Hoạt động kinh doanh lữ hành: Cần quản lý chặt chẽ

04:07, 11/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh lữ hành ngày càng phát triển. Đây tín hiệu vui, nhưng cũng là thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch.

TIN LIÊN QUAN

Dù có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, nhưng vẫn còn tình trạng nhiều DN kinh doanh lữ hành hoạt động chui, cạnh tranh không lành mạnh... đã làm ảnh hưởng đến hoạt động du lịch trên địa bàn. Chỉ khi làm tốt công tác này mới đảm bảo quyền lợi cho du khách, góp phần tạo thương hiệu và quảng bá hình ảnh du lịch địa phương.

Nan giải doanh nghiệp hoạt động chui

Cứ đến mùa du lịch là xuất hiện tình trạng một số cá nhân, DN kinh doanh lữ hành hoạt động chui theo mùa vụ. Các DN này thường xuyên thay đổi địa điểm, số điện thoại dẫn đến việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Với du khách, nếu không may gặp phải những tour du lịch như thế sẽ chịu những hậu quả khó lường.

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, năm 2016, toàn tỉnh chỉ có 13 DN kinh doanh lữ hành, thì đến nay con số đó đã tăng lên 25 DN. Sự phát triển đó là tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý.

Lý Sơn là điểm đến thu hút du khách.                      ẢNH: T.PHƯƠNG
Lý Sơn là điểm đến thu hút du khách. ẢNH: T.PHƯƠNG


Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Du lịch Quảng Ngãi Travel Trần Đình Định bức xúc: “DN có đóng thuế, tuyển dụng nhân sự và  kinh doanh theo luật, nhưng phải luôn cạnh tranh với các DN chui là không thỏa đáng. Bởi họ không phải đóng thuế và các khoản chi phí, nên sẵn sàng phá giá, làm ảnh hưởng đến uy tín và doanh thu của DN kinh doanh lữ hành chấp hành pháp luật.

Đặc biệt, khi có sự cố xảy ra thì du khách sẽ không được giải quyết quyền lợi”. Hiện nay, Quảng Ngãi Travel cũng có cộng tác viên để giới thiệu tour. Tuy nhiên, ngoài giới thiệu tour và hưởng hoa hồng thì các cộng tác viên không có quyền ký kết hợp đồng. Việc ký kết hợp đồng và tổ chức tour đều do công ty thực hiện. Vì vậy, du khách vẫn được đảm bảo mọi quyền lợi theo quy định.
 

Theo Tổng cục Du lịch, Quảng Ngãi là địa phương còn hạn chế về việc phát triển du lịch. Để tháo gỡ những khó khăn, Sở VH-TT&DL nên tổ chức hội thảo quy mô quốc gia, để có những đánh giá và định hướng cho du lịch Quảng Ngãi.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Ngãi VÕ THỊ NGA

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa cho hay: Từ năm 2016 đến nay, Phòng Quản lý du lịch đã tăng cường kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, những trường hợp vi phạm thì kiến nghị Thanh tra ngành tiến hành thanh tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, một số DN đăng ký kinh doanh, nhưng không đến Sở làm thủ tục mà vẫn tổ chức tour. Hướng dẫn viên có bằng, nhưng không được phép tự đứng ra tổ chức mà phải do công ty, tổ chức đứng ra tổ chức kinh doanh lữ hành.

Với sự phát triển của mạng xã hội, internet, các cá nhân dễ dàng quảng bá, nhận tour, tổ chức tour. Điều này cũng phần nào gây khó khăn trong việc quản lý chất lượng của các công ty kinh doanh lữ hành. “Sở đã có văn bản, trực tiếp đối thoại và phối hợp cùng với Hiệp hội Du lịch, để chấn chỉnh và nâng cao chất lượng hoạt động của DN kinh doanh lữ hành”, bà Hoa nhấn mạnh.

Tăng cường quản lý nhà nước

Bắt đầu từ cuối năm 2016, Sở VH-TT&DL đã tăng cường quản lý nhà nước đối với các công ty kinh doanh lữ hành, nhằm nâng cao chất lượng ngành kinh doanh lữ hành, để xây dựng thương hiệu. Trước đây, ngành kinh doanh lữ hành hoạt động khá riêng lẻ, chưa tạo ra những đột phá. Vì vậy, Hiệp hội du lịch sẽ thành lập Chi hội lữ hành, nhằm tạo sân chơi để các DN cạnh tranh lành mạnh.

Theo bà Hoa, giữa các DN cũng có sự cạnh tranh không lành mạnh. Đơn cử, cùng một tour đón khách tại cảng Sa Kỳ ra Lý Sơn, nhưng giá tour có sự chênh lệch. Thay vì cho du khách ở khách sạn thì một số DN chọn homestay để giảm chi phí... “Ngành du lịch sẽ đàm phán giá tour, nhất là những tour quan trọng để đưa ra giá sàn để các DN kinh doanh lữ hành cạnh tranh lành mạnh bằng chính chất lượng của mình”, bà Hoa nói.

Đối với các DN hoạt động chui, cán bộ Sở VH-TT&DL đã trực tiếp liên hệ để giải thích, hướng dẫn về mặc thủ tục, tuy nhiên vẫn có một số công ty cố tình không thực hiện. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương để quản lý các DN kinh doanh lữ hành.

Các DN phải kinh doanh đảm bảo quy định, trong đó hướng dẫn viên phải có thẻ, chế độ báo cáo, thông báo thay đổi địa điểm; đồng thời phối hợp với Sở trong việc kịp thời phát hiện các công ty “ma”, nhằm đảm bảo uy tín, khẳng định thương hiệu kinh doanh lữ hành tỉnh nhà.

TRỊNH PHƯƠNG
 


.