Về thăm di tích Đặng Thùy Trâm

04:07, 29/07/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Chúng tôi có dịp về nơi liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm từng công tác và hy sinh năm xưa. Đó là làng Đồng Lớn, thôn Nước Đang, xã Ba Trang, huyện miền núi Ba Tơ.
 
Trong một lần ghé ra thủ đô Hà Nội, đến gia đình nữ anh hùng liệt sĩ – bác sĩ Đặng Thùy Trâm để viết bài “Chuyện ngoài cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, chúng tôi may mắn được cụ bà Doãn Ngọc Trâm – mẹ của nữ anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên đất Quảng Ngãi tiếp chuyện. 
 
Bà cụ Doãn Ngọc Trâm –nghẹn ngào tỏ bày ước nguyện: “Tôi chỉ có một ước ao có đủ sức khỏe, để về lại mảnh đất con gái đã ngã xuống, nói lời tri ân người dân nơi đây đã che chở, cưu mang Trâm và đồng đội của nó trong suốt những ngày hoạt động cách mạng ở Quảng Ngãi. Nhưng có lẽ khó lòng, thật khó lòng. Các con về Quảng Ngãi, nếu có dịp, giúp mẹ thực nguyện ước nguyện này với nhé…”
 
Và Mẹ Doãn Ngọc Trâm ơi, khi cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động hướng đến 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ, chúng con đã về nơi chị Trâm ngã xuống năm xưa, Mẹ ạ. Đó là làng Đồng Lớn, thôn Nước Đang, xã Ba Trang, huyện miền núi Ba Tơ.
 
Vượt gần 60 km từ TP. Quảng Ngãi, 8 giờ sáng, anh em chúng con đã có mặt tại bờ đập hồ Liệt Sơn để bắt đầu hành trình “Về nơi chị Trâm đã ngã xuống”. Các anh lãnh đạo xã từ trung tâm xã cắt rừng phòng hộ hơn 13km, rồi vượt lòng hồ ra đón chúng con tận chân đập. Chúng con mang theo chút quà là hàng hóa tặng cho toàn bộ hộ dân nơi đây gồm 21 hộ nhanh chóng được tập kết lên 4 chiếc thuyền nhỏ, gồm: 42 chiếc chăn ấm đủ để mỗi hộ có được hai chiếc; gạo, dầu ăn, bột ngọt, mắm, bánh kẹo, nước ngọt và 2 suất quà tặng 2 thương binh (1 triệu đồng/suất).
 
Đồng Lớn, thôn Nước Đang, xã Ba Trang, huyện miền núi Ba Tơ
Tặng quà cho người dân ở thôn Nước Đang, xã Ba Trang, huyện miền núi Ba Tơ
 
Hơn 40 phút, cả đoàn đã cặp bờ hồ bên kia, nhưng từ đây về làng vẫn còn đến hơn 2km nữa. Đường  - thực ra là lối mòn “đi mãi nên thành đường” quanh co, khúc khuỷnh, trơn trợt, đá cuội. Những chiếc xe máy được tháo bỏ gần hết các phụ kiện, chỉ để lại bộ máy hoạt động, vì sợ va đập, hư hỏng và dễ gặp tai nạn chở hàng cứ chồm lên đá, rồi như rơi tõm xuống hũng sâu. Cầm lái chỉ có thể là thanh niên ở làng. Những cánh tay rắn rỏi kìm lái, mắt đăm chiêu bám sát mặt đường, mồ hôi túa ra. Và cuối cùng, hơn 11 giờ trưa, anh em chúng con và những món quà nhỏ mới về đến làng Đồng Lớn.
 
Bà con háo hức chờ chúng con từ sáng sớm. Những cái nắm tay, nụ cười, ánh mắt, con hiểu, họ mừng vui lắm khi có “khách về làng”. Bát nước chè xanh, những câu chuyện kể về “nữ bác sĩ Thùy” – tên thân mật của chị Đặng Thùy Trâm bà con vùng này vẫn quen gọi, được kể lại xúc động nghẹn ngào. 
 
Già làng Phạm Văn Hòa, thương binh – người đã từng tiếp tế cho “Trạm xá của chị Trâm” trên đỉnh núi cao ở làng Đồng Lớn bảo rằng: “Nhớ ơn chị ấy, dân làng tôi ở lại giữ di tích Đặng Thùy Trâm. Dù chị hy sinh mấy chục năm rồi, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in hình dáng, giọng nói, cử chỉ ân cần chị chăm sóc thương binh”.
 
Ở làng Đồng Lớn, các gia đình đều lập bàn thờ chị Trâm, với bức ảnh chị thời trẻ và bát hương, đơn sơ nhưng ấm áp. Chúng tôi về làng đúng vào ngày 1.6 (âm lịch), những nén hương trên bàn thờ chị Trâm vẫn đang cháy dở. Các già làng bảo rằng, cuộc sống ở đây còn cực khổ lắm, điện – đường – trường – trạm – sóng điện thoại chưa có nhưng chẳng ai muốn chuyển nhà đi nơi khác.
 
Buổi sáng hôm ấy, tất cả các thanh niên trong làng đang tập trung đục đẽo, dựng cột kèo cho ngôi nhà mới của anh Phạm Văn Ton. “Làng ở xa xôi, hẻo lánh, cuộc sống nhọc nhằn, nhưng đi thì không ai trông coi di tích Đặng Thùy Trâm. Ở lại chăm sóc, giữ gìn di tích cũng là tri ân người nữ liệt sĩ Anh hùng mà dân làng luôn biết ơn, kính trọng” – già làng Phạm Văn Hòa bảo thế.
 
Th.Nhị
 

.