòa Vinh, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) giống như danh y Tuệ Tĩnh, bởi ông có dáng người quắc thước, mái tóc cùng hàm râu quai nón bạc trắng. Ông Vinh cười bảo: “Đó chỉ là ngoại hình. Còn về kiến thức, tôi còn phải nỗ lực nhiều mới có được sự hiểu biết về cây thuốc nam như cụ Tuệ Tĩnh”. Với cái tâm cứu chữa người bệnh, lương y Lê Vinh đã dành nhiều tâm huyết xây dựng vườn thuốc nam.

Lương y Lê Vinh giới thiệu về tác dụng của cây xạ đen được ông cất công đem về từ tỉnh Hòa Bình.
Lương y Lê Vinh giới thiệu về tác dụng của cây xạ đen được ông cất công đem về từ tỉnh Hòa Bình.


Khu vườn thuốc nam của lương y Lê Vinh rộng hơn 1.500m2, với trên 300 loại thảo mộc bản địa được ông sưu tầm ở khắp nơi trong cả nước. Ông Vinh cho biết, gia đình ông có truyền thống về y học cổ truyền, trong gia đình khi có người mắc bệnh đều nhờ vào những cây thuốc nam. Năm 35 tuổi, ông quyết định theo nghề ông cha, đi sâu nghiên cứu, học hỏi, sưu tầm những bài thuốc y học cổ truyền.
 

Bên cạnh sự tiến bộ vượt bậc của Tây y thì những bài thuốc, phương pháp chữa trị của Đông y cũng đã góp phần quan trọng trong công tác cứu chữa cho người bệnh. Lương y Lê Vinh đã góp phần duy trì và phát triển cây dược liệu bản địa theo phương châm “Nam dược trị Nam nhân” (thuốc nam dùng chữa bệnh cho người Nam) của danh y Tuệ Tĩnh.
Hơn 40 năm qua, đôi chân người thầy thuốc già tâm huyết đã in dấu ở khắp mọi nơi để tìm hiểu về các bài thuốc trị bệnh. Có những chuyến đi kéo dài đến vài tháng vì ông nghe được thông tin về một loài cây trị được bệnh. “
 
Có rất nhiều bài thuốc chữa bệnh đơn giản, hiệu quả lại có thể tìm được nguyên liệu ngay trong vườn nhà, phù hợp với người dân nghèo ở cả nông thôn và thành thị. Chỉ cần nắm rõ các công dụng của cây thuốc, người dân có thể tự chữa bệnh cho mình”, ông Vinh cho biết.
 
Với mong muốn góp phần phổ biến rộng rãi các bài thuốc nam vừa rẻ tiền, vừa dễ kiếm, hiệu quả cao, ít tác dụng phụ, nên ông Vinh sưu tầm, ghi chép lại hình ảnh của những cây thuốc, coi như một nguồn tài liệu để gìn giữ và phát huy giá trị của nền y học dân tộc.

Không chỉ thường xuyên khám và điều trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo, gia đình chính sách bằng thuốc nam, ông Vinh còn nhân giống và giới thiệu cho nhiều người biết về cách trồng và sử dụng cây thuốc nam, để điều trị một số bệnh thường gặp.
 

Bài, ảnh: VŨ YẾN

 


.