Phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch

09:06, 03/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi về điều kiện tự nhiên, bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng... Mộ Đức có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

TIN LIÊN QUAN

Xác định công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Mộ Đức đang triển khai các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử

Mộ Đức hiện có 33 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong số này có 2 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và 31 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó có rất nhiều di tích, danh lam thắng cảnh có tiềm năng gắn với phát triển du lịch. Ngoài ra, Mộ Đức có nhiều làng nghề truyền thống như làm mạch nha (Đức Tân), đúc đồng (Đức Hiệp), trồng dâu nuôi tằm, đan võng... cùng nhiều lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc.

Du khách tham quan Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Du khách tham quan Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng.


Tiềm năng, lợi thế là vậy, nhưng du lịch Mộ Đức phát triển chưa tương xứng. Dịch vụ du lịch chỉ mới tập trung ở Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, dịch vụ biển Minh Tân (Đức Minh). Còn những địa điểm du lịch đặc sắc như núi Long Phụng, chùa Hang (Đức Thắng), rừng Nà (Đức Phong) cùng rất nhiều điểm đến hấp dẫn du khách vẫn chưa được đánh thức.

Vì vậy, huyện Mộ Đức đang đưa ra các phương án bảo tồn, phát huy giá trị của những di tích lịch sử - văn hóa, gắn với phát triển du lịch tâm linh. Một trong những di tích được huyện ưu tiên tôn tạo, trùng tu là đền Văn Thánh, nhà thờ Trần Cẩm... Mục tiêu của Mộ Đức từ nay đến năm 2020 sẽ có 50% di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện hoàn thành việc đầu tư trùng tu, tôn tạo. Theo đó, 100% di tích sẽ được bảo tồn, quản lý theo quy định.

Công tác đầu tư, tôn tạo di tích với phương châm “Xã hội hóa đi trước, Nhà nước ủng hộ sau” đang được huyện đẩy mạnh triển khai, nhằm góp phần trùng tu, bảo tồn các di tích. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá trên địa bàn. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo Phòng VHTT huyện, các ngành liên quan khẩn trương khảo sát các di sản văn hoá, xây dựng các phương án cụ thể, trước mắt và lâu dài để trùng tu, tôn tạo các di tích đã xuống cấp; sưu tầm các nguồn tài liệu về các loại hình sinh hoạt văn hoá tinh thần, tín ngưỡng; khôi phục các loại hình văn hoá bị mai một...

Định hướng phát triển du lịch

Lượng du khách trong và ngoài nước đến với Mộ Đức ngày một tăng, phần nào minh chứng việc đẩy mạnh phát triển du lịch, cũng như tư duy làm du lịch đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó du lịch biển thực sự là đòn bẩy, đưa du lịch Mộ Đức lập nên những kỳ tích mới. Nếu như năm 2010, có khoảng 25.000 lượt khách thì đến năm 2015 có khoảng 60.000 lượt khách đến với các bãi biển ở Mộ Đức.

Đền Văn Thánh - một trong những di tích tâm linh đặc biệt của huyện Mộ Đức.
Đền Văn Thánh - một trong những di tích tâm linh đặc biệt của huyện Mộ Đức.


Theo số liệu thống kê, ước tính tổng doanh thu từ ngành "công nghiệp không khói” của Mộ Đức đến nay khoảng 20-25 tỷ đồng. Trong đó, du khách đến thăm viếng tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, năm 2012 trên 41.330 lượt khách (11 lượt khách quốc tế) thì đến năm 2016 có gần 55.000 lượt khách (140 lượt khách quốc tế).

Tuy nhiên, hiện nay du khách đến Mộ Đức chỉ dừng chân rồi đi, chứ không lưu trú lại hoặc mua sắm sản vật gì của địa phương. Trong khi đó, mục đích của làm du lịch là kinh tế, nhưng nếu không tạo ra được các dịch vụ để thu hút khách tham quan mua sắm, sẽ không thể phát triển. Theo lãnh đạo huyện Mộ Đức, trước hết phải hoạch định chiến lược và tầm nhìn chung về phát triển du lịch; tôn tạo di tích gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, Mộ Đức đã phê duyệt các đề án về phát triển du lịch và tôn tạo di tích. Những vấn đề gì có thể bỏ tiền ít hoặc không thể bỏ tiền, nhưng vẫn điều chỉnh được ngay và đưa vào khai thác ngay. Còn những điểm cần đầu tư thì sẽ đầu tư "điểm nhấn", còn lại kêu gọi xã hội hóa...

Xóm A, xã Đức Lợi đã được huyện quy hoạch thành vùng kinh tế nông nghiệp cao kết hợp du lịch sinh thái.
Xóm A, xã Đức Lợi đã được huyện quy hoạch thành vùng kinh tế nông nghiệp cao kết hợp du lịch sinh thái.


Cụ thể, Mộ Đức cho quy hoạch chi tiết một số điểm nổi trội để kêu gọi đầu tư như rừng Nà, hồ Đá Bàn - Suối Tiên, núi Long Phụng - chùa Hang, xóm A Đức Lợi. Đồng thời, quy hoạch và kêu gọi đầu tư khu dịch vụ - thương mại - văn hóa, bao gồm buôn bán các sản vật, dịch vụ ẩm thực quê hương, các dịch vụ văn hóa văn nghệ mang tính dân gian và phục vụ hậu cần cho du khách. Ngoài ra, Mộ Đức sẽ xã hội hóa một số điểm du lịch trên địa bàn.

Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Trần Văn Mẫn, cho biết: “Nhu cầu du lịch, giải trí của người dân ngày một tăng. Đó là một yếu tố đẩy lượng khách du lịch đến nhiều hơn với Mộ Đức. Nhưng quan điểm của chúng tôi là không “thụ động ngồi chờ” mà sẽ tập trung vào các điểm nhấn để kêu gọi xã hội hóa. Huyện đã xây dựng đề án phát triển du lịch giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến 2025”. Mộ Đức phấn đấu đến năm 2020, doanh thu từ du lịch đạt 50 tỷ đồng. Thu hút khoảng 120.000 lượt khách đến tham quan du lịch, trong đó khách quốc tế chiếm 3-5%.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới huyện tiếp tục thực hiện tốt việc nâng cao hơn nữa nhận thức của nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng việc hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ làm công tác văn hóa, du lịch; tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, vận động nhân dân đóng góp tu sửa, tôn tạo cũng như bảo vệ, gìn giữ các di tích lịch sử trên địa bàn...


Bài, ảnh: H.HOA - N.VIÊN



 


.